Banner 30-4-2024

Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Gò Công Tây: Tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm tại xã Bình Nhì

Thứ bảy - 20/01/2024 09:08

Trong những năm gần đây, do biến đổi của khí hậu, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp; ngành chăn nuôi đang phát triển nên việc lưu thông mua, bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật được mở rộng làm tăng nguy cơ lây lan và bùng phát các loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh cúm gia cầm, dịch tả Heo Châu Phi, lở mồm long móng, tụ huyết trùng, Viêm da nổi cục trên đàn bò.
Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Gò Công Tây: Tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm tại xã Bình Nhì

Hiện nay thời tiết đang thay đổi vào lúc cuối năm, đây là thời điểm các loại dịch bệnh thường xảy ra trên đàn vật nuôi nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời cũng rất dễ phát sinh thành dịch do mầm bệnh (vi khuẩn, virus) có điều kiện thuận lợi để sinh sôi nảy nở, phát tán nhanh qua không khí, qua gió, qua thức ăn nước uống, vật dụng chuồng nuôi. Để chủ động ngăn chặn, phòng, chống hiệu quả các loại dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm các loại dịch bệnh, đảm bảo chăn nuôi phát triển bền vững, bảo vệ sức khỏe người dân trên địa bàn huyện. Vào chiều ngày 18/01/2024, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Gò Công Tây tổ chức buổi sinh hoạt tuyên truyền chủ đề phòng chống các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cho hơn 50 hộ dân chăn nuôi trên địa bàn ấp Bình Đông Trung, xã Bình Nhì. Tại buổi tuyên truyền, người dân được nghe ông Hồ Ngọc Trí- đại diện bộ phận Chăn nuôi- Thú Y của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện giới thiệu tình hình dịch bệnh trên gia súc gia cầm đang xuất hiện gần đây gây ảnh hưởng đến người chăn nuôi tại các xã của huyện Gò Công Tây. Cụ thể như: bệnh dịch tả heo Châu Phi tại xã Long Vĩnh, Vĩnh Hựu, bệnh cúm gia cầm tại xã Bình Phú và Bệnh Viêm da nổi cục trên đàn bò tại xã Bình Nhì. Các hộ dân được nghe và xem hình ảnh hướng dẫn cách nhận diện các dấu hiệu của bệnh dịch tả heo Châu Phi, bệnh Viêm da nổi cục, bệnh Cúm gia cầm. Biện pháp phòng tránh, lưu ý cần thực hiện an toàn sinh học trong suốt quá trình nuôi, không sử dụng nước nhiễm bẩn, tiêu độc khử trùng phương tiện ra vào chuồng trại. Nếu nhận thấy các dấu hiệu đặc trưng của bệnh dịch tả Heo Châu Phi, Cúm gia cầm, Viêm da nổi cục phải báo ngay cơ quan chức năng gần nhất, có thể báo ngay UBND xã nơi mình sinh sống.

Qua buổi tuyên truyền, ngành Nông nghiệp huyện Gò Công Tây cũng lưu ý người chăn nuôi các bệnh phải tiêm phòng, lưu ý khi tiêm phòng phải lựa chọn vac xin tại các cơ sở bán thuốc thú y có uy tín, sản phẩm đảm bảo chất lượng, trong đó bắt buộc tiêm phòng đối với từng loại gia súc, gia cầm như sau: Đối với đàn trâu, bò, tiêm phòng bệnh lở mồm long móng, bệnh tụ huyết trùng; bệnh viêm da nổi cục. Đối với đàn lợn, tiêm phòng bệnh dịch tả lợn, bệnh tụ huyết trùng, tiêm phòng bệnh lở mồm long móng; đàn gà tiêm phòng bệnh Niu-cát-xơn, bệnh cúm gia cầm; đàn vịt, tiêm phòng bệnh dịch tả vịt, bệnh tụ huyết trùng gia cầm; đàn chó mèo, tiêm phòng bệnh dại. Việc phòng bệnh cho vật nuôi hiện nay là một điều vô cùng quan trọng và nó trở thành một công tác không thể thiếu trong quy trình chăn nuôi. Ở đâu còn bệnh truyền nhiễm lưu hành thì ở đó sản phẩm chăn nuôi sẽ bị đe dọa ngừng lưu thông, vậy sử dụng vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi là biện pháp tốt nhất để đảm bảo cho nền chăn nuôi phát triển bền vững và an toàn. Điều quan trọng hơn nữa là làm tốt công tác tiêm phòng và phòng chống dịch bệnh động vật sẽ giúp con người tránh được những hiểm họa của các dịch, bệnh trên động vật có khả năng lây sang người như cúm gia cầm, bệnh dại.

Ngoài việc tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm thì các hộ chăn nuôi cần chú ý vệ sinh chuồng trại, có thể nói đây là biện pháp tuy đơn giản nhưng thực tế người chăn nuôi chưa chú trọng và thật sự quan tâm. Biện pháp này có tác dụng rất quan trọng nhằm loại trừ và hạn chế mầm bệnh sinh trưởng và phát triển. Hai công đoạn cần làm trong vệ sinh chuồng trại và phun thuốc sát trùng. Quét dọn rửa chuồng, khơi thông cống rãnh không để ứ nước đọng (lưu ý hai khâu này cần được làm hàng ngày). Sau khi vệ sinh chuồng trại xong phun thuốc sát trùng, một số loại thuốc sát trùng có hiệu quả cao, an toàn như: Iodine 10%, HanIodione, Benkocid, Hanlusep... Việc phun xịt thuốc sát trùng tốt nhất là phun định kỳ, diện tích phun rộng cả khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh. Đối với các trang trại cần thực hiện tốt việc dùng các hố sát trùng và rắc vôi bột ngoài khu vực chuồng nuôi. Đối với các hộ còn nuôi ở trong gia đình cần lưu ý hệ thống thoát nước thải ra ngoài khu dân cư, tốt nhất cần có hệ thống bioga để bảo vệ môi trường chăn nuôi cũng như môi trường công cộng. Ngoài ra, cần đảm bảo dinh dưỡng đủ chất và đủ lượng, khi thực hiện tốt sẽ nâng cao sức đề kháng cho con vật. Bổ sung các loại khoáng chất, vitamin để giúp cho con vật nâng cao sức đề kháng, ngăn chặn mầm bệnh. Đảm bảo đủ nước uống cho vật nuôi. Không sử dụng thức ăn thừa có nhiễm mầm bệnh cho đàn vật nuôi. Thường xuyên kiểm tra đàn vật nuôi, khi phát hiện con vật không bình thường (bỏ ăn, sốt, ho, thở nhanh, tiếng thở khò khè, con vật đi đứng không bình thường, thích nằm ..) cần tách nuôi nhốt riêng để theo dõi, kiểm tra, nếu không thấy tiến triển tốt cần báo ngay cho cán bộ thú y để có biện pháp phòng trị bệnh tích cực. Với gia súc gia cầm có nhu cầu vận chuyển từ nơi này sang nơi khác cần chú ý đảm bảo các quy trình vận chuyển, thực hiện nghiêm kiểm dịch vận chuyển để đảm bảo an toàn dịch bệnh, chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh trên sẽ đảm bảo sức khỏe cho đàn gia súc gia cầm nhất là trong giai đoạn cuối năm như hiện nay.

Tác giả bài viết: Kim Lan


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn