Hội viên phụ nữ tiêu biểu tại xã Yên Luông với mô hình xử lý rác hữu cơ làm phân bón cho cây xanh

Thứ ba - 26/12/2023 09:26
Vừa qua, tại nhà của Hội viên Lê Thị Thu Thủy địa chỉ ấp Thạnh Phong, xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Yên Luông tổ chức buổi sinh hoạt truyền thống và tham quan học tập mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn cho hội viên tham khảo áp dụng thực hiện. Tham dự buổi sinh hoạt có đồng chí Huỳnh Thị Thùy Liên- Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện, đồng chí Lê Ngọc Tuyến- Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Yên Luông, các đồng chí trong Ban Chấp hành hội và hội viên tiêu biểu của các ấp.
Hội viên phụ nữ tiêu biểu tại xã Yên Luông với mô hình xử lý rác hữu cơ làm phân bón cho cây xanh

Mô hình xử lý rác thải tại nguồn của hội viên Lê Thị Thu Thủy được mọi người trong ngoài xã biết đến và tham quan học hỏi kinh nghiệm. Hội viên Lê Thị Thu Thủy - với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Thạnh Phong đã hướng dẫn cho các chị em hội viên cách thức chị áp dụng thực hiện phân loại xử lý rác thải tại nguồn mà hơn 3 năm nay gia đình chị áp dụng thực hiện rất đơn giản và hiệu quả.
 

z5010548925642 078654a8aa316faf07573c336c2fa38f
 
z5010835098959 01abf97e249d467d0ae1f0d2a9ed75cd

Chị Thủy tưới phân cho rau vườn nhà từ rác hữu cơ sau khi xử lý men vi sinh.


Trong gia đình chị có các bao lớn để phân loại rác, loại rác thải chai nhựa, đồ mủ, sắt, nhôm, thiếc, chị cho vào 1 bao lớn để dành bán phế liệu; bao thứ 2 chị để chứa rác thải là bóng đèn, hoặc mảnh chai, thủy tinh bể để đem đi xử lý. Đáng chú ý hơn cả, từ khi có chủ trương phát động của Hội Phụ nữ cấp trên về xử lý rác hữu cơ bằng men vi sinh, chị Thủy đã về nghiên cứu thực hiện ngay tại hộ gia đình mình. Không cần cầu kỳ hay phải hao tốn chi phí nhiều. Chị chọn lấy 2 khạp tương loại lớn có nắp đậy kín, dưới đáy khạp, chị khoan một lỗ nhỏ vừa phải và chuyền một ống nhỏ để dẫn nước rỉ hứng xuống chum nhỏ bên dưới. Hằng ngày khi nấu ăn chị cho tất cả các loại vỏ rau củ quả như vỏ mít, bầu, bí, mướp,… vào khạp tương, rồi rải đều lên trên một ít men vi sinh Ticophecma rồi đậy nắp kín. Một bịt men vi sinh chị có thể sử dụng ủ rác hữu cơ được hơn 3 tháng. Chu kỳ trung bình cứ sau 1 tuần khạp vỏ rau củ đầy lên, cũng là lúc vỏ rau củ bên dưới phân hủy cho ra nước phân bón hữu cơ. Chị pha loại nước đậm đặc này ra bình làm loãng ra rồi tưới cây. Sau khi vỏ rau củ đã hoai mục hết, chị chỉ cần xúc hết lớp phân đã ủ mục này ra đắp vào các gốc cây thì cho kết quả cây trồng tươi tốt, từ khi áp dụng mô hình xử lý phân hủy rác hữu cơ thành phân bón cho cây trồng, chị không còn tốn tiền mua phân bón hóa học như trước mà vườn cây trái nhà chị vô cùng tươi tốt, ai đến tham quan cũng trầm trồ khen ngợi. Ngoài ra, chị Lê Thị Thu Thủy với vai trò là chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp còn là đứng ra tập hợp chị em hội viên trong xóm ấp trồng, chăm sóc hoa trên tuyến đường nông thôn ấp Thạnh Phong với chiều dài hơn 1km rực rỡ màu sắc các loại hoa như hoa cúc, mười giờ, dừa cạn,...xây dựng và duy trì được tuyến đường hoa điểm nhấn tô điểm cho bộ mặt cảnh quan môi trường địa phương.
 

Hội viên Hội LHPN xã Yên Luông - Lê Thị Thu Thủy tích cực đi đầu trong phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường.


Trong thời gian tới đây, Hội LHPN xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng và hướng dẫn cho thêm toàn bộ hội viên phụ nữ của xã cùng đồng lòng tham gia mô hình này để tận dụng nguồn rác thải hữu cơ làm thành phân bón cho cây trồng, kết hợp phân loại rác thải giảm đáng kể lượng rác thải ra bên ngoài nhằm góp phần thực hiện tốt Kế hoạch 102/KH-UBND-MTTQ về phân loại rác thải tại nguồn của huyện đã đề ra.

Tác giả bài viết: Kim Lan - Quốc Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây