Trong đợt đánh giá sản phẩm OCOP lần 2 năm 2023 này, huyện Gò Công Tây có 05 sản phẩm của 03 chủ thể đăng ký đánh giá gồm: Sản phẩm Tổ Yến chưng đường Phèn và sản phẩm Yến Sào của Công Ty TNHH TMDVXD Phước Hùng- ấp Thạnh Thới, xã Đồng Sơn, sản phẩm Chả lụa của Hộ Kinh doanh Thịnh Phát địa chỉ ấp Long Thới, xã Long Bình, sản phẩm Mứt Mãng Cầu và sản phẩm Trà Gạo Lứt túi lọc của Công ty TNHH MTV Tiến Hảo, Thị trấn Vĩnh Bình huyện Gò Công Tây.
Qua kết quả đánh giá sản phẩm và phân hạng sản phẩm OCOP của các thành viên Hội đồng, các sản phẩm có hồ sơ đầy đủ, đáp ứng các yêu cầu theo Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Thống nhất 05 sản phẩm đều có số điểm đạt từ 55 đến 60 điểm, sản phẩm OCOP hạng 03 sao.
Đánh giá cao sự nỗ lực, tâm huyết của các chủ thể sản xuất đối với sản phẩm của mình. Đây là các sản phẩm mang tính chất đặc trưng của địa phương sẽ phát triển trong thời gian tới. Các chủ thể tiếp tục hoàn thiện nâng cấp chất lượng sản phẩm, từ 03 sao lên 4 sao, 5 sao và tiếp tục nghiên cứu ra nhiều sản phẩm hơn để phục vụ nhu cầu thị trường.
Sau thời gian triển khai thực hiện, chương trình OCOP huyện Gò Công Tây đã mang lại nhiều kết quả tích cực, trở thành một phong trào sản xuất có sự lan tỏa mạnh trong khu vực nông thôn, tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp, tác động đến sự phát triển kinh tế- xã hội khu vực nông thôn. Đến nay, toàn huyện Gò Công Tây đã có 45 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP trong đó có 22 sản phẩm OCOP 4 sao, 23 sản phẩm OCOP 3 sao,
Mục tiêu của chương trình OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp ngành nghề dịch vụ và du lịch nông thôn, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững. Đây cũng là cơ sở quan trọng thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn, là nền tảng vững chắc xây dựng nông thôn mới bền vững. Chương trình OCOP được triển khai trên địa bàn huyện đã giúp tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt mẫu mã đẹp, sản xuất theo quy trình có kiểm soát chất lượng minh bạch, sản phẩm OCOP đã góp phần khai thác được nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân hình thành các chuỗi liên kết hiệu quả thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Tác giả bài viết: Kim Lan