Theo hội viên nông dân Phạm Công Đoàn cho biết trước đây gia đình ông chủ yếu sản xuất lúa 3 vụ/ 1 năm với tổng diện tích 4,5 công ruộng, lợi nhuận ở mức trung bình. Từ khi được chính quyền địa phương vận động ông tham gia vào tổ chức Hội Nông dân, qua nghe tuyên truyền vận động ông hiểu rõ ý nghĩa mục đích và những lợi ích thiết thực của chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng phát triển đúng hướng, phù hợp với đặc thù của địa phương mình. Nhờ sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện, Hội Nông dân huyện Gò Công Tây tạo điều kiện trong giới thiệu các ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tổ chức các chuyến tham quan học hỏi cộng với sự siêng năng, cần cù phấn đấu của bản thân, ông đã quyết định xin chuyển đổi diện tích đất ruộng sang trồng ớt với diện tích 4 công, còn lại 0,5 công ông trồng cỏ để chăn nuôi bò, dê. Hiện nay, mô hình trồng cây màu dưới chân ruộng, cây ăn trái phối hợp chăn nuôi của ông đã cho hiệu quả kinh tế bền vững, gia đình ông có cuộc sống ổn định, kinh tế ngày một đi lên.
Bản thân ông Đoàn thường xuyên tham gia vào các buổi sinh hoạt của Hội, tham gia các cuộc tập huấn, hội thảo để được nghe tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, ông rất tâm đắc với chuyên đề thi đua Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi do UBND huyện, Hội Nông dân huyện phát động, nên luôn mài mò, tìm hiểu, sáng tạo áp dụng những kiến thức kinh nghiệm mới, những mô hình hay, hiệu quả vào quá trình sản xuất, nghiên cứu tìm hiểu kỹ thị trường để lựa chọn loại cây màu nào phù hợp, có giá cả ổn định thu lại lợi nhuận cho gia đình. Ông còn tuyên truyền vận động gia đình, người thân, bà con trong xóm ấp cùng tham gia thực hiện để phát triển kinh tế gia đình, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội ở địa phương và tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao. Hàng năm, hội viên nông dân Phạm Công Đoàn đều có đăng ký tham gia thực hiện mô hình sản xuất, thực hiện chuyên đề thi đua Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp do địa phương phát động. Liên tục trong 3 năm liền, gia đình ông Đoàn chọn lựa cây ớt là cây màu chủ yếu để trồng dưới chân ruộng, ông chọn lựa giống ớt Chỉ Thiên của Công Ty Giống cây trồng Chánh Phong, nhờ chịu khó áp dụng đầy đủ quy trình sản xuất theo hướng dẫn, trong vụ ớt đầu tiên năm 2023 ông thu hoạch được gần 6 tấn với giá bán từ 40.000 đến 60.000 đồng/ kg, sau khi trừ đi các chi phí sản xuất ông thu được lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng, tiếp tục đến vụ thứ 2 ông cũng đạt được năng suất khoảng 5 tấn với giá bán từ 30 ngàn- 40 ngàn đồng/ kg, ông thu được lợi nhuận khoảng 120 triệu đồng. Tổng thu nhập của cả 2 vụ ớt trong năm của gia đình hội viên Phạm Công Đoàn thu được trên 300 triệu đồng. Ngoài ra, ông Đoàn còn kết hợp thêm mô hình chăn nuôi bò, dê sinh sản. Hiện nay, trong chuồng nhà ông có 4 con bò nái và 8 con dê sinh sản, tuy hiện nay giá bò và dê có giảm nhưng chủ yếu tận dụng nguồn rơm rạ, cỏ sẵn có tại gia đình, ông lấy công làm lời ông vẫn kiên trì thực hiện mô hình chăn nuôi bò dê đạt được trung bình hàng năm thu nhập từ chăn nuôi bò, dê của ông cũng được khoảng 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông Đoàn còn có mô hình trồng mít Thái xen canh với trồng chanh, hiện nay, vườn mít Thái hơn 4 công đất của ông đang phát triển tươi tốt cho trái thu hoạch rộ, với giá mít thời điểm này là 18.000 đồng/ kg, ông cho biết thương lái từ Cái Bè, Cai Lậy xuống tận vườn thu mua và vận chuyển nên gia đình cũng không phải vất vả tốn công. Ông cho biết thêm, nhờ tìm hiểu kỹ thuật trồng mít từ sách báo, trên mạng internet cũng như các chuyến tham quan, tập huấn khoa học của Ngành nông nghiệp xã tổ chức, ông Đoàn có thêm nhiều kiến thức áp dụng vào quy trình sản xuất nên đạt năng suất hiệu quả cao. Cây mít Thái chuộng ánh nắng, vườn phải đảm bảo thoáng, có đầy đủ nước tưới quanh năm, định kỹ phải bón phân hữu cơ và bồi đất cho cây cho dinh dưỡng nuôi trái tốt, đạt chất lượng cao, đặc biệt phải lưu ý sâu đục thân và đục trái. Mỗi cây chỉ lấy số lượng trái vừa phải để cây đủ sức nuôi trái, trái to tròn phải dùng bao lưới bao kín tránh sâu bọ. Ước tính chung trong năm 2023, ông Đoàn thu hoạch được hơn 2 tấn mít mang về nguồn kinh tế gia đình ổn định. Ông còn chuyển đổi từ trồng ớt vụ Đông Xuân 2023-2024 chuyển sang trồng cây tắc và xen cùng với cây cà tím thay thế cho cây ớt. Lấy ngắn nuôi dài, ông cho biết trước khi chọn trồng loại cây gì ông đều tìm hiểu kỹ thị trường thu mua đảm bảo, nếu thấy chắc chắn mới trồng để tránh tình trạng trồng ồ ạt nông sản bị mất giá. Tổng thu nhập của các nguồn trồng trọt, chăn nuôi của gia đình đạt được trên 550 triệu đồng. Từ nguồn thu nhập này, ông xây dựng được nhà cửa khang trang, tươm tất, ông còn xây dựng được thêm 01 nhà dẫn dụ nuôi chim yến hiện đang trong giai đoạn khai thác chuẩn bị có thu nhập trong thời gian tới.
Theo nhận xét Hội Nông dân xã Long Bình đánh giá về hội viên nông dân Phạm Công Đoàn ông là hội viên nông dân tích cực, hăng hái đi đầu trong đóng góp các chương trình phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, đóng góp kinh phí tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn xóm ấp, ông còn hướng dẫn tận tình kinh nghiệm sản xuất cho mọi người xung quanh, giúp đỡ các hội viên nông dân trong xã về vốn, cây, con giống để cùng nhau vươn lên phát triển kinh tế gia đình có cuộc sống khá giàu. Ông còn tích cực tham gia cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Đăng ký những phần việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bản thân ông và người thân trong gia đình luôn thực hiện tốt các tiêu chuẩn quy định xây dựng gia đình văn hóa, tham gia vận động tuyên truyền bà con xung quanh cùng thi đua lao động sản xuất vượt qua khó khăn vươn lên làm giàu chính đáng, chăm lo cho con cháu học hành đến nơi đến chốn. Hội viên Nông dân Phạm Công Đoàn ấp Thới Hòa, xã Long Bình, huyện Gò Công Tây là tấm gương sáng đi đầu trong sáng tạo tìm tòi đạt hiệu quả kinh tế cao trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi của huyện Gò Công Tây, với bản tính hiền lành, chịu thương chịu khó, mô hình sản xuất của hội viên nông dân Phạm Công Đoàn thực sự là một trong các mô hình hay đáng được học tập và biểu dương nhân rộng trong cộng đồng.
Tác giả bài viết: Kim Lan - Quốc Nam