Trong không khí thoải mái, vui tươi, chân tình, các đại biểu đã cùng trao đổi các kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, nêu lên những vấn đề khó khăn mà Doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất còn đang vướng mắc để lãnh đạo UBND huyện cùng lắng nghe và ghi nhận, từ đó có các giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới. Với chủ đề của buổi đối thoại Cà phê Doanh nghiệp tháng 11 là triển khai các chính sách khuyến công cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Ngoài ra, các đại biểu cũng được nghe đại diện Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện thông tin một số chính sách, nguồn vốn hỗ trợ khuyến công trong giai đoạn 2012-2025 trên địa bàn huyện Gò Công Tây để các cơ sở, doanh nghiệp nắm bắt, tiếp cận và tận dụng tối đa được nguồn vốn này góp phần đầu tư, phát triển cơ sở doanh nghiệp.
Theo đó, giai đoạn 2021-2025, các hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tập trung hỗ trợ phát triển các ngành nghề và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, giải quyết việc làm cho người lao động và tạo chuyển dịch trong cơ cấu sản xuất nông thôn. Trọng tâm là đào tạo nghề, nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở công nghiệp nông thôn tiêu biểu, phát triển sản phẩm, hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật. Về đối tượng được áp dụng hỗ trợ chính sách khuyến công theo Quyết định số 954/QĐ-UBND của UBND tỉnh Tiền Giang gồm các đối tượng chính như: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hợp tác xã, Tổ hợp tác, hộ kinh doanh. Các ngành nghề được hỗ trợ theo Điều 5, Nghị định 45/NĐ-CP của Chính phủ bao gồm như: Công nghiệp chế biến nông- lâm- thủy sản và chế biến thực phẩm, hàng công nghiệp phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất sản phẩm phụ tùng, lắp ráp và sửa chữa máy móc, thiết bị, dụng cụ cơ khí, điện, điện tử- tin học, sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp, áp dụng sản xuất sạch hơn trong các cơ sở sản xuất công nghiệp và xử lý ô nhiễm môi trường tại cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn. Ngoài ra, các Doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất cũng được nghe triển khai hướng dẫn về các nội dung, quy trình, mức hỗ trợ không hoàn lại theo Quyết định số 954/QĐ-UBND liên quan đến vấn đề hỗ trợ vốn khuyến công cho các cơ sở, Doanh nghiệp trên địa bàn huyện Gò Công Tây bao gồm các nội dung như: Hỗ trợ thành lập doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nông thôn, hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chi hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp. Mức hỗ trợ bằng 50% chi phí nhưng không quá 300 triệu đồng/ cơ sở, chi hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu đối với các sản phẩm công nghiệp nông thôn, mức hỗ trợ bằng 35 triệu đồng/ nhãn hiệu, chi hỗ trợ thuê tư vấn, trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn trong các lĩnh vực như: lập dự án đầu tư, quản lý sản xuất, tài chính, kế toán, nhân lực, thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói, ứng dụng công nghệ, thiết bị mới. Mức hỗ trợ bằng 50% chi phí nhưng không quá 35 triệu đồng/ 1 cơ sở. Chi hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại cơ sở công nghiệp nông thôn, mức hỗ trợ bằng 30% chi phí nhưng không quá 300 triệu đồng/ cơ sở, chi hỗ trợ các lớp bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo, chi hỗ trợ các phòng trưng bày để giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại cơ sở công nghiệp nông thôn… Sau khi triển khai các nội dung trong chính sách khuyến công, các cơ sở sản xuất, UBND huyện đề nghị các Doanh nghiệp có nhu cầu nằm trong diện được hỗ trợ có nhu cầu hỗ trợ đăng ký hồ sơ về Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện. Trung tâm Khuyến công- Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang là đơn vị trực tiếp tiếp nhận hồ sơ trình hội đồng thẩm định các dự án của cơ sở, doanh nghiệp.
Thời gian qua, thực hiện Đề án hỗ trợ các chính sách khuyến công của tỉnh trên địa bàn huyện Gò Công Tây đã hỗ trợ thực hiện các lớp dạy nghề may công nghiệp, hỗ trợ 04 dự án sản xuất công nghiệp, phát triển nông thôn với tổng số vốn gần 800 triệu đồng cho các đơn vị như: HTX cơ khí Bình Tân được hỗ trợ kinh phí đầu tư hệ thống sơn tĩnh điện, Công ty TNHH TM-DV-XD Sáu Già hỗ trợ đầu tư máy xén tôn thủy lực chế tạo thùng xe, Công ty TNHH Đông Trùng Hạ Thảo Thiên Ân được hỗ trợ vốn đầu tư máy trích ly cô đặc Đông Trùng Hạ Thảo, Công ty TNHH Tinh dầu sả Thành Công được hỗ trợ vốn đầu tư Máy sấy năng lượng mặt trời.
Theo kế hoạch, trong năm 2024, huyện Gò Công Tây đăng ký 02 dự án gồm: đầu tư hệ thống máy sản xuất bánh quy dừa- Cơ sở sản xuất bánh quy dừa Xuân Phúc và đầu tư hệ thống máy lọc nước đóng bình, đóng chai của HTX nông nghiệp dịch vụ nông thôn Bình Nhì.
Tại buổi Cà phê Doanh nghiệp, đại diện Trung tâm Khuyến Công- Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang cũng đã hướng dẫn cụ thể chi tiết về thực hiện các chính sách khuyến công với cơ sở sản xuất, doanh nghiệp biết để áp dụng thực hiện, trong thời gian tới đây, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Gò Công Tây có thể tìm hiểu thêm, tận dụng nguồn vốn hỗ trợ từ các Dự án, chính sách khuyến công của tỉnh để đầu tư phát triển doanh nghiệp góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Kể từ khi triển khai thực hiện (tháng 10/2018) đến nay, UBND huyện GCT đã tổ chức định kỳ mỗi tháng 1 lần buổi cà phê Doanh nghiệp. Thông qua các buổi “ Cà phê Doanh nghiệp”, lãnh đạo UBND huyện và doanh nghiệp, nhà đầu tư có cơ hội trao đổi thẳng thắn về tình hình sản xuất kinh doanh, kịp thời triển khai các chủ trương chính sách nói chung và lắng nghe các khó khăn, đề xuất kiến nghị cụ thể của từng doanh nghiệp để từ đó lãnh đạo huyện, các ban ngành có sự hỗ trợ tháo gỡ, giải quyết kịp thời.
Tác giả bài viết: Kim Lan