Sơ lược lịch sử Đảng bộ huyện

SƠ LƯỢC QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN
CỦA ĐẢNG BỘ HUYỆN GÒ CÔNG TÂY
(1975 - 2010)
Đại hội Đảng bộ huyện Gò Công Tây lần I
 
Cùng với quá trình khai mở đất phương nam, vùng đất Gò Công được cư dân người Việt định cư và khẩn hoang từ rất sớm vào khoảng cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Qua những tài liệu thành văn tiền nhân để lại tuy số lượng ít ỏi nhưng đã giúp cho hậu thế hiểu được đôi nét về quá trình khẩn hoang mở đất cũng như lịch sử chống ngoại xâm hào hùng của nhân dân Gò Công trước ngày có Đảng.

Theo nhà nghiên cứu Việt Cúc tác giả cuốn "Gò Công cảnh cũ người xưa", lịch trình khai mở đất Gò Công được tóm tắt "Vĩnh, Bình, Long, Yên trú / Đồng, Tân, Phú tương quan".

Quá trình mở cõi đất phương nam, nhân dân ta vừa phải đương đầu với bao khó khăn, gian khổ trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt vì sự mưu sinh vừa phải đương đầu với nhiều kẻ thù xâm lược để bảo vệ Tổ quốc. Mở đầu là cuộc kháng chiến chống quân Xiêm (thế kỷ XVIII), kế tiếp là cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp, phát xít Nhật và đế quốc Mỹ kéo dài 117 năm. Trong mọi cuộc kháng chiến cứu nước, nhân dân Gò Công luôn tỏ rõ “tấm lòng son vằng vặc ánh trăng rằm” (Nguyễn Đình Chiểu), góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên những trang sử vẻ vang. Truyền thống yêu nước nồng nàn của nhân dân Gò Công đã thật sự trở thành mảnh đất màu mỡ cho hạt giống cách mạng vô sản nảy mầm và đơm bông kết trái, đưa đến sự ra đời của tổ chức Việt Nam thanh niên Cách Mạng đồng chí Hội năm 1927 và sự ra đời của chi bộ An Nam Cộng sản Đảng ngày 16/8/1929 tại chùa Ông lão làng Vĩnh Hựu, tổng Hòa Đồng Trung, tỉnh Gò Công.

Kể từ sau hội nghị hợp nhất 3 tổ chức cộng sản ở Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 03/02/1930, có lúc chi bộ Đảng tỉnh Gò Công bị địch khủng bố ác liệt, Bí thư chi bộ bị địch bắt giam tại nhà tù Côn Đảo, các đảng viên còn lại phải chuyển địa bàn hoạt động nhưng tư tưởng cách mạng của Đảng vẫn tồn tại trong lòng dân, trở thành niềm tin và lẽ sống của các tầng lớp nhân dân lao động. Các phong trào đấu tranh chống đế quốc của nhân dân Gò Công vẫn diễn ra quyết liệt cùng với phong trào cách mạng ở các địa phương trong nước. Đó là nền tảng xã hội vững chắc để chi bộ Đảng Gò Công phục hồi năm 1934 và ra đời hàng chục chi bộ mới ở hầu khắp các làng trong tỉnh những năm 1942 - 1945, đưa đến sự thành lập Tỉnh ủy Gò Công tháng 8 năm 1945.

Dưới sự lãnh đạo của chi bộ (sau là Đảng bộ tỉnh Gò Công), phong trào quần chúng cách mạng đã từng bước phát triển vững chắc từ yếu đến mạnh, từ thấp đến cao cùng nhân dân cả nước làm cuộc Tổng khởi nghĩa Cách Mạng Tháng Tám thắng lợi, đập tan ách nô lệ của thực dân Pháp hơn 80 năm và triều đại phong kiến suy tàn, lập nên nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở nước ta và các nước khu vực Đông Nam châu Á.

Ngay sau thắng lợi Cách mạng Tháng Tám, Tỉnh ủy và ủy ban hành chính lâm thời tỉnh Gò Công đã thành lập đơn vị hành chính và tổ chức Đảng ở 40 xã; 5 khu vực: Tân Niên Tây, Tăng Hòa, Bình Luông Đông, Đồng Sơn, thị xã Gò Công; sau đổi thành 4 quận (I, II, III, IV) và thị xã Gò Công. Trong 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, để phù hợp với hoàn cảnh cụ thể ở địa phương, tổ chức Đảng của Đảng bộ tỉnh nói chung và quận (huyện) nói riêng đã nhiều lần được sắp xếp lại: Huyện ủy huyện Đông, Huyện ủy huyện Tây (1948 – 1950), Huyện ủy huyện Gò Công chung (1950 - 1954); Huyện ủy Hòa Đồng, Huyện ủy Gò Công. Thị xã ủy Gò Công (1954 – 1960); Khu ủy khu 2 chủ trương tập hợp các đồng chí đảng viên thuộc Đảng bộ huyện Hòa Đồng, huyện Gò Công, thị xã Gò Công đang điều lắng tại rừng Sác thành lập chi bộ Đảng Gò Công (02/1960 – 1961); từ chi bộ Đảng Gò Công tách ra thành lập Huyện ủy Hòa Đồng, Huyện ủy Gò Công (1961 - 1972), Ban Cán sự 1, 2, 3, 4 và Thị xã ủy Gò Công (1972 - 30/4/1975).

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến tháng 3 năm 1976, Ban Cán sự l sáp nhập với Ban Cán sự 3 thành Huyện ủy huyện Tây; Ban cán sự 2 sáp nhập với Ban cán sự 4 thành Huyện ủy huyện Đông: Ban cán sự Thị xã giữ nguyên thành Thị xã ủy Gò Công. Từ tháng 3 năm 1976 đến tháng 4 năm 1979, hai Huyện ủy và Thị xã ủy sáp nhập thành Huyện ủy Gò Công chung và từ ngày 30 tháng 4 năm 1979, Huyện ủy Gò Công chia tách thành Huyện ủy Gò Công Tây và Huyện ủy Gò Công Đông... Nhiều lần nhập vào - tách ra của các tổ chức Đảng thuộc Đảng bộ tỉnh Gò Công cũ đã phản ánh tính chất ác liệt của cuộc kháng chiến và mối liên hệ tự nhiên khắng khít giữa các địa phương trong đấu tranh cách mạng. Do vậy, lịch sử Đảng bộ các huyện, Thị xã thuộc Đảng bộ Gò Công cũ luôn chứa đựng cái chung của toàn Đảng bộ với cái riêng của từng địa phương, khu vực. Đây là một trong những đặc điểm lớn về lịch sử hình thành và phát triển của các Đảng bộ huyện, Thị xã khu vực tỉnh Gò Công cũ.

Kể từ khi Đại hội Đảng bộ huyện Gò Công nhiệm kỳ 1977 – 1979, Đảng bộ huyện Gò Công Tây đã trải qua 10 lần Đại hội. Mỗi nhiệm kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện đã đem lại cho Đảng bộ và nhân dân huyện nhà một sinh khí mới, một nấc thang phát triển mới quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội để lại những dấu ấn sâu sắc về diện mạo vùng đất và đời sống vật chất - tinh thần của nhân dân.

Nhìn lại chặng đường gần 40 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, 32 năm tái thành lập huyện, Đảng bộ và nhân dân huyện Gò Công Tây đã đạt được nhiều thành tựu to lớn làm “thay da đổi thịt" vùng đất phèn mặn, nền kinh tế nghèo nàn lạc hậu, đói nghèo hàng trăm năm trước thành vùng "ngọt hóa", kinh tế phát triển và xã hội nông thôn mới, chính trị xã hội ổn định, đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân được cải thiện rõ nét.

Kế thừa và phát huy truyền thống quý báu của Đảng bộ Gò Công chung và kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng bộ huyện Gò Công Tây, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng dưới sự lãnh đạo sáng suốt và quyết tâm chính trị cao của Ban Chấp hành Đảng bộ, nhân dân huyện nhà sẽ đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trên bước đường đi tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

 
Tác phẩm "GÒ CÔNG TÂY MỘT CHẶN ĐƯỜNG"
(Kỷ yếu 1979 - 2010). Xuất bản năm 2011
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây