Huyện Gò Công Tây với Mô hình “Canh tác cây bưởi da xanh sử dụng phân bón hữu cơ trên nền phụ phẩm nông nghiệp”

Thứ bảy - 16/12/2023 22:56
Cùng với cây lúa, rau màu, dừa, Cây bưởi da xanh là một trong những cây trồng chủ lực của xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây do dễ trồng, thích hợp với điều kiện tự nhiên của huyện. Những năm qua, diện tích canh tác loại cây trồng này không ngừng tăng lên, tập trung nhiều nhất ở các xã Thạnh Nhựt, Vĩnh Hựu, thị trấn Vĩnh Bình, Bình Nhì... và được đánh giá là cây trồng có tiềm năng phát triển kinh tế cho địa phương. Tuy nhiên, việc phát triển diện tích chưa đồng bộ với việc cập nhật kỹ thuật canh tác, chưa chú trọng việc bổ sung phân hữu cơ dẫn đến một số diện tích cây phát triển kém, nhanh già cỗi, dịch hại có xu hướng gia tăng. Với diện tích sản xuất nông nghiệp của huyện khoảng 14.496 ha thì bình quân hàng năm có khoảng 287.000 tấn phụ phẩm.
Huyện Gò Công Tây với Mô hình “Canh tác cây bưởi da xanh sử dụng  phân bón hữu cơ trên nền phụ phẩm nông nghiệp”

Những năm gần đây, việc tận dụng phụ phẩm nông nghiệp ngày càng được nông dân quan tâm. Một số hộ dân đã tận dụng nguồn phân chuồng, rơm rạ sau thu hoạch ủ phân hủy tạo thành phân hữu cơ bón cho cây trồng mang lại hiệu quả thúc đẩy việc sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối bảo đảm hiệu quả, bền vững góp phần nâng cao giá trị gia tăng và bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Tận dụng các nguồn phụ phẩm nông nghiệp tại địa phương vào sản xuất nông nghiệp giảm chi phí sản xuất. Trong năm 2023, UBND huyện Gò Công Tây đã xem xét tính khả thi và hỗ trợ thực hiện mô hình Canh tác cây bưởi da xanh sử dụng phân bón hữu cơ trên nền phụ phẩm nông nghiệp tại xã Thạnh Nhựt. Mô hình bưởi sử dụng phân hữu cơ được thực hiện trên 3ha với 10 hộ dân của 02 ấp Bình Trung và Tân Thạnh, xã Thạnh Nhựt.

Theo các hộ tham gia mô hình Bưởi da xanh sử dụng phân hữu cơ trên nền phụ phẩm nông nghiệp cho biết: Khi tham gia vào Mô hình nhà vườn trồng bưởi đã được hướng dẫn tuyên truyền và chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong quá trình sản xuất bưởi cụ thể: hướng dẫn nông dân trồng bưởi theo hướng VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ. Từ đó góp phần hình thành và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm bưởi từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Ngoài ra, nhà vườn còn nắm được kỹ thuật ủ phân hữu cơ với chế phẩm sinh học và kỹ thuật canh tác bưởi hướng VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ. Quản lý sâu bệnh ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây bưởi. Đặc biệt tuân thủ áp dụng bón phân cân đối NPK,... Chỉ sử dụng phân bón nằm trong danh mục của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản phẩm phải được công bố hợp quy. Đồng thời, hướng dẫn sử dụng phân hữu cơ cho cây bưởi. Thuốc bảo vệ thực vật: Chỉ sử dụng thuốc BVTV nằm trong danh mục của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép sử dụng trên cây bắp. Khi sử dụng đảm bảo theo nguyên tắc “4 đúng” và đảm bảo thời gian cách ly trên bao bì sản phẩm. Sử dụng phân hỗn hợp NPK 20-20-15+TE, nhưng vẫn đảm bảo đúng công thức phân quy định cho 01 ha: Cây bưởi da xanh 03 năm tuổi trở lên: 190N- 100 P2O5 - 180 K2O. Sử dụng phân bón hữu cơ cho cây bưởi 03 năm tuổi trở lên theo quy định của nhà nước là 3.000 kg/ha. Năng suất bình quân cây bưởi trên 3 năm tuổi: 18 tấn/ha. Giá bán bình quân: 35.000 đồng/kg. Tổng thu: 18.000 kg x 35.000 đồng/kg = 630.000.000 đồng. Lợi nhuận: 260.000.000 đồng/ha/năm, gấp 4,2 lần so với lợi nhuận từ trồng 1 ha lúa/năm.

Theo ngành Nông nghiệp huyện đánh giá chung với thành công này thì khi nhân rộng mô hình trồng bưởi theo hướng hữu cơ cho gần 825ha bưởi còn lại sẽ đem lại hiệu quả vô cùng to lớn. Người nông dân sẽ bắt đầu quen dần với nền nông nghiệp sạch, tạo ra các sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn, được thị trường ưa chuộng, tầm nhìn mở rộng xuất khẩu nâng cao giá trị hàng nông sản địa phương.

Nhìn chung, việc đẩy mạnh sản xuất bưởi an toàn theo đúng quy trình VietGap, GlobalGAP không chỉ bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, người sản xuất mà còn có tác dụng duy trì cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường; làm cho đất, nước, không khí không bị ô nhiễm bởi dư thừa phân hóa học và các chất bảo vệ thực vật.

Việc ứng dụng các giải pháp kỹ thuật như quản lý dịch hại tổng hợp và bón phân theo quy trình quản lý dinh dưỡng, … sẽ giảm thiểu các chất gây ô nhiễm môi trường. Giúp người dân có thu nhập ổn định bằng nghề trồng bưởi thông qua việc tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn an toàn, gia tăng được giá trị và lợi nhuận cho người sản xuất. Đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng thông qua việc giảm thiểu hoặc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; bón phân hợp lý, đảm bảo thời gian cách ly. Sản phẩm cung cấp cho người tiêu dùng đảm bảo an toàn về chất lượng, không ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Góp phần đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao trình độ thâm canh của người dân, chuyển đổi tập quán canh tác theo lối công nghiệp, phù hợp với nền kinh tế thị trường.

Kết quả thực hiện bước đầu cho thấy mô hình cho lợi nhuận khá cao, tạo ra được sản phẩm an toàn, chất lượng và bước đầu tạo được sự bền vững trong canh tác trên địa bàn. Mô hình bưởi da xanh hữu cơ hoàn toàn phù hợp với thực tiễn tại địa phương, các mục tiêu cơ bản đã hoàn thành theo yêu cầu và đúng tiến độ. Sau khi thực hiện xong mô hình đã có tác dụng tích cực đến quá trình nhận thức của người dân trong và ngoài mô hình. Đây còn là mô hình hay, tích cực của huyện để nông dân trao đổi kinh nghiệm và sản xuất có hiệu quả cao, bền vững theo hướng an toàn nâng cao giá trị nông sản. Địa phương sẽ tiếp tục duy trì kết quả thực hiện mô hình cho các năm tiếp theo. Ngành Nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục tăng cường công tác tập huấn, tuyền truyền kết quả đạt được từ mô hình cho bà con nông dân.

Tác giả bài viết: Kim Lan

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây