Theo thông báo của Công Ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi Tiền Giang, hiện nay, cống Xuân Hòa đang lấy gạn nước, dự kiến đến đợt triều cường từ ngày 30/01/2024 đến ngày 15/2/2024 là có thể đóng cống hoàn toàn và chỉ lấy nước khi có đủ điều kiện để phòng chống hạn- mặn xâm nhập vào nội đồng. Trước tình hình trên thì ngành thủy lợi dự báo khả năng thiếu nước phục vụ cho sản xuất của người dân là hoàn toàn có thể xảy ra.
Tổng diện tích vụ lúa Đông Xuân huyện Gò Công Tây xuống giống được hơn 7.825 ha, cơ cấu giống lúa chủ yếu là VD 20, ST, Nàng Hoa 9, Đài Thơm 8, Hương Châu, OM 545, OM 6976, OM 18, OM 4218, OM 4900. Toàn huyện hiện có diện tích cây ăn trái lâu năm hơn 4.530 ha, trong đó chủ yếu là dừa, bưởi, thanh long, mít. Vụ Đông Xuân 2023-2024 toàn huyện thực hiện hơn 5.700 ha cây màu bao gồm: dưa hấu, bầu, bí, ớt, rau ăn lá các loại tập trung nhiều tại các xã Yên Luông, Bình Nhì, Bình Tân, Thạnh Trị, Long Bình, Vĩnh Hựu. UBND huyện Gò Công Tây đề nghị các ngành chức năng và các xã cần chú ý tập trung thực hiện tốt các công tác đảm bảo ngăn mặn triệt để, trữ ngọt đủ nước tưới diện tích lúa Đông Xuân 2023-2024, diện tích cây ăn trái, rau màu đặc biệt là đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn vào mùa khô năm 2024. Chủ động nắm bắt tình hình thời tiết để triển khai kịp thời các phương án ứng phó với nắng hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn và tác động của biến đổi khí hậu đảm bảo kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả. Giải pháp đối với công trình thủy lợi, các địa phương nhanh chóng triển khai thi công nhanh các công trình thủy lợi đã được bố trí vốn của cấp tỉnh, cấp huyện, thời gian kết thúc là 30/1/2024. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện sẽ phối hợp với Chi nhánh Thủy nông Gò Công và các xã cặp sông Cửa Tiểu khảo sát các cống đóng và thực hiện đắp đập đảm bảo ngăn mặn triệt để, thời gian kết thúc là 20/1/2024.
Ngoài ra, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện còn phối hợp với các xã tiến hành khảo sát ngay các điểm dự kiến đắp đập để bơm chuyền 2 cấp và thực hiện ngay khi nào có chỉ đạo của tỉnh. UBND các xã, thị trấn tiến hành đẩy mạnh tuyên truyền thông báo thường xuyên trên hệ thống loa đài truyền thanh của xã về tình hình mặn để người dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước phục vụ sản xuất cũng như sử dụng trong sinh hoạt. Vận động người dân tự bơm nước vào mương vườn để tích trữ nước ngọt dùng trong tưới tiêu sản xuất khi cống Xuân Hòa đóng. Bên cạnh đó, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, xử lý tình trạng hộ dân chăn nuôi xả thải, vứt xác súc vật xuống lòng kênh gây ô nhiễm nguồn nước phục vụ cho sản xuất. Tích cực ra quân và phối hợp với người dân tại chỗ trục vớt lục bình trên các tuyến kênh nội đồng, kiểm tra bảo dưỡng các máy bơm, riêng với các xã, thị trấn có ao làng chứa nước ngọt dự trữ thì tiến hành ngay việc dọn dẹp vệ sinh xung quanh ao, có thể thực hiện việc rải vôi để sát trùng sạch sẽ đảm bảo dự phòng nguồn nước từ các ao làng.
Đối với phương án chống hạn trong mùa khô năm 2024, UBND huyện cũng đã chia thành các giai đoạn khác nhau để thuận lợi thực hiện trong từng thời điểm, mức độ của tình hình hạn mặn khác nhau, cụ thể như khi cống Xuân Hòa chuyển sang chế độ lấy gạn nước thì tất cả các địa phương tranh thủ mở cống lấy nước vào nội đồng dự trữ và bơm nước lên ruộng. Hoặc khi đến giai đoạn đóng tất cả các cống khi mực nước trên trục xuống thấp không cho nước nội đồng ra. Thời điểm này, các địa phương phải tiến hành ngay việc đắp đập ở đầu kênh trục chính như Kênh 14, rạch Vàm Giồng để giữ nước trong nội đồng không cho thoát ra ngoài. Dự kiến vào khoảng từ 01/02 đến 15/02/2024.
Huyện cũng dự trù và thông báo nguồn kinh phí chuẩn bị cho công tác phòng chống hạn mặn tại các địa phương phải được thực hiện theo tình hình thực tế của từng địa phương trên địa bàn huyện, quyết toán theo quy định tài chính.
Đối với giải pháp đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn huyện vào mùa khô năm 2024, UBND huyện Gò Công Tây đã đề ra các giải pháp chung cụ thể như: dự kiến sẽ thực hiện mở lại các vòi nước công cộng để cấp nước sạch sinh hoạt phục vụ cho Nhân dân ở các khu vực chưa có điều kiện tiếp cận được nguồn nước sạch do cách xa trung tâm hoặc chưa có tuyến ống nước chính đi qua. Tiếp tục theo dõi tình hình cung cấp nước tại các điểm cách xa tuyến ống chính và có kiến nghị UBND tỉnh, các Sở Ngành tỉnh, Công Ty Cấp nước quan tâm triển khai thực hiện nhanh chóng các danh mục công trình trong Kế hoạch số 435/KH-UBND cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 và sau 2025. Ngoài ra, UBND các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở khắc phục và tìm nguyên nhân nếu có hiện tượng thiếu nước xảy ra trên địa bàn để có giải pháp khắc phục kịp thời. Vận động tuyên truyền người dân đầu tư xây thêm hồ chứa nước hoặc dùng túi mủ chứa nước tạm tại những nơi không thể mở rộng đường ống do dân ở quá thưa. Các HTX, Tổ hợp tác cấp nước cần thực hiện đầu tư thêm bể chứa, kiểm tra bảo dưỡng máy móc, mua dự phòng thêm motor bơm nước, các tuyến ống nước cần xúc rửa đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân sử dụng an toàn.
Tác giả bài viết: Kim Lan - Nguyễn Quyền