Ngành Tuyên giáo

btg

KỶ NIỆM 92 NĂM NGÀY THÀNH LẬP NGÀNH TUYÊN GIÁO
(01/8/1930-01/8/2022)

Sau Hội nghị thành lập Đảng (03/02/1930), Ban Chấp hành Trung ương đã thành lập Ban Cổ động và Tuyên truyền – cơ quan tham mưu, chỉ đạo công tác tư tưởng của Đảng với nhiệm vụ trước mắt là tuyên truyền, giác ngộ quần chúng về chủ nghĩa Mác-Lênin, về Chánh cương vắn tắt, Sách lượt vắn tắt và đường lối cách mạng của Đảng; cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân giác ngộ cách mạng, hiểu Đảng, ủng hộ Đảng, tin và đi theo Đảng làm cách mạng.

Ngày 01/8/1930, nhân dịp kỷ niệm ngày quốc tế đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hoà bình, Ban Cổ động và Tuyên truyền đã xuất bản tài liệu mang tên “Ngày quốc tế đỏ 1/8”. Đây là tài liệu duy nhất và sớm nhất còn lưu giữ đến nay đề rõ “Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam ấn hành”. Ngay sau khi phát hành, tài liệu đã tạo được tiếng vang lớn, có sức cổ vũ mạnh mẽ quần chúng cách mạng nước ta đứng lên đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chống áp bức, bóc lột, phản đối chiến tranh xâm lược, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Từ đó, Ngày 01/8 trở thành một móc son lịch sử, đánh dấu một hoạt động rất có ý nghĩa đối với công tác tuyên giáo của Đảng.

Đánh giá cao sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt này, năm 2000, Bộ Chính trị (khoá VIII) quyết định lấy ngày 01/8 hàng năm làm Ngày truyền thống công tác tư tưởng – văn hoá của Đảng. Năm 2007, sau khi hợp nhất Ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) quyết định lấy ngày 01/8 hàng năm làm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng.

Ngày 1/8/1930 được chọn là Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng; nhưng trên thực tế, công tác tuyên giáo đã có từ trước khi thành lập Đảng, từ khi Nguyễn Ái Quốc bắt đầu các hoạt động truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin và con đường cứu nước vào Việt Nam.

Ở huyện Gò Công Tây, trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930-1945), công tác tuyên giáo có một vị trí hết sức đặc biệt trong toàn bộ hoạt động của huyện nhà. Giai đoạn này, công tác tuyên giáo vừa là nguồn khơi dậy lòng yêu nước, tuyên truyền và giáo dục chủ nghĩa cộng sản cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; vừa là vũ khí đấu tranh chống những tư tưởng phản động, lạc hậu. Đặc biệt, công tác tuyên giáo đã định hướng tư tưởng độc lập cho dân tộc, ruộng đất cho dân cày theo con đường cách mạng vô sản và tiến lên chủ nghĩa xã hội, góp phần tích cực vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), công tác tuyên giáo đóng vai trò quan trọng trong giáo dục tư tưởng, tinh thần yêu nước, chí căm thù giặc, phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, củng cố lòng tin, nâng cao ý chí và quyết tâm vượt qua khó khăn, gian khổ đưa cách mạng đến thắng lợi, với đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954), đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi đất nước ta.

Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), ngành tuyên giáo luôn xứng đáng là ngành quan trọng của Đảng, giúp cho các cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo về các mặt tư tưởng, tuyên truyền, huấn học, giáo dục, văn hoá, văn nghệ; vừa là một binh chủng tích cực trực tiếp tác chiến trên các lĩnh vực thuộc công tác tuyên giáo, góp phần to lớn vào thắng lợi của công cuộc giải phóng miền Nam, thực hiện hoà bình, thống nhất nước nhà và đưa cả nước bước vào kỷ nguyên mới: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa (1975-1979), công tác tuyên giáo huyện Gò Công Tây luôn gắn liền với công tác tuyên giáo của huyện Gò Công. Đến năm 1979, huyện Gò Công Tây được tách ra từ huyện Gò Công theo Quyết định số 155 ngày 13/4/1979 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), lúc này Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Gò Công Tây được thành lập và hoạt động. Sau 43 năm thành lập và phát triển, Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Gò Công Tây luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thực hiện chức năng định hướng tư tưởng chính trị, tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước, tấm gương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tuyên truyền các xã (12 xã) xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu; tham mưu Thường trực Huyện uỷ tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng; tuyên truyền kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền; nắm bắt các hoạt động tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, phản ánh kịp thời cho các cấp có thẩm quyền để xử lý theo quy định và định hướng dư luận theo chủ trương, đường lối của Đảng.

Kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống của ngành tuyên giáo là dịp để chúng ta cùng ôn lại và phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang của ngành Tuyên giáo; bồi đắp thêm niềm tự hào về những đóng góp to lớn, có ý nghĩa lịch sử của ngành Tuyên giáo trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; củng cố và tăng cường niềm tin vào mục tiêu lý tưởng, nền tảng tư tưởng của Đảng. Đồng thời, đây cũng là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, công chức ngành tuyên giáo ra sức phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng và bản lĩnh chính trị, biểu thị quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước va hội nhập quốc tế, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây