Với mong muốn chỉ sau thời gian làm việc tại nước ngoài, với thu nhập cao hơn so với lao động trong nước, người lao động có thể trả được chi phí đi xuất khẩu lao động và tích lũy được số tiền khá cho sự nghiệp của mình và gia đình khi hết hạn hợp đồng lao động trở về nước. Đây là điều hoàn toàn khả thi trong bối cảnh toàn cầu hóa và thị trường lao động ngày càng mở rộng như hiện nay.
Theo ghi nhận chung, thị trường lao động nước ngoài mở rộng nhu cầu ngành nghề như: Hàn Quốc có nhu cầu tuyển dụng các ngành sản xuất chế tạo: lắp ráp, đo lường; xây dựng: cốt thép, mộc; Nông nghiệp: trồng trọt, chăn nuôi; và ngư nghiệp; nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Trong khi đó, Nhật Bản vẫn tập trung vào ngành chăm sóc sức khỏe, sản xuất chế tạo, sản xuất công nghiệp và ngành xây dựng, nông - lâm - ngư nghiệp. Ngoài ra, Nhật Bản còn đưa ra chính sách lao động đặc định tức là người lao động phải có trình độ chuyên môn, được cấp chứng chỉ, nội dung đào tạo phù hợp với quy chuẩn nước họ như người lao động phải có chứng chỉ tiếng Nhật N4 hoặc N3 đối với một số ngành nghề quy định trước khi sang nước Nhật làm việc. Còn các nước khu vực Trung Đông có nhu cầu lao động ngành xây dựng, dầu khí, cơ khí, đóng tàu, sản xuất chế tạo...
Hiện nay, thị trường lao động Châu Âu ổn định dần cũng đã tăng tuyển lao động Việt Nam. Tuy nhiên, các nước Châu Âu có yêu cầu bắt buộc lao động đã có tay nghề, trình độ nhất định. Về lâu dài, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không chỉ để kiếm thêm thu nhập mà còn học hỏi kiến thức, kỹ năng và rèn luyện tay nghề, ngoại ngữ. Cần chú ý thông tin và lựa chọn các ngành nghề nước ngoài đang thiếu như cơ khí, tự động hóa, công nghệ thông tin. Một số thị trường có nhu cầu cao trong lĩnh vực dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, chăm sóc sức khỏe. Nhưng yêu cầu tiên quyết vẫn là ngoại ngữ. Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, khuyến khích đưa lao động có trình độ, tay nghề đi sang các nước không chỉ giải quyết việc làm, thu nhập mà còn nâng cao trình độ kỹ năng, kiến thức kỹ thuật tiên tiến, thiết bị máy móc. Vì vậy, các bạn trẻ cần chú ý những ngành nghề nước ngoài đang tuyển dụng, chẳng hạn trong lĩnh vực cơ khí, tự động hóa, công nghệ thông tin...
Trước mắt, người lao động muốn đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao thì phải đầu tư tài chính, thời gian học tập, tìm hiểu pháp luật, văn hóa của quốc gia chuẩn bị đến làm việc để nâng cao kiến thức về chuyên môn về văn hóa, pháp luật đặc biệt là ngoại ngữ. Hiện mức thu nhập cho người lao động có trình độ chuyên môn khá cao. Không chỉ được trả mức thu nhập tốt, người lao động còn học tập chuyên môn, kiến thức, khả năng ngoại ngữ. Đây cũng là yếu tố giúp người lao động có lợi thế và vị trí vững vàng hơn trong công việc sau khi hết hạn hợp đồng trở về nước. Thế mạnh của lao động Việt Nam là rất cần cù, chịu khó, thông minh, nhanh nhẹn nhưng việc xuất khẩu chủ yếu là lao động phổ thông, làm công việc đơn giản. Vấn đề quan trọng vẫn là nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn, kỹ thuật và ngoại ngữ.
Thực tế, việc xuất khẩu lao động ở nước ngoài sẽ phát sinh những khoản chi phí như vé máy bay, visa, khám sức khỏe, bảo hiểm... Nếu thông qua công ty môi giới, trung gian sẽ phát sinh chi phí cao hơn nên người lao động cần tìm hiểu các thông tin chính thống về xuất khẩu lao động, tránh tình trạng bị lừa đảo; tìm hiểu thông tin tuyển dụng lao động trên các trang web doanh nghiệp với đuôi ".vn"; nộp chi phí trực tiếp qua doanh nghiệp, không nộp qua trung gian hay các chi nhánh để tránh mất tiền oan; khi nộp tiền người lao động cần lấy phiếu thu có đủ dấu, tên doanh nghiệp. Các trường hợp làm không đúng quy định, người lao động có thể khiếu nại tố cáo đến số điện thoại của Cục Quản lý lao động ngoài nước 024.3824.9517, website: dolab.gov.vn. hoặc cơ quan chức năng gần nhất.
Trong thời gian tới, huyện Gò Công Tây tiếp tục mở các phiên giao dịch việc làm là cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn huyện, chú trọng lao động ở các hộ thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn, hộ mới thoát nghèo tạo điều kiện, tư vấn, giới thiệu người lao động có nhu cầu xuất khẩu lao động đến Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Tiền Giang trực thuộc Sở Lao động - Thương binh xã hội tỉnh Tiền Giang để được hướng dẫn, tư vấn hồ sơ thủ tục, để tạo điều kiện cho người lao động sang làm việc tại nước ngoài với những công ty, địa điểm làm việc tin cậy, chi phí thấp nhất, phù hợp chuyên môn, nhu cầu của các công ty tuyển dụng. Tiếp tục hướng dẫn người lao động đến Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Gò Công Tây để được hướng dẫn hỗ trợ vay vốn 100% chi phí theo hợp đồng lao động khi có nhu cầu vay vốn cho xuất khẩu lao động.
Do đó, người lao động trên địa bàn huyện có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài nên liên hệ trực tiếp với UBND huyện thông qua Phòng Lao động - Thương binh xã hội huyện Gò Công Tây hoặc liên hệ Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Tiền Giang để được tư vấn, giới thiệu tìm công ty tuyển dụng tin cậy, phù hợp; tuyệt đối không thông qua trung gian để tránh bị lừa đảo bởi các công ty môi giới trên thị trường gây ảnh hưởng về tài chính, sức khỏe và tính mạng cho bản thân và gia đình.
Tác giả bài viết: Kim Lan