Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện sơ kết mô hình triển khai thực hiện việc áp dụng cơ giới hóa sản xuất phân hữu cơ từ phụ phẩm nấm rơm

Thứ tư - 08/11/2023 08:50
Sáng ngày 03/11/2023, tại hộ ông Nguyễn Văn Châu, Tổ trưởng Tổ Hợp tác trồng nấm rơm ấp Thạnh Hòa Tây, xã Thạnh Trị, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện phối hợp cùng Hội Nông dân xã Thạnh Trị tổ chức sơ kết mô hình triển khai thực hiện việc áp dụng cơ giới hóa sản xuất phân hữu cơ từ phụ phẩm nấm rơm. Mô hình này do các kỹ sư trường Đại Học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Trung tâm Dịch Vụ nông nghiệp huyện Gò Công Tây nghiên cứu từ cuối tháng 7/2023.
Kỹ sư Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Gò Công Tây báo cáo kết quả thực hiện mô hình.
Kỹ sư Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Gò Công Tây báo cáo kết quả thực hiện mô hình.

Tham dự lễ có đại diện nhóm nghiên cứu Trường Đại học Nông lâm TP.HCM, lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, lãnh đạo Đảng ủy, Ủy ban nhân dân, Hội Nông dân xã Thạnh Trị, các doanh nghiệp, HTX và 22 hộ dân tham gia mô hình.

Mô hình này bước đầu đã chứng minh được hiệu quả góp phần bảo vệ môi trường, sản xuất an toàn theo hướng sinh học, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân. Phụ phẩm rơm rạ sau khi sản xuất nấm sẽ được tập trung tại một địa điểm, sử dụng máy cắt, nghiền nhuyễn, trộn lẫn với phân bò, xơ dừa, tro trấu và men vi sinh theo công thức nhất định, sau thời gian ủ và trộn đều khoảng 30 ngày sẽ bị phân hủy thành phân bón hữu cơ, tiếp tục được phơi nắng và ép thành viên nén thuận tiện trong việc bón phân cho cây trồng.

 

san xuat phan huu co nam rom (2)

Ông Mai Đức Tấn Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Gò Công Tây giới thiệu sản phẩm phân bón hữu cơ từ phụ phẩm sản xuất nấm rơm để đại biểu tham quan.


Phát biểu tại buổi lễ ông Mai Đức Tấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Gò Công Tây cho biết, mẫu phân bón từ phụ phẩm rơm sau khi làm nấm của Tổ Hợp tác trồng nấm rơm ấp Thạnh Hòa Tây, xã Thạnh Trị đã được các cơ quan chuyên môn phân tích đảm bảo đạt yêu cầu các giá trị dinh dưỡng bằng và cao hơn các loại phân bón hữu cơ đang lưu hành trên thị trường.

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu với giá bán khoảng 2.000đ/kg phân bón hữu cơ, lợi nhuận từ mô hình từ việc áp dụng cơ giới hóa so với phương pháp truyền thống sẽ gia tăng thêm khoảng 8,3 triệu đồng, mỗi năm Tổ Hợp tác sẽ có thêm lợi nhuận khoảng gần 135 triệu đồng từ mô hình này.

Mỗi năm, 01 tổ viên Tổ Hợp tác trồng nấm rơm ấp Thạnh Hòa Tây, xã Thạnh Trị sử dụng từ 5.000 - 6.000 cuộn rơm để sản xuất nấm, số lượng phụ phẩm sau sản xuất rất lớn, nếu không có phương pháp xử lý đúng cách sẽ tạo mùi hôi gây ô nhiễm môi trường và lãng phí nguyên liệu.

Việc áp dụng thành công mô hình xử lý phụ phẩm nông nghiệp từ phế thải làm nấm thành phân hữu cơ vi sinh, góp phần giải quyết bài toán bảo vệ môi trường và cải thiện sinh kế cho người dân.

Tác giả bài viết: Ngọc Thơ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây