Tại cơ sở may gia công quần áo thời trang Thiên Bảo tại ấp Thạnh Thới, xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây. Anh Đào Phong Kiếm- chủ cơ sở may cho biết, hiện cơ sở may của anh chuyên đào tạo nghề và nhận lao động vào làm việc khi có tay nghề vững vàng. Hiện tại, cơ sở may của anh có trên 20 lao động nữ đến làm việc và hơn 10 lao động lành nghề được nhận hàng về may tại nhà. Trước đây, anh Đào Phong Kiếm là kỹ thuật viên chuyên về kỹ thuật đứng máy tại Công ty May mặc tại Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi về quê lo cho gia đình, nhận thấy nhu cầu phát triển nghề may tại địa phương có thể phát triển được, nên anh đã đầu tư vốn thiết bị máy may ban đầu, tranh thủ thị trường tại các nơi để có được nhiều đơn hàng và nguyên liệu mang về phân phối cho lao động tại cơ sở và cho nhận hàng về nhà làm. Anh Kiếm cho biết, với những ai muốn đi làm nghề may, đến đây anh đều dạy nghề miễn phí, vừa học vừa làm, sau một thời gian ngắn nếu chăm chỉ, siêng năng là có thể thạo nghề và may ra sản phẩm chất lượng.
Chị Trần Thị Mai Hương- địa chỉ ấp Hòa Bình, xã Vĩnh Hựu cho biết: trước đây không có việc làm ổn định, cuộc sống rất bấp bênh nên chị quyết định xin việc làm tại một xưởng may gia công trên địa bàn xã Vĩnh Hựu. Sau khi hoàn thành lớp học nghề may công nghiệp từ xã tổ chức. Chị và các chị em trong xóm rủ nhau tìm đến may gia công sản phẩm quần áo thời trang cho các cơ sở may gia công trên địa bàn xã. Từ ngày có công việc ổn định, chị rất phấn khởi vì vừa có thu nhập trang trải cuộc sống vừa chủ động được thời gian chăm sóc gia đình. Nếu cố gắng, trung bình mỗi người làm may gia công có thu nhập từ 4 đến 4,5 triệu đồng/tháng.
Theo thống kê chung trên địa bàn xã Vĩnh Hựu đến nay tỷ lệ người lao động qua đào tạo so với số người lao động có việc làm là 6.254/8.263 người, đạt tỷ lệ 75,69%. Tỷ lệ người lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ với số người lao động có việc làm là 3.510/8.263 người, đạt tỷ lệ 42,48%. Kết quả thực hiện Tiêu chí 12 về Lao động của xã Vĩnh Hựu đã được Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Tiền Giang công nhận hoàn thành đạt chuẩn tại Công văn số 1797/SLĐTBXH-VP ngày 14/8/2023.
Theo ông Nguyễn Đình Thung- Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hựu cho biết: Cùng với thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao theo lộ trình, xã Vĩnh Hựu đã tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân. Hàng năm, địa phương tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của người dân để xây dựng các mô hình dạy nghề phù hợp cũng như đáp ứng nhu cầu của xã hội. Đến nay, mức thu nhập bình quân đầu người/năm của xã Vĩnh Hựu đạt hơn 68,61 triệu đồng/người/năm. Trong đó, nghề may đang được chính quyền địa phương khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở mở rộng sản xuất. Để nghề may phát triển, xã chú trọng công tác dạy nghề, hỗ trợ các thủ tục để cơ sở may mở rộng sản xuất nhằm tạo điều kiện cho nhiều người dân có việc làm ổn định tại địa phương. Đến nay, mô hình cơ sở may gia công tại địa phương ngày càng thu hút nhiều lao động mang lại nguồn thu nhập kinh tế ổn định cho lao động nông thôn.
Đa dạng hóa nghề nghiệp, giải quyết việc làm theo các mô hình sản xuất vừa và nhỏ là cách làm hiệu quả trong giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, trong đó các cơ sở may trên địa bàn xã Vĩnh Hựu trong thời gian qua đã góp phần giúp cho đời sống của nhiều người dân ổn định. Điều quan trọng là số lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo nhờ được học nghề may mà có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo. Trong thời gian tới đây, xã Vĩnh Hựu tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về công tác dạy nghề may cho lao động nông thôn. Tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp đào tạo nghề , bảo đảm việc làm cho người lao động sau đào tạo. Cùng với đó, đề xuất kiến nghị về huyện tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mở rộng mặt bằng, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất tạo thêm nhiều việc làm cho công nhân lao động địa phương.
Tác giả bài viết: Kim Lan