Huyện Gò Công Tây: Đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống bệnh dại trong điều kiện thời tiết nắng nóng

Thứ ba - 02/04/2024 18:57
Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Bệnh thường lưu hành ở các nước thuộc khu vực châu Á và châu Phi. Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương với nguồn truyền bệnh chính là chó. Bệnh thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm.
Huyện Gò Công Tây: Đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống bệnh dại trong điều kiện thời tiết nắng nóng

Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, từ năm 2022 đến nay, bệnh dại có xu hướng gia tăng. Trong đó, nhiều tỉnh, thành phố có bệnh dại lưu hành trong nhiều năm và ghi nhận số ca tử vong cao. Từ ngày 01/01/2024 đến nay đã xảy ra trên 22 trường hợp tử vong do bệnh dại hoặc nghi bệnh dại tại 13 tỉnh/ thành phố trên cả nước, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023 (10 trường hợp).

Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Gò Công Tây, trong 03 tháng đầu năm 2024, có trên 418 lượt người tiêm ngừa vắc xin phòng dại. Đa số những trường hợp đến tiêm ngừa đều do bị chó cắn. Trong tuần từ ngày 1-4 đến ngày 5-4-2024, Chi cục Thú y Tiền Giang phối hợp Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Gò Công Tây đẩy mạnh truyền thông bằng xe lưu động trên các tuyến đường giao thông nông thôn, trụ sở UBND các xã, thị trấn, Nhà Văn hóa xã để người dân được nghe truyền thông, nhắc nhở về nguy cơ của bệnh dại để tích cực phòng chống, tiêm phòng chó mèo…

Bệnh dại không lây từ người này sang người khác mà thường lây lan qua vết cắn từ động vật bị nhiễm bệnh, có thể lây lan nếu nước bọt của động vật mắc dại tiếp xúc trực tiếp với mắt, mũi, miệng hoặc vết thương hở của người (như vết trầy xước). 96% các trường hợp gây bệnh dại ở người tại Việt Nam là do chó mèo cắn, ngoài ra có một số báo cáo về bệnh dại ở người là do vết cắn, cào của mèo, chuột, cầy, chó rừng, cáo, chó sói và các loại động vật ăn thịt khác.

Thời gian ủ bệnh từ 2 tuần đến 1 hoặc 2 năm (trung bình khoảng 2 tháng). Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng vi rút xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách xa gần từ vết thương đến não bộ. Vết thương nặng, càng gần các đầu mút thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Ngược lại, nếu vết thương nhẹ, xa thần kinh trung ương, "đoạn đường" di chuyển của vi rút lên đến não và thời gian ủ bệnh sẽ dài hơn. Khi vi rút xâm nhập sâu vào não bộ (thể viêm màng não), người bệnh bắt đầu có biểu hiện mất ngủ, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ gió, vã mồ hôi, mắt long sòng sọc, tăng tiết nước bọt, hạ huyết áp. Bệnh tiến triển tăng đến mức người bệnh không thể uống nước, không nuốt được, ăn uống trở nên cực kỳ khó khăn. Ở thể này, người bệnh sẽ chết chỉ sau 1 tuần kể từ ngày phát bệnh. Thể bại liệt ít gặp hơn, thể này khiến người bệnh tê liệt toàn bộ cơ thể, rối loạn tiểu tiện, đại tiện, liệt tay, chân. Người bệnh sẽ tử vong ngay nếu liệt lan đến cơ hô hấp.

Điều rất đáng lo ngại là đến nay, vẫn không có phương pháp điều trị đặc hiệu nào khi đã phát bệnh. Vì thế, bệnh gây tử vong 100% ở người mắc bệnh dại.

Bệnh dại rất nguy hiểm nhưng vẫn có biện pháp phòng tránh. Nếu bị chó, mèo… cắn phải lập tức xối rửa kỹ tất cả các vết cắn, cào với xà phòng dưới vòi nước chảy trong 15 phút sau đó sát khuẩn bằng cồn 45-70 độ hoặc cồn Iod để làm giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn. Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn. Sau đó cần đến ngay cơ sở y tế để được cán bộ y tế tư vấn và tiêm vắc xin ngừa dại. Tuyệt đối không chữa bằng thuốc nam hay các biện pháp lan truyền trong dân gian như: bôi dầu gió, dầu hỏa, dầu xanh, đắp ớt hiểm, đất sét, tỏi, củ kiệu, lấy nọc bằng dao liếc. Những biện pháp này không những không mang lại hiệu quả mà còn làm tăng khả năng nhiễm trùng vết thương.

Hiện nay, đa số người dân đều hiểu biết về các biện pháp phòng chống bệnh dại trên người và động vật, tuy nhiên có một số người chủ quan với bệnh này. Bởi vậy khi bị động vật nghi dại cắn vẫn không đi tiêm vắc xin phòng dại. Theo điều tra, trong số các trường hợp tử vong do bệnh dại thì có hơn 50% là do người dân chủ quan, biết bị chó cắn cần phải đi tiêm phòng nhưng vẫn không đi tiêm với suy nghĩ “chắc con chó đó không bị bệnh”, hoặc nghĩ chó, mèo còn nhỏ cắn chắc không bị nhiễm. Một số người dân vì lợi nhuận, sau khi chó bị chết thì đem bán, hoặc chế biến thành món ăn, đặc biệt là những người trực tiếp giết mổ con vật. Ở nước ta việc nuôi chó mèo khá phổ biến, với các mục đích khác nhau như làm thú cảnh, thực phẩm và đặc biệt là trông giữ nhà.Vì vậy mà người dân có thói quen thả rông chó, nhất là vùng nông thôn. Khi dịch bệnh dại xảy ra, việc thả rông chó ra là điều không nên, vì đặc điểm của chó dại là hay đi lang thang và cắn vào các con chó khác, thậm chí cắn vào người đi đường. Khi con vật đã được xác định mắc bệnh dại phải tiêu hủy ngay để ngăn chặn sự lây truyền bệnh sang súc vật khác và lây truyền sang người. Cách ly, theo dõi những con vật nghi mắc bệnh dại. Vệ sinh, khử trùng tiêu độc toàn bộ chuồng, cũi, dụng cụ chăn nuôi… đã tiếp xúc với con vật mắc bệnh.

Tóm lại, Bệnh dại là một bệnh rất nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vắc xin đủ liều, đúng lịch. Trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng trên đàn chó, mèo… nuôi chưa đạt chuẩn như hiện nay, thì việc tiêm phòng bệnh dại là việc làm cần thiết duy nhất để đảm bảo sức khỏe và tính mạng cho con người.

Tác giả bài viết: Kim Lan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây