Để chủ động phòng, chống hạn, mặn năm nay ngành Nông nghiệp huyện tập trung triển khai những giải pháp công trình như: Nạo vét các tuyến kênh, rạch bị bồi lắng; gia cố, xử lý các cống để đảm bảo công tác ngăn mặn triệt để. Ngoài ra, các xã, thị trấn trong toàn huyện cũng tăng cường trục vớt lục bình, rong cỏ để tạo sự thông thoáng trên các kênh, rạch; khuyến cáo người dân tích trữ nước trên đồng ruộng… Nhờ đó, đến thời điểm này, hoạt động sản xuất nông nghiệp của huyện chưa bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn.
Theo ngành Nông nghiệp dự báo độ mặn sẽ tăng đột biến trên sông Tiền, chủ yếu là do gió chướng hoạt động mạnh kết hợp với triều cường vào dịp cuối năm 2023. Theo dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, tình hình xâm nhập mặn năm 2023- 2024 xấp xỉ và có khả năng tăng cao hơn so với mùa khô năm 2020 - 2021. Như vậy, xâm nhập mặn mùa khô năm nay sâu hơn mùa khô năm trước. Trước tình hình mặn xâm nhập đột biến, ngành Nông nghiệp đã triển khai các phương án bảo vệ sản xuất và nước sinh hoạt cho người dân. Sau khi mặn tăng đột biến trên sông Tiền, những ngày gần đây, độ mặn đã giảm. Hiện cống Xuân Hòa vẫn đang lấy gạn nước ngọt khi độ mặn dưới 01g/lít. Hiện nguồn nước tại các kênh, rạch nội đồng ở các huyện, thị phía Đông đang vẫn đảm bảo phục vụ sản xuất. Do trước đó, ngành Nông nghiệp đã tăng cường công tác tích trữ nước. Với tình hình xâm nhập mặn như dự báo, nước sản xuất trong vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công sẽ được đảm bảo phục vụ tốt cho sản xuất vụ Đông Xuân.
Tác giả bài viết: Kim Lan