Theo ông Nguyễn Văn Hồng- hộ chăn nuôi dê tại ấp Xóm Thủ xã Bình Tân cho biết: Nuôi dê chủ yếu là lấy công làm lời. Dê là con vật gắn bó lâu đời với người chăn nuôi tại địa phương, nuôi dê rất đơn giản, không tốn chi phí thức ăn công nghiệp, chỉ cần cỏ, rau dại, chuồng trại xây dựng bằng cây tạp vững chắc, cao ráo thoáng mát, rộng rãi là dê phát triển tốt. Giống Dê mà gia đình ông nuôi thường xuyên trong thời gian qua chủ yếu là dê Boer và dê Hà Lan. Ban đầu, đây là những hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn của xã, nhưng chỉ sau một thời gian chí thú làm ăn và kiên trì với mô hình nuôi dê này, gia đình ông đã vươn lên ổn định, có điều kiện xây dựng lại nhà cửa khang trang, nuôi dạy con cái ăn học nên người.
Nhờ cần cù chăm chỉ với mô hình nuôi dê, nhìn chung các hộ chăn nuôi dê trên địa bàn của xã còn đầu tư xây dựng lại hệ thống chuồng trại chắc chắn, làm chỗ nuôi dê lâu dài, mua thêm đất để trồng cỏ để làm nguồn thức ăn cho đàn dê. Ông Hồng cho biết thêm, nhờ mô hình nuôi dê đã mang lại cho gia đình ông nguồn kinh tế ổn định. Bên cạnh đó, ông còn tận tình hướng dẫn cho bà con địa phương kinh nghiệm nuôi dê, cho mượn và bán dê giống với giá rẻ để bà con phát triển chăn nuôi. Ông còn kiêm thêm dịch vụ nhận gầy giống cho dê sinh sản theo yêu cầu của người nuôi dê, những khi vào đợt dê xuống giá, ông thu mua dê con về chăm sóc, vỗ béo, gầy thành đàn chờ khi có giá xuất bán dê thịt cho thị trường. Trong chăn nuôi dê, ông cho biết một kinh nghiệm quý để người nuôi đạt hiệu quả cao đó là duy trì chế độ dinh dưỡng tốt cho dê như bổ sung thêm chuối chín, rau cỏ tươi, nước sạch cho dê uống, tuân thủ tiêm ngừa các loại vacxin phòng chống dịch bệnh cho đàn dê.
Hiện xã Bình Tân là một trong những xã có số lượng đàn dê nhiều của huyện với trên 2.500 con. Đây là một mô hình chăn nuôi hiệu quả, thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay đã giúp cho nông dân ở xã Bình Tân nói riêng và huyện Gò Công Tây nói chung cải thiện kinh tế gia đình thích hợp trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.
Tác giả bài viết: Kim Lan