Banner 30-4-2024

Phong trào sinh vật cảnh xã Long Vĩnh ngày càng phát triển và nâng cao giá trị

Thứ ba - 07/11/2023 01:52

Những năm qua, phong trào sinh vật cảnh ở xã Long Vĩnh, huyện Gò Công Tây ngày càng phát triển. Đây vừa là thú chơi tao nhã, tạo cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp, vừa mang lại nguồn thu nhập ổn định, cải thiện đời sống cho người dân.
Tham quan vườn mai kiểng cổ của anh Trần Trọng Tân.

Tham quan vườn mai kiểng cổ của anh Trần Trọng Tân.

Hiện trên địa bàn xã Long Vĩnh có 01 Hội Sinh vật cảnh xã được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2012 đến nay có 43 thành viên, 01 Câu lạc bộ sinh vật cảnh của Đoàn Thanh niên có 20 thành viên, các ấp có Tổ Sinh vật cảnh của ấp, sinh hoạt trong các lĩnh vực bonsai - kiểng cổ - tiểu cảnh nghệ thuật, hoa lan, chim cảnh, cá kiểng…Nhiều hộ nông dân, hội viên sinh vật cảnh đã chuyển sang nuôi trồng và kinh doanh với quy mô lớn, hình thành các vùng trồng hoa, cây cảnh.

Điển hình như anh Trần Trọng Tân sinh năm 1970 ở ấp Thới An B, đam mê và chơi cây kiểng từ năm 1988 chuyên về kiểng cổ, hiện sân vườn nhà của anh có trên 200 cây kiểng cổ thành hình từ 30 đến 50 năm tuổi trị giá chung trên 5 tỷ đồng, từ kinh doanh cây kiểng anh đã mua 2 ha đất ruộng lên liếp trồng cây nguyên liệu kiểng cổ. Đặc biệt hiện anh có 1,7 ha đất trồng 600 cây “ Mai chiếu thủy nu” hơn 11 năm tuổi, ước tính trên 3 tỷ đồng, ngày 21/12/2021 Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang phối hợp Trung tâm Nghiên cứu công nghệ và sở hữu trí tuệ CIPTEK trao Giấy chứng nhận nhà vườn đạt chứng nhận “ Mai chiếu thủy nu Gò Công” cho 02 nhà vườn ở xã Long Vĩnh, huyện Gò Công Tây  là anh Trần Trọng Tân và anh Nguyễn Văn Thiện. Anh Trần Trọng Tân chia sẻ, để có một cây cảnh có giá trị kinh tế và tính thẩm mỹ cao, người làm cây cảnh phải có niềm say mê và sự khéo léo…Cẩn thận tỉa từng chiếc lá, uốn từng dáng thế rồi nâng niu những nhánh rễ non vừa mới buông khỏi thân cây để tạo ẩm. Để cho ra tác phẩm kiểng đẹp, ngoài niềm đam mê, người chơi kiểng cần phải đặt cái tâm của mình vào trong cây kiểng, tinh túy hơn là người chơi phải hiểu và nắm rõ thuộc tính của các loại cây để từ đó chăm sóc cũng như uốn nắn cây kiểng hợp theo các dáng kiểng mình yêu thích. Bên cạnh sự phá cách thế chơi cây kiểng hiện nay tôi vẫn còn giữ những dáng cảnh kiểng cổ như Tam Cang Ngũ Thường và Tam Tùng Tứ Đức của Gò Công Tây nói riêng, kiểng cổ Nam Bộ nói chung và có thể là kiểng cổ cả nước sau này, là một loại hình kiểng cổ rất độc đáo. Đây là một loại hình kiểng uốn sửa theo dáng thế bắt buộc, loại hình chiết chi Nhị Diện. Mỗi cây có kiểu tay riêng, mỗi tàng có tên riêng.

Ông Mai Văn Tây – Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh xã Long Vĩnh, huyện Gò công Tây, cho biết trong thời gian qua, Hội sinh vật cảnh xã Long Vĩnh có nhiều chuyển biến tích cực, qua đó đã góp phần tăng gia sản xuất, đời sống nông dân được cải thiện, nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá giả trên chính mảnh đất của mình nhờ trồng cây cảnh. “ Thời gian tới, Hội Sinh vật cảnh xã Long Vĩnh tiếp tục củng cố về tổ chức, vận động tăng thêm hội viên trong và ngoài xã, phát triển phong trào, chăm sóc cây xanh, cây tạo bóng mát trong khuôn viên cơ quan, trường học, khu di tích lịch sử - Văn hóa, chăm sóc các tuyến đường hoa, góp phần tạo cảnh quan môi trường trên địa bàn xã thêm xanh – sạch – đẹp, giữ vững xã nông thôn mới kiểu mẫu”.

Có thể nói, sinh vật cảnh là một ngành mang đầy đủ yếu tố kinh tế, văn hóa và bảo vệ môi trường. Thời gian qua Hội Sinh vật cảnh xã Long Vĩnh đã có những đóng góp quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong xã. Sinh vật cảnh hiện nay không chỉ là thú chơi tao nhã, thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ giá trị văn hóa, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở địa phương.

Tác giả bài viết: Thanh Xuân


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn