Do tình hình biến đổi khí hậu, đất bị nhiễm phèn trồng cây lúa hàng năm kém hiệu quả, lợi nhuận từ cây lúa không cao, qua dự các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội Nông dân xã tổ chức và khuyến cáo của ngành Nông nghiệp về thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ ruộng lúa kém hiệu quả, anh Huỳnh Văn Mỹ Hải mạnh dạn bàn với gia đình lên liếp 40 sào ruộng trồng cây lài từ năm 2020. Anh cho biết: thấy cây lài trồng không kén đất, dễ trồng, chống chịu thời tiết khắc nghiệt, chi phí thấp lợi nhuận gấp 3 – 4 lần so với trồng lúa.
Tại Hội nghị Sơ kết phong trào thi đua Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi xã Long Vĩnh, anh Huỳnh Văn Mỹ Hải được chọn báo cáo điển hình, anh cho biết chi tiết về chi phí sản xuất trồng cây lài như sau: Diện tích 40 sào ruộng khi lên liếp còn 25 sào mặt nền, 15 sào mặt nước, tổng chi phí trong năm là 63.000.000đ bao gồm: phân bón, tiền công thu hoạch, … Tổng thu 25 sào là: 120.000.000đ. Tổng chi là 63.000.000đ. Lợi nhuận trên 40 sào đất trồng lài trong 1 năm là 57.000.000đ.
Ngoài ra anh Huỳnh Văn Mỹ Hải còn nuôi 2 con bò nái sinh sản, 1 năm có 2 con bê con, 1 năm thu từ chăn nuôi bò là 37.000.000đ, sau khi trừ chi phí còn lợi nhuận 35.000.000đ. Như vậy lợi nhuận từ cây lài và chăn nuôi bò của anh Hải 1 năm là 94.000.000đ.
Đạt được kết quả trên là nhờ chính quyền địa phương có chủ trương khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi, Hội Nông dân xã, Chi hội Nông dân ấp thường xuyên kết hợp cùng Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Gò Công Tây, các Công ty thuốc bảo vệ thực vật có uy tín chất lượng về địa phương, tổ chức hội thảo, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Đồng thời được sự giúp đỡ hướng dẫn của nhiều nông dân có kinh nghiệm trên lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, anh Huỳnh Văn Mỹ Hải có cuộc sống ổn định nhờ mô hình luân canh cây lài dưới chân ruộng và chăn nuôi bò sinh sản.
Với mô hình làm ăn có hiệu quả trên anh Huỳnh Văn Mỹ Hải được bình xét đạt nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã nhiều năm liền.
Tác giả bài viết: Thanh Xuân - Châu Pha