Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, Trưởng Thú y xã Long Vĩnh, ngày 14/01/2024 về trường hợp hộ chăn nuôi có heo bị bệnh chết. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Ủy ban nhân dân xã Long Vĩnh xác minh dịch bệnh, Cụ thể như sau:
Hộ ông Võ Văn Thạnh, ấp Thới An A, xã Long Vĩnh, huyện Gò Công Tây. Tổng đàn heo 24 con, từ 45 đến 60 ngày tuổi, ngày 14/01/2024 chết 02 con, được hướng dẫn tiêu hủy.
Qua xác minh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện bước đầu chẩn đoán heo có dấu hiệu bệnh tả lợn Châu Phi, tiến hành lấy mẫu huyết thanh gửi Chi cục Thú y tỉnh test nhanh để xác định bệnh. Kết quả đàn heo bị bệnh tả lợn Châu Phi, ngày 15/01/2024 Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Gò Công Tây, Ủy ban nhân dân xã Long Vĩnh cùng gia đình ông Võ Văn Thạnh tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn heo và tổ chức phun thuốc tiêu độc khử trùng khu vực ổ dịch bệnh.
Hiện nay xã Long Vĩnh tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức thống kê, đồng thời nhận thuốc tổ chức phun tiêu độc khử trùng toàn bộ các hộ chăn nuôi heo trên địa bàn xã.
Bệnh dịch tả lợn Châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Bệnh lây lan nhanh và xảy ra ở mọi loài lợn ( cả lợn nhà và lợn hoang dã), bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi. Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao có thể đến 100%. Lợn bị nhiễm Dịch tả lợn Châu Phi có nhiều triệu chứng tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Lợn bệnh biểu hiện các triệu chứng không khác biệt so với triệu chứng của bệnh Dịch tả lợn cổ điển ( đã và đang có tại Việt Nam). Do đó việc chẩn đoán Dịch tả lợn Châu Phi khó có thể xác định và phân biệt được bằng các triệu chứng lâm sàng, cần lấy mẫu gửi phòng thí nghiệm xét nghiệm phát hiện vi rút Dịch tả lợn Châu Phi.
Biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi: hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh hiệu quả và thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy đối với người chăn nuôi giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, đồng bộ, là giải pháp hữu hiệu duy nhất hiện nay đối với phòng, chống Dịch tả lợn Châu Phi. Định kỳ tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất; hàng ngày thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn, vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đối với người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh phòng dịch. Tiêu diệt ve, ruồi, muỗi và các côn trùng khác. Tiêm phòng đầy đủ vắc xin bệnh cho lợn như: Vắc xin dịch tả lợn, tụ huyết trùng, tay xanh, lở mồm long móng, cho từng loại lợn và từng lứa tuổi phù hợp. Nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc, lợn bị bệnh. Tổ chức thông tin, tuyên truyền phổ biến rộng rãi đến tất cả thú y cơ sở, người chăn nuôi và toàn dân về bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, để tuyên truyền đưa tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống bệnh. Tăng cường theo dõi giám sát lâm sàng đối với các đàn lợn, kịp thời phát hiện, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm đối với lợn bị bệnh, nghi bị bệnh. Đàn lợn khi phát hiện nghi nhiễm, mắc bệnh Dịch tả lợn châu phi cần lấy mẫu xét nghiệm xác định nguyên nhân bệnh, nếu xác định dương tính, không thực hiện điều trị, lợn nghi mắc bệnh, cần báo ngay cho chính quyền địa phương và thú y cơ sở để tiêu hủy sớm toàn bộ đàn lợn, thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học.
Tác giả bài viết: Thanh Xuân