Giới thiệu huyện Gò Công Tây

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH HUYỆN GÒ CÔNG TÂY

I. Địa lý
- Huyện nằm ở phía đông tỉnh Tiền Giang, có vị trí địa lý:
+ Phía đông giáp huyện Gò Công Đông và thị xã Gò Công
+ Phía tây giáp huyện Chợ Gạo
+ Phía nam giáp huyện Tân Phú Đông
+ Phía bắc giáp huyện Châu Thành, tỉnh Long An.

- Huyện Gò Công Tây có diện tích là 18,447.61 ha và dân số năm 2019 là 131.252 người.
 
- Huyện lỵ là thị trấn Vĩnh Bình nằm cạnh quốc lộ 50, cách thành phố Mỹ Tho khoảng 30km về hướng đông và thị xã Gò Công khoảng 12km về hướng tây.

- Khí hậu: Huyện Gò Công Tây nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, với hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 trùng với mùa gió Tây Nam, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau trùng với mùa gió Tây Bắc. Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.500 đến 1.800 mm, mức thấp nhất đồng bằng sông Cửu Long; nhiệt độ trung bình hàng năm từ 26oC - 27oC.

- Tài nguyên đất: Huyện Gò Công Tây nguồn tài nguyên đất có độ phì khá, thích nghi cho sản xuất nông nghiệp, nhu cầu thâm canh, tăng vụ ngày càng được chú trọng; bằng những nổ lực của mình, nhân dân Gò Công Tây đã tiến hành nạo vết nhiều công trình thủy lợi, cải tạo đất đai nhằm khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên này có hiệu quả hơn.

- Tài nguyên nước: Có mật độ dòng chảy khá dầy, hai sông chính chảy qua địa bàn huyện là sông Cửa Tiểu và Sông Tra, chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều không đồng đều của Biển Đông. Ngoài ra còn có Kênh 14, Rạch Gò Gừa, rạch vàm Giồng, Kênh Bình Phan ... ăn sâu vào nội đồng cung cấp nước trãi dài qua các cánh đồng của huyện thông qua hệ thống kênh mương nội đồng.

II. Lịch sử
Vùng đất này trước đây thuộc tỉnh Gò Công, tuy nhiên cũng có thời kỳ thuộc huyện Gò Công, tỉnh Mỹ Tho.

Trong giai đoạn 1957-1968, chính quyền Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đặt huyện Gò Công trực thuộc tỉnh Mỹ Tho. Đến tháng 8 năm 1968, huyện Gò Công lại được chính quyền Cách mạng tách ra khỏi tỉnh Mỹ Tho để tái lập tỉnh Gò Công. Vùng đất Gò Công Đông ngày nay khi đó tương ứng với huyện Đông thuộc tỉnh Gò Công trong giai đoạn 1968-1976.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chính quyền quân quản Cộng hòa miền Nam Việt Nam ban đầu vẫn đặt huyện Tây thuộc tỉnh Gò Công cho đến đầu năm 1976.

Tháng 2 năm 1976, tỉnh Gò Công sáp nhập với tỉnh Mỹ Tho và thành phố Mỹ Tho để thành lập tỉnh Tiền Giang. Lúc này, huyện Tây sáp nhập với huyện Đông thành huyện Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang.
 
Ngày 26 tháng 3 năm 1977, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 77-CP. Theo đó, chuyển thị xã Gò Công thành thị trấn Gò Công, thị trấn huyện lỵ huyện Gò Công. 
 
Ngày 13 tháng 4 năm 1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 155-CP. Theo đó, chia huyện Gò Công thành hai huyện Gò Công Đông và Gò Công Tây. 

Huyện Gò Công Tây gồm thị trấn Vĩnh Bình và 15 xã: Bình Nhì, Bình Phú, Bình Tân, Đồng Sơn, Đồng Thạnh, Long Bình, Long Vĩnh, Phú Thạnh, Tân Phú, Tân Thới, Thành Công, Thạnh Nhựt, Thạnh Trị, Vĩnh Hựu, Yên Luông. 
 
Ngày 16 tháng 2 năm 1987, Hội đồng trưởng ban hành Quyết định số 37-HĐBT. Theo đó, điều chỉnh một phần diện tích, dân số của hai xã Thành Công, Yên Luông để tái lập thị xã Gò Công. 

Ngày 14 tháng 1 năm 2002, thành lập xã Tân Thạnh trên cơ sở 1.134,32 ha diện tích tự nhiên và 2.836 người của xã Tân Phú; 550,2 ha diện tích tự nhiên và 1.769 người của xã Tân Thới; 552,51 ha diện tích tự nhiên và 358 người của xã Phú Thạnh… 
 
Cuối năm 2007, huyện Gò Công Tây có 17 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm thị trấn Vĩnh Bình và 16 xã: Bình Nhì, Bình Phú, Bình Tân, Đồng Sơn, Đồng Thạnh, Long Bình, Long Vĩnh, Phú Thạnh, Tân Phú, Tân Thạnh, Tân Thới, Thành Công, Thạnh Nhựt, Thạnh Trị, Vĩnh Hựu, Yên Luông.

Ngày 21 tháng 1 năm 2008, Chính phủ ban hành Nghị định 09/2008/NĐ-CP. Theo đó:

- Điều chỉnh một phần diện tích và dân số của xã Thành Công về xã Bình Xuân, thị xã Gò Công quản lý.

- Tách 4 xã: Tân Thới, Tân Phú, Phú Thạnh, Tân Thạnh để thành lập huyện Tân Phú Đông. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, huyện Gò Công Tây còn lại 18,447.61 ha diện tích tự nhiên và 131,252 người với 13 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 1 thị trấn và 12 xã.

III. Hành chính 
Huyện Gò Công Tây có 13 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Vĩnh Bình (huyện lỵ) và 12 xã: Bình Nhì, Bình Phú, Bình Tân, Đồng Sơn, Đồng Thạnh, Long Bình, Long Vĩnh, Thành Công, Thạnh Nhựt, Thạnh Trị, Vĩnh Hựu, Yên Luông.

 

 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây