Nông dân huyện Gò Công Tây tích cực chăm sóc các loại cây màu chuẩn bị phục vụ Tết

Thứ ba - 26/12/2023 09:21
Vào dịp Tết Nguyên Đán, nhu cầu người dân về rau màu rất lớn, giá cả thường tăng cao. Vì vậy, nông dân thường tập trung trồng và chăm sóc để phục vụ thị trường Tết, nông dân thường trồng các loại rau màu: Dưa hấu, dưa leo, khổ qua, bắp, bí đỏ, rau các loại và đặc biệt nông dân trồng một số loại hoa để phục vụ cho trang trí vào dịp Tết.
Nông dân huyện Gò Công Tây tích cực chăm sóc các loại cây màu chuẩn bị phục vụ Tết

Ngay từ những tháng cuối năm, nông dân trên địa bàn xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây đã đẩy mạnh sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tích cực chăm sóc cây trồng, đặc biệt tập trung vào sản xuất các mặt hàng nông sản sạch, đảm bảo cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Để phục vụ thị trường Tết năm nay, gia đình ông Trần Văn Dũng, ấp Bình Đông Trung xã Bình Nhì huyện Gò Công Tây đã trồng 3.000m2 cây màu các loại như: bí đỏ, bắp Mỹ, đậu bắp, bầu…Theo nông dân trồng cây màu vào thời điểm này, thời tiết thuận lợi để nông dân canh tác. Dự kiến sắp tới thời điểm thu hoạch cận Tết gia đình ông Dũng sẽ thu hoạch khoảng trên 1 tấn bầu, bí đỏ, đậu bắp, bắp Mỹ.

Xã Bình Nhì được đánh giá là một trong những địa phương có thế mạnh về sản xuất cây rau màu trên địa bàn huyện Gò Công Tây. Với lợi thế về đất đai màu mỡ và kinh nghiệm trong sản xuất, những năm gần đây, nông dân đã mạnh dạn trong việc chuyển đổi hình thức sản xuất, cơ cấu cây trồng. Đến thời điểm này, nông dân trên địa bàn xã cơ bản hoàn tất xuống giống các loại cây màu như dưa hấu, bí đỏ, bầu, khổ qua, đậu bắp…phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.

Theo báo cáo ngành Nông nghiệp huyện, diện tích trồng màu năm 2023 của huyện Gò Công Tây đạt hơn đạt hơn 5.700 ha/ năm, riêng vụ Đông Xuân năm 2023-2024 bà con nông dân huyện Gò Công Tây đã xuống giống được 1.295 ha. Một số diện tích trồng đầu vụ nông dân đã thu hoạch, diện tích còn lại nông dân tích cực chăm sóc để kịp bán vào dịp tết. Đối với những vùng trồng cây màu tập trung nhiều của huyện như Bình Nhì, Yên Luông, Thạnh Trị, Bình Tân… đa số nông dân trồng cây màu đều được hợp đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra và áp dụng các quy trình sản xuất cây màu theo hướng tự nhiên, hạn chế các loại phân bón, thuốc hóa học để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Theo ngành chuyên môn khuyến cáo với diện tích cây rau màu đã xuống giống cần tranh thủ chăm sóc và bón phân theo đúng quy trình kỹ thuật để giúp cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, đạt năng suất chất lượng cao. Đồng thời theo dõi, kiểm soát các loại dịch hại quan trọng trên cây rau màu như: sâu keo trên cây bắp, sâu xanh da láng trên hành lá, nhóm bọ trĩ trên bầu bí dưa, sâu tơ và rầy nhảy trên cải các loại. Đây là các đối tượng gây hại quan trọng và khó phòng trừ. Vì vậy ngoài việc phòng trị theo nguyên tắc 4 đúng, cần hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp khác như: bắt bằng tay, sử dụng các loại bẫy màu, bẫy dẫn dụ để giảm mật số dịch hại ngay từ đầu vụ.

Nếu như trước đây, các hộ dân trồng rau màu ở huyện Gò Công Tây chỉ sản xuất với quy mô nhỏ, lợi nhuận kinh tế không cao, thì nay nông dân nhờ biết áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nên các loại rau màu đã phong phú về chủng loại, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân. Với sự chủ động các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời, sản xuất của nông dân hiện nay khá thuận lợi. Nông dân hy vọng đợt rau màu dịp Tết này sẽ bán được giá để có thêm thu nhập đón một mùa xuân vui tươi, ấm áp...

Tác giả bài viết: Kim Lan

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây