Căn cứ Phương án số 447/PA-UBND ngày 30/10/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang về phòng, chống và ứng phó với hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023-2024 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; Căn cứ Công văn số 3745/SNN&PTNT-TT&BVTV ngày 19/9/2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn khung lịch thời vụ và cơ cấu giống lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 vùng dự án Ngọt hóa Gò Công; Căn cứ tình hình khí tượng thủy văn, tình hình sản xuất nông nghiệp trong khu vực dự án ngọt hóa Gò Công, nhằm đảm bảo phục vụ tốt sản xuất vụ lúa Đông Xuân, hạn chế thiệt hại do thiếu nước, xâm nhập mặn; cộng với việc xuống giống không đồng bộ và tự phát của Nhân dân, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang (gọi tắt là Công ty Thủy nông) xây dựng kế hoạch vận hành công trình thủy lợi phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân năm 2023-2024 trong vùng dự án Ngọt hóa Gò Công để phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp nói chung.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Tiền Giang: Tháng 11, 12: tổng lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 5-10%. Mùa mưa năm 2023 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang kết thúc vào cuối tháng 10 và rất ít mưa trái mùa trong mùa khô năm 2023-2024. Tình hình mặn cũng khá quan trọng bà con nông dân cần lưu ý. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Tiền Giang, tình hình khô hạn và xâm nhập mặn trên sông Tiền và sông Hàm Luông trong mùa khô 2023-2024 có khả năng đến sớm hơn, sâu hơn trung bình nhiều năm, tương đương mùa khô 2015-2016; mặn khả năng sẽ xâm nhập sớm vào các sông trên địa bàn tỉnh từ đầu tháng 12/2023. Theo số liệu quan trắc của Công ty Thủy nông cho biết: Độ mặn trên tuyến sông Cửa Tiểu – sông Tiền (Cống Long Hải) độ mặn cao nhất từ đầu tháng 10/2023 đến nay là 4,30g/1 (11/10), cao hơn cùng kỳ năm 2022 là 0,60g/1. Tại bến đò Rạch Vách: độ mặn cao nhất từ đầu tháng 10/2023 đến nay là 0,00g/1, tương đương cùng kỳ năm 2022. Trên sông Vàm Cỏ (Bến đò Mỹ Điền) mặn xuất hiện thường xuyên trong các đợt triều cường, độ mặn cao nhất từ đầu tháng 10/2023 đến nay là 8,30g/1 (13/10), cao hơn cùng kỳ năm 2022 là 2,30g/1. Tại Cống Rạch Băng: độ mặn cao nhất từ đầu tháng 10/2023 đến nay là 1,00g/1 (11/10), thấp hơn cùng kỳ năm 2022 là 0,40g/1. Tại cống số 3 sông Tra: độ mặn cao nhất từ đầu tháng 10/2023 đến nay là 0,00g/1, tương đương cùng kỳ năm 2022.
Căn cứ tình hình khí tượng thủy văn như trên, căn cứ lịch thủy triều dự kiến khả năng lấy nước của các cống như sau: Cống Vàm Giồng: lấy nước ổn định đến cuối tháng 11/2023, sau đó lấy không ổn định và đóng ngăn mặn từ đầu tháng 12/2023 trở đi (năm 2015 đóng ngày 21/11). Cổng Xuân Hòa: lấy nước ổn định đến đầu tháng 12/2023, sau đó lấy nước không ổn định và chuyển sang chế độ vận hành lấy gạn (năm 2016 lấy gạn ngày 06/01), độ mặn lấy gạn S<1,00g/1. Cống Rạch Chợ: lấy nước bổ sung ổn định đến đầu tháng 12/2023, sau đó chuyển sang chế độ vận hành lấy gạn (năm 2016 lấy gạn ngày 06/01). Dự kiến tình hình sản xuất Đông Xuân như sau: theo tình hình thực tế thì diện tích xuống giống lúa Đông Xuân chủ yếu ở huyện Gò Công Đông và thị xã Gò Công (phần diện tích này cắt vụ Thu Đông), thời gian xuống giống tập trung giữa tháng 11 với diện tích khoảng 9.500ha. Tuy nhiên, phần diện tích sản xuất vụ Thu Đông của huyện Gò Công Tây, thị xã Gò Công có khả năng sẽ xuống giống Đông Xuân tự phát sau khi thu hoạch lúa (khoảng giữa tháng 12/2023).
Ngành Nông nghiệp đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất lúa Đông Xuân 2023-2024 trong khung lịch thời vụ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đảm bảo ngăn mặn triệt để trong giai đoạn sản xuất, nâng cao hiệu quả tưới tiêu, hạn chế úng cục bộ ở đầu vụ. Tưới tạo nguồn thuận lợi, hạn chế bơm chuyền nhiều cấp, nâng diện tích tưới tự chảy từ đầu vụ đến cuối tháng 12/2023. Nhanh chóng tháo rửa ô nhiễm, mặn, phèn tiềm tàng sau khi vệ sinh đồng ruộng, xuống giống vụ Đông Xuân, tạo thông thoáng dòng chảy, đưa nước nhanh về cuối nguồn. Ngành Nông nghiệp đề nghị vận hành công trình phục vụ Đông Xuân sao cho hợp lý trong từng khu vực ứng với từng thời điểm khác nhau trong dự án, hạn chế để xảy ra tình trạng ngập úng, khô hạn hay phát sinh phèn, mặn. Cụ thể như sau: Vận hành tích trữ nước, chủ yếu lấy nước từ cống Xuân Hòa, Rạch Chợ.
- Cống Vàm Giồng lấy nước bổ sung, thực hiện đóng ngăn mặn khi độ mặn tại bến đò Rạch Vách ≥ 1,00g/1.
- Cống Xuân Hòa lấy nước liên tục, thực hiện chuyển sang chế độ lấy gạn khi độ mặn tại bến đò Hòa Định ≥ 1,00g/1, độ mặn lấy vào khống chế tại cống S< 1,00g/l.
- Cống Rạch Chợ lấy nước liên tục, thực hiện chuyển sang chế độ lấy gạn khi độ mặn tại cầu Chợ Gạo 0,50g/1 <S < 1,00g/1, độ mặn lấy vào khống chế tại cống S< 1,00g/1.
- Các cống còn lại hạn chế xả nước (chỉ thực hiện xả cống khi mặn đồng > 1,00g/1 hoặc khi mực nước đồng bình quân đã đạt +0,50m hoặc tháo rửa giải quyết ô nhiễm, lục bình).
- Các khu vực vùng trũng tự chủ động ngăn triều chống úng.
- Mực nước trên kênh chính dao động từ +0,25 đến +0,55m.
* Giai đoạn từ đầu tháng 01/2024 đến cuối vụ Đông Xuân
- Cống Xuân Hoà vận hành lấy gạn, thực hiện đóng ngăn mặn khi độ mặn thấp nhất tại cống > 1,00g/1.
- Cống Rạch Chợ vận hành lấy gạn, thực hiện đóng ngăn mặn khi độ mặn thấp nhất tại cống > 1,00g/1.
- Tất cả các cống còn lại thực hiện chế độ đóng ngăn mặn, không thực hiện xả nước trừ những khu vực bị nhiễm phèn, mặn (chỉ thực hiện xả cống khi mặn đồng > 1,50g/1).
- Mực nước trên kênh chính giảm dần ở mức từ -0,30m đến +0,50m.
Trong suốt mùa khô, tiếp tục theo dõi lấy gạn trong điều kiện giới hạn mặn cho phép để bổ sung nước ngọt vào dự án nhằm phục vụ cho dân sinh. Trong quá trình thực hiện sẽ điều chỉnh chế độ vận hành khi tình hình khí tượng thủy văn có thay đổi bất thường.
Về phía Công ty Thủy nông sẽ tổ chức đo đạc, kiểm tra chặt chẽ diễn biến chất lượng nguồn nước, mực nước trên các tuyến sông và nội đồng, đồng thời theo dõi tình hình khí tượng thủy văn, tình hình ngập úng ở đầu vụ để có biện pháp tổ chức vận hành công trình cống phục vụ cho sản xuất có hiệu quả nhất. Tập trung kiểm tra, kiểm soát các khu vực cục bộ ven biển thường bị nhiễm mặn, hạn như: khu nam lộ Tân Thành, khu Tân Điền, khu Cây Xương Trong (Tân Phước), khu 1, 2 vùng 3, khu Khương Thọ,... Thực hiện chế độ kiểm tra, báo cáo kịp thời theo quy định về diễn biến mặn nội đồng để có biện pháp thảo rửa kịp thời. Kiểm tra chặt chẽ hiện trạng các công trình cống, tổ chức duy tu, sửa chữa kịp thời, đảm bảo ngăn mặn tốt và vận hành an toàn; có giải pháp để xử lý mặn các khu vực cuối nguồn. Tập trung nhân lực tổ chức vận hành các cửa lấy gạn bằng cửa cưỡng bức cống Xuân Hòa trong điều kiện độ mặn cho phép. Tổ chức khơi thông dòng chảy, quản lý thông thoáng lòng kênh theo Phương án số 390/PA-UBND ngày 14/12/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang. Thực hiện tốt Phương án số 447/PA-UBND ngày 30/10/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang về việc phòng, chống và ứng phó với hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023-2024 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Thông báo tình hình diễn biến chất lượng nước và vận hành công trình kịp thời đến địa phương để thông tin rộng rãi đến người dân qua các phương tiện thông tin đại chúng để Nhân dân chủ động trong sử dụng nước.
Các địa phương cần đẩy mạnh thông tin lịch vận hành công trình kịp thời để Nhân dân chủ động sản xuất.
- Đối với các vùng trũng, có biện pháp nâng cao bờ vùng, bờ thửa ngăn nước tại các cống nhằm đảm bảo chống úng khi trữ nước. Thời gian chịu ảnh hưởng từ nửa cuối tháng 11 đến cuối 12/2023.
- Tập trung khơi thông dòng chảy, trục vớt lục bình, rong, cỏ, giữ vệ sinh nguồn nước trên kênh, rạch để trữ nước.
- Bơm trữ nước lên ruộng và kênh nội đồng trước khi cống Xuân Hòa vận hành lấy gạn.
- Chính quyền địa phương vận động người dân giữ vệ sinh nguồn nước ở các khu vực thường xảy ra ô nhiễm vào thời điểm cuối vụ.
- Ngoài ra các địa phương tiếp tục phối hợp với Công ty:
+ Tổ chức vận hành các công trình nội đồng đồng bộ với vận hành chung của dự án; đặc biệt là các khu vực vùng trũng Tân Điền, Gò Công Tây, Chợ Gạo,...
+ Khai thông dòng chảy, vệ sinh kênh mương, công trình địa phương quản lý.
+ Tích cực trong công tác phòng chống hạn mặn.
+ Giải quyết triệt để các trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi.
Tác giả bài viết: Kim Lan