Chọn ngày:   Chọn tháng:  
Ngày này năm xưa Ngày này năm xưa
Ngày 18 tháng 3 năm xưa
Sự kiện trong nước
  • Ngày 18-3-1962 đã khánh thành khu công nghiệp ở thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ).
    Khu công nghiệp này gồm có nhà máy hoá chất, nhà máy giấy, nhà máy đường và nhà máy điện, đánh dấu bước phát triển của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc trong kế hoạch 5 nǎm lần thứ nhất.
  • Ngày 18-3-1965, phong trào phụ nữ "Ba đảm đang" do Bác Hồ đặt tên được Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động.
    Lúc đó đang diễn ra cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều nam giới đi chiến đấu, ở hậu phương lực lượng chủ yếu là phụ nữ. Nội dung phong trào phụ nữ "Ba đảm đang" gồm có:
    1. Phụ nữ đảm đang sản xuất và công tác thay cho chồng, con đi chiến đấu.
    2. Phụ nữ đảm đang việc gia đình cho chồng, con, anh em tòng quân và phục vụ lâu dài trong quân đội.
    3. Phụ nữ đảm đang phục vụ chiến đấu, tham gia dân quân, tự vệ, luyện tập quân sự để sẵn sàng chiến đấu, phục vụ bộ đội, công an, dân quân tự vệ khi chiến đấu.
    Phong trào "Ba đảm đang" đã lôi cuốn hàng triệu phụ nữ nước ta vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
  • Ngày 18-3-1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng nhận định: "Thắng lợi to lớn có ý nghĩa chiến lược của ta đánh dấu một bước rất mới trong cục diện chung, một bước suy sụp mới của Mỹ - Ngụy. Địch đang thực hiện co cụm chiến lược, có thể co cụm ở Đà Nẵng và Cam Ranh..."
    Bộ Chính trị hạ quyết tâm hoàn thành kế hoạch giải phóng miền Nam ngay trong nǎm 1975, nhiệm vụ trước mắt là nhanh chóng tiêu diệt quân đoàn 1 của địch, không cho chúng rút về Sài Gòn, giải phóng Huế, Đà Nẵng và các tỉnh Trung Bộ.
  • Ngày 18-3-1975, sư đoàn 320 của ta đuổi kịp đội hình rút chạy của địch trên đường số 7 và tổ chức tiến công thị xã Cheo Reo. Sau 6 giờ chiến đấu liên tục và quyết liệt, ta giải phóng thị xã Cheo Reo. Đây là huyện lỵ của huyện A Dun Pa, tỉnh Gia Lai. Bộ phận còn lại trong tập đoàn rút chạy của địch đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn. Chúng buộc phải bỏ lại toàn bộ vũ khí nặng, xe cộ và khí tài, mở các đường tắt chạy bộ qua rừng, cố thoát khỏi khu vực đường số 7. Con đường "tuỳ nghi di tản" này trở thành "đường chết" của quân ngụy. Cùng ngày 18-3, ta còn giải phóng thị xã Phú Bổn.
Sự kiện ngoài nước
  • Ngày 18-3-1848, tại Béclin đã nổ ra cuộc cách mạng tư sản, dẫn tới việc thành lập một chính phủ gồm những người tư sản và công chức tự do vào ngày 20-3-1848. Chính phủ này bắt buộc vua Phổ phải công bố hiến pháp.
    Tháng 4-1848, Mác và Ǎngghen ở Đức đã phát động đấu tranh, đề ra nhiệm vụ cấp thiết nhất là: đánh đổ chính phủ quân chủ, tiêu diệt tất cả tàn tích của chế độ nông nô, thành lập một nước Đức cộng hoà - dân chủ - thống nhất.
    Mác và Ǎngghen cho rằng: Tiến hành cách mạng đến cùng là điều kiện cần thiết nhất để chuẩn bị cho cuộc đấu tranh giành chủ nghĩa xã hội.
  • Giữa thế kỷ XIX nền công nghiệp Pháp phát triển chưa từng có nhưng cũng mở đầu cho sự bóc lột của giai cấp tư sản đối với nhân dân lao động. Trong khi đó Phổ bao vây Pari. Trước tình hình này nhân dân Pari cǎm phẫn nổi dậy lật đổ nền đế chế thứ hai và đòi lập chế độ cộng hoà.
    Sáng 18-3-1871 quân đội chính phủ Pháp tiến công tìm cách cướp vũ khí của quân đội vệ quốc gồm những người lao động. Vì vậy, dân chúng Pari nhất tề nổi dậy phá tan âm mưu khiến chúng hoảng sợ bỏ chạy về Véc - xay. Quân đội vệ quốc chiếm lĩnh các công sở. Lá cờ đỏ phấp phới tung bay trên nóc toà thị chính Pari. Ngày 18-3 là ngày thắng lợi của nền cộng hoà của những người lao động. Uỷ ban Trung ương quân đội vệ quốc Pari trở thành chính phủ thực sự của công xã Pari được thành lập.
    Sự ra đời của công xã Pari đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân chống lại giai cấp tư sản Pháp. Những điều mà Công xã Pari đặt nền móng là mong mỏi của hàng triệu người trên thế giới.
  • Ngày 18-3-1970, tại Cǎmpuchia đã nổ ra cuộc đảo chính do lực lượng cánh hữu Lonnon Xirich Matắc tiến hành, lật đổ Quốc trưởng Nôrôđôm Xihanúc trong lúc ông đi chữa bệnh ở nước Pháp.
    Họ tuyên bố khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Cǎmpuchia và vội vã triệu tập cuộc họp giữa Quốc hội và Hội đồng Vương quốc. Hội nghị ra quyết định phế truất ông Xihanúc ra khỏi chức vụ Quốc trưởng, thành lập chế độ "Cộng hoà Khơme" và cử Cheng Heng làm Quốc trưởng - Họ tuyên bố xoá bỏ các quyền tự do dân chủ, theo Hiến pháp trước đây, bắt giam những người chống đối. Cuộc đảo chính này là sự vận dụng "học thuyết Nichxơn" của Cǎmpuchia và đưa đất nước này vào quỹ đạo cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới của Mỹ trên toàn bán đảo Đông Dương.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây