Xã Vĩnh Hựu thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng gắn liền sản xuất với tiêu thụ

Thứ tư - 01/11/2023 10:29
Để nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua, trên địa bàn xã Vĩnh Hựu nói riêng và toàn huyện Gò Công tây nói chung đã và đang tập trung thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững theo định hướng trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Ông Phan Văn Tải - ấp Hòa Bình, xã Vĩnh Hựu bên vườn bưởi sau 5 năm chuyển đổi từ vườn dừa lão và mãng cầu xiêm kém hiệu quả.
Ông Phan Văn Tải - ấp Hòa Bình, xã Vĩnh Hựu bên vườn bưởi sau 5 năm chuyển đổi từ vườn dừa lão và mãng cầu xiêm kém hiệu quả.

Theo đó, ngành Nông nghiệp huyện đã và đang phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền định hướng cho bà con nông dân đưa các loại cây trồng đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào gieo trồng thay thế cho diện tích cây trồng đạt hiệu quả kinh tế thấp, từ đó góp phần nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.

Thực hiện định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hiện đại, những năm qua, xã Vĩnh Hựu huyện Gò Công Tây đã tập trung đưa cây bưởi da xanh, bưởi lông và đặc biệt là cây dừa Mã-lai để chuyển đổi trên nền đất lúa và một số cây trồng khác bị lão hóa đạt hiệu quả kinh tế thấp. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng này đã giúp hình thành và nhân rộng được nhiều mô hình trồng trọt đạt hiệu quả kinh tế ổn định, mở ra hướng đi mới cho người dân xã Vĩnh Hựu hôm nay. Điển hình như tại hộ ông Phan Văn Tải - ấp Hòa Bình, xã Vĩnh Hựu, từ năm 2017 đến nay, ông được xã vận động nên đã chuyển đổi được gần 5 công đất dừa lão và mãng cầu xiêm kém hiệu quả chuyển sang trồng chủ yếu cây bưởi da xanh và bưởi lông. Trên nền đất vườn cũ, gia đình ông thuê người bồi thêm đất bùn tạo thành các mô đất mới và trồng trên 500 gốc bưởi da xanh, bưởi lông, tận dụng hệ thống mương vườn sẵn có, ông Tải phủ thêm lục bình, rơm rạ vào gốc, tăng cường bón phân hữu cơ nên chỉ sau 5 năm, vườn bưởi nhà ông ngày càng tươi tốt và cho trái sai, vinh dự hơn mô hình vườn bưởi gia đình ông cũng được lựa chọn làm mô hình điểm trình diễn mô hình vườn bưởi sinh học thích ứng với biến đổi khí hậu do ngành Nông nghiệp triển khai thực hiện. Thực tế cho thấy, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thay đổi tư duy sản xuất của người dân, hiệu quả của các loại cây trồng sau khi chuyển đổi đều mang lại hiệu quả kinh tế cao ổn định so với trước kia, góp phần tăng thu nhập so với trước kia.

 

chuyen doi co cau cay trong xa vinh huu (1)

Phủ lục bình, rơm rạ vào gốc để tạo phân hữu cơ cho cây.


Bà Lê Thị Thanh Minh - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Tây cho biết: Để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hiện đại, bền vững, huyện đã thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, như: Rà soát diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả kinh tế và xây dựng kế hoạch, lộ trình cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng về quy mô, diện tích đến từng xã. Vận động người dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng những cây trồng có giá trị kinh tế ổn định, thị trường thu mua đảm bảo để phát triển các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Cùng với đó, huyện thường xuyên phối hợp với ngành Nông nghiệp của tỉnh mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP, tích cực tuyên truyền vận động cấp mã số vùng trồng và đăng ký truy xuất nguồn gốc sản phẩm, mở rộng thị trường liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở bảo quản, chế biến nông sản đặt tại địa phương để hình thành các chuỗi giá trị khép kín trong sản xuất.

Có thể khẳng định có nhiều yếu tố giúp cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng tạo được sự chuyển biến tích cực. Trong đó, việc tuân thủ nguyên tắc chuyển đổi linh hoạt và chỉ thực hiện chuyển đổi khi đạt hiệu quả kinh tế cao hơn là yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả kinh tế cho vùng được chuyển đổi. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện chuyển đổi, nhiều địa phương đã chủ động, sáng tạo lựa chọn được những cây trồng phù hợp với điều kiện sản xuất, trình độ canh tác của người dân, lại thu hút được doanh nghiệp liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Hiện nay, ngành Nông nghiệp và các địa phương đang tiếp tục thực hiện giải pháp tìm hiểu kỹ, thực hiện chuyển đổi cơ cấu theo hướng chậm mà chắc chọn lựa giống cây trồng chủ lực để tạo vùng sản xuất nông nghiệp huyện phát triển bền vững. Tích cực thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Đồng thời, gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với chế biến nông sản, tạo ra sản phẩm hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất tăng thu nhập bình quân đầu người tại địa phương.

Tác giả bài viết: Kim Lan - Quốc Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây