Mô hình nuôi Cá Chẽm trong ao của nông dân xã Vĩnh Hựu

Thứ năm - 18/01/2024 09:46
Cá Chẽm là loài cá có giá trị kinh tế khá cao, thịt thơm ngon, được Công ty thu mua về lấy thịt phi lê để xuất khẩu, ngoài ra, các nhà hàng, quán ăn, đám tiệc cũng ưa chuộng và luôn có nhu cầu sử dụng để chế biến thực phẩm. Cá Chẽm lại dễ nuôi do cá có khả năng chịu đựng tốt với điều kiện môi trường, với các loại thức ăn luôn có bán sẵn trên thị trường (thức ăn cho các loài thủy sản) nên Cá Chẽm là đối tượng nuôi thích hợp cho người dân trên địa bàn huyện Gò Công Tây trong thời gian gần đây.
Mô hình nuôi Cá Chẽm trong ao của nông dân xã Vĩnh Hựu

Mô hình nuôi Cá Chẽm trong ao còn góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng trên một đơn vị diện tích mặt nước, đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu thị trường, đa dạng hoá đối tượng, sản phẩm và hạn chế rủi ro. Là một người có thâm niên nhiều năm nuôi tôm ở xã Vĩnh Hựu huyện Gò Công Tây, nhưng đối với ông Lê Văn Dừa- 61 tuổi- người dân của ấp Hòa Bình, xã Vĩnh Hựu thì hiện nay con tôm sú nay đã không còn hấp dẫn người nuôi. Theo ông Dừa cho biết nguyên nhân là do mầm bệnh của tôm tồn tại trong ao từ vụ này sang vụ khác, do đó nếu nuôi tôm liên tục, không có biện pháp luân canh thì sẽ dễ thất bại. Bên cạnh đó, mặc dù ông đã sử dụng hóa chất và thuốc kháng sinh hợp lý, đúng theo hướng dẫn kỹ thuật nhưng vẫn không đạt kết quả do dịch bệnh. Qua tìm hiểu, học hỏi và tham quan các mô hình nuôi thủy sản tại huyện bạn, trong thời gian 03 năm trở lại đây, ông Dừa đã mạnh dạn sáng tạo, đổi mới trong lựa chọn mô hình thủy sản, ông chuyển từ nuôi tôm sang nuôi Cá Chẽm trong ao rất thích hợp với tình hình biến đổi khí hậu ở vùng đất ngay khu vực ông chọn nuôi giáp Sông Cửa Tiểu. Ông Lê Văn Dừa cho biết ngoài các ao nuôi có sẵn của gia đình, ông mạnh dạn thuê thêm đất 12.000 m2 cặp sông Cửa Tiểu tại ấp Thạnh Thới, xã Vĩnh Hựu để nuôi thủy sản. Hiện diện tích ao nuôi Cá Chẽm của ông có 03 ao với tổng diện tích khoảng 8.000 m2 . Qua 03 năm nuôi Cá Chẽm Ông Lê Văn Dừa cho biết con giống khi mua có giá là 3.000 đồng/con. Tiêu chuẩn mật độ thả nuôi 7 – 10 con/ m2 . Thức ăn cho Cá Chẽm chủ yếu là thức ăn công nghiệp, có thể bổ sung thêm rau, cám cho thịt cá có vị đậm tự nhiên. Chu kỳ sinh trưởng của Cá Chẽm từ lúc thả nuôi đến 8 tháng trở lên, Cá Chẽm phải đạt trọng lượng từ 700gr đến hơn 1kg mới cho thu hoạch được. Người nuôi Cá Chẽm phải biết cách xử lý môi trường, diệt ký sinh tấn công cá, điều trị bệnh gan – thận gây mủ cho cá. Hiện nay, đang là thời điểm Giáp Tết, Công ty tại Thành phố Hồ Chí Minh đến thu mua hiện tại được 69.000 đồng/kg. Có thời điểm hút hàng, giá bán còn lên đến 85.000 đồng/kg. Với mức giá như hiện nay, trừ các chi phí lợi nhuận thu được khoảng trên 5.000 đồng/kg. Hiện tại ông Dừa đang bắt đầu vào vụ thu hoạch 01 ao nuôi cá chẽm đầu tiên trong năm 2024 với diện tích ao nuôi khoảng 3.000 m 2 thu hoạch được sản lượng gần 11 tấn cá, ước tính ông thu lãi trên 55 triệu đồng sau khi đã trừ đi các chi phí.
 

nuoi ca chem xa vinh huu (2)


Được dịp theo chân ông Dừa lúc thu hoạch Cá Chẽm, ông cho biết toàn bộ số lượng cá của ông đều được Công ty Thủy sản tại Thành phố Hồ Chí Minh bao tiêu sản phẩm, nên ông rất an tâm thị trường đầu ra. Theo kinh nghiệm nuôi cá của ông Dừa thì nuôi Cá Chẽm cần phải cải tạo ao kỹ, diệt hết cá tạp, đảm bảo hệ thống cống, lưới nuôi không bị rò rỉ. Mặt ao phải thoáng, bờ ao trống trải, không cho ếch, rắn ẩn nấp sát hại cá con. Công tác xử lý đáy ao được thực hiện kỹ để dọn dẹp cây cỏ thủy sinh trong ao và trên bờ ao, bắt hết cá dữ như cá lóc trong ao, hạn chế tỷ lệ thất thoát cá giống trong quá trình nuôi. Ao nuôi cá phải có độ sâu khoảng 1,5 m và đặc biệt là có thể thay được nước khi cần thiết để giữ nguồn nước trong ao lúc nào cũng sạch sẽ. Trong quá trình triển khai thực hiện mô hình nuôi Cá Chẽm, ông còn được phía Công Ty hướng dẫn cách cải tạo ao nuôi, xử lý nước, chọn con giống, khẩu phần ăn, chế độ thay nước, định kỳ sục khí, cách chăm sóc và sử dụng hóa chất, men vi sinh… thường xuyên kiểm tra sự biến động oxy hòa tan, kiểm tra độ kiềm, pH… nhất là trong những ngày thời tiết mưa nhiều để điều chỉnh cho thích hợp. Tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật nên cá phát triển bình thường, không xảy ra dịch bệnh, nên tỷ lệ cá sống đạt trên 95%. Do Cá Chẽm có tập tính “ăn lẫn nhau”, do vậy trong quá trình nuôi, người nuôi phải cung cấp thức ăn đủ nhu cầu nếu không những con cá lớn, khỏe sẽ ăn những con cá bé nhất là khi còn nhỏ. Nên trong thời gian khoảng một tháng nuôi đầu tiên người nuôi nên quây lưới ở một góc ao để thả cá, thuận tiện cho việc kiểm tra, sau đó mới thả cá lan ra ngoài ao.

Bên cạnh đó, do bản năng của Cá Chẽm là bắt mồi động nên khi cho cá ăn phải hết sức kiên nhẫn, thời gian cho ăn càng lâu càng tốt. Phải rải thức ăn với số lượng ít để cá kịp ăn hết trước khi chìm, vừa tiết kiệm thức ăn, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường.

Theo ông Mai Đức Tấn- Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện cho biết: “Cá Chẽm là loại cá có khả năng mang lại giá trị kinh tế cao. Kỹ thuật nuôi Cá Chẽm không quá khó, nguồn giống và thức ăn công nghiệp cũng đã được bán rộng rãi trên thị trường. Với những lợi thế này, việc nuôi luân canh Cá Chẽm sử dụng ao nuôi tôm là giải pháp thích hợp, góp phần cải thiện môi trường trong ao nuôi tôm. Có thể nói, mô hình nuôi Cá Chẽm trong những ao nuôi tôm hay các ao đất khác là giải pháp kỹ thuật hoàn toàn khả thi, góp phần đa dạng hóa các loài thủy sản nuôi. Hiệu quả của mô hình “Nuôi Cá Chẽm trong ao” còn nhằm giúp cho bà con tận dụng diện tích ao nuôi tôm bỏ hoang, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, cải tạo môi trường sinh thái, tạo sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn các xã của huyện Gò Công Tây.

Tác giả bài viết: Kim Lan - Quốc Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây