Banner 30-4-2024

Xã Vĩnh Hựu chú trọng tiêu chí nâng cao thu nhập trong chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao

Thứ sáu - 20/10/2023 10:19

Theo Ban Chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới nâng cao của xã Vĩnh Hựu huyện Gò Công Tây, thu nhập bình quân đầu người của xã hiện nay đã đạt trên 68,61 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 20 triệu đồng so với năm 2020. Đối với xã Vĩnh Hựu huyện Gò Công Tây cái khó để thực hiện tiêu chí thu nhập chính là cơ cấu kinh tế của địa phương chủ yếu là thuần nông. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp của xã còn nhỏ lẻ, chưa được đầu tư phát triển đồng bộ. Các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ chậm phát triển, công tác đào tạo nghề cho lực lượng lao động nông thôn tuy đã triển khai thực hiện nhiều chương trình nhưng vẫn còn hạn chế về số lượng người học.
Nghề bó chổi tại xã Vĩnh Hựu.

Nghề bó chổi tại xã Vĩnh Hựu.

Để tăng mức thu nhập, địa phương đã tập trung vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi ổn định được người dân chú trọng duy trì như: mô hình nuôi dê sinh sản, nuôi bò sữa, trồng bông lài, trồng bắp, ớt, lúa chất lượng cao…

Xã Vĩnh Hựu tiếp tục duy trì và phát triển mô hình sản xuất lúa theo chuỗi cơ giới hóa các khâu, sử dụng giống lúa chất lượng cao. Trên cơ sở tiếp cận với tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào sản xuất, người nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ chuyên canh cây lúa sang xen canh cây màu, chủ yếu là trồng ớt, khổ qua, bầu, bí, bắp ngọt… đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, tăng hơn từ 1,5-2 lần so với trồng lúa, góp phần làm tăng thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, xã còn triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ người dân thực hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, giới thiệu việc làm cho lao động nhàn rỗi, hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế.

Chính nhờ những động thái tích cực này mà đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng cao hơn trước, tổng số hộ nghèo của xã năm 2023 là 35 hộ/ 3.464 hộ (trong đó có 11 hộ không có khả năng lao động) chiếm tỷ lệ 0,70%, tổng số hộ cận nghèo của xã là 26 hộ/ 3.464 hộ. Tỷ lệ người lao động có việc làm chiếm tỷ lệ hơn 90% . Nhìn chung với nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ, xã Vĩnh Hựu đã chú trọng phát triển các mô hình liên kết sản xuất- tiêu thụ nông sản dừa xiêm, lúa chất lượng cao, các mô hình kinh tế vườn cũng cho thu nhập ổn định góp phần duy trì và giữ vững, nâng cao tiêu chí thu nhập bình quân đầu người phấn đấu xã hoàn thiện các tiêu chí về đích xã Nông thôn mới nâng cao trong năm 2023. Được biết, hiện nay xã Vĩnh Hựu huyện Gò Công Tây đã phấn đấu đạt được 17/19 tiêu chí Nông thôn mới nâng cao, tương ứng đạt 72/75 chỉ tiêu, hiện còn 02 tiêu chí xã đang phấn đấu khẩn trương củng cố hồ sơ, thực hiện hoàn thành gồm tiêu chí số 1 về Quy hoạch và Tiêu chí số 5 về giáo dục về đích Nông thôn mới nâng cao theo đúng lộ trình và kế hoạch của huyện đề ra trong năm 2023.

Hiện nay, trên địa bàn xã Vĩnh Hựu đã duy trì bảo tồn, gìn giữ và phát huy làng nghề bó chổi truyền thống hơn 50 năm. Việc duy trì, phát triển được làng nghề truyền thống bó chổi vừa tạo công ăn việc làm cho các lao động tại địa phương, tăng thu nhập đầu người, vừa góp phần giữ gìn bảo tồn nét văn hóa truyền thống của nghề thủ công từ lâu đời của ông cha truyền lại. Theo những người cao tuổi tại xã kể lại nghề bó chổi que dừa có từ thời trước giải phóng 1975, xuất hiện nhiều nhất tại ấp Phú Quý xã Vĩnh Hựu, nhà nào cũng có người biết bó chổi que dừa, chủ yếu để tiện lợi dùng trong sinh hoạt hàng ngày, sau là trao đổi, buôn bán với người trong và ngoài xã tại các phiên chợ để có thêm thu nhập cho gia đình. Theo tóm tắt lịch sử chung về làng nghề Bó chổi xã Vĩnh Hựu vào khoảng thời gian năm 1980, người dân xã Vĩnh Hựu bắt đầu tận dụng que dừa để bó chổi với số lượng ngày càng lớn, ban đầu từ một, hai trăm cây, chủ yếu phát triển để trao đổi mua bán trong nội bộ xóm ấp, dần dần phát triển lan rộng ra các xã trong huyện, trong tỉnh, khu vực cả nước. Đến năm 2003, xã Vĩnh Hựu huyện Gò Công Tây vinh dự được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận Làng nghề bó chổi Vĩnh Hựu theo Quyết định số 5153/QĐ-UB ngày 16/12/2003 về việc công nhận làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống. Đây là làng nghề truyền thống có từ lâu đời với nghề kết chổi bằng que dừa, theo kiểu cha truyền con nối, là nghề làm hoàn toàn bằng thủ công, dễ làm không đòi hỏi kỷ thuật cao, có thể làm tại nhà, nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương…nên đã giải quyết được phần lớn lao động nhàn rỗi, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân tại xã. Trải qua thời gian, làng nghề bó chổi Vĩnh Hựu hiện nay nằm tập trung ở 2 ấp Phú Quí và Bình An, phía Tây giáp đường huyện 15A và sông Vàm Giồng, phía bắc giáp thị trấn Vĩnh Bình, phía đông và nam giáp phần còn lại của 2 ấp Phú Quí và Bình An. Đây là khu dân cư tập trung cách trung tâm thị trấn Vĩnh Bình 3 km và trung tâm hành chính xã 3,5 km. Làng nghề có trên 45 lao động tham gia, sản xuất từ 5 – 7 loại chổi với mẫu mã đẹp, độ bền cao, ngoài ra có thể làm các loại chổi khác tùy theo đơn đặt hàng của khách hàng sử dụng. Hiện làng nghề thành lập được 01 Tổ hợp tác đặt tại nhà cô Nguyễn Thị Mai với 06 thành viên tham gia, liên kết những cơ sở tham gia kết chổi với quy mô từ 100 – 150 cây, tiền công 1 cây dao động từ 4.000- 5.000 đồng. Lợi nhuận mang về cho làng nghề 108.000.000đ/tháng (trung bình trên 1.500/cây) thực tế lợi nhuận này có thể cao hơn. Ngoài ra, đối với những hộ bó xuyên suốt thì thu nhập hàng tháng từ 2.000.000 – 2.500.000 đ/tháng, đối với các trường hợp khác thu nhập của người lao động từ 1.300.000 – 1.600.000 đ/tháng. Thu nhập từ hoạt động kết chổi đóng góp khoảng 50% thu nhập cho hộ gia đình, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân trong làng nghề. Chị Trần Thị Thúy Liễu- người dân ấp Phú Quý xã Vĩnh Hựu cho biết: chị lấy chồng về sinh sống tại ấp Phú Quý, được mẹ chồng chỉ dẫn cho nghề bó chổi que dừa, nghề bó chổi không khó, chỉ cần kiên trì chịu khó thì sẽ bó được nhiều và bền chắc, đẹp. Hàng ngày chị đến Tổ hợp tác của cô Mai làm việc bó chổi, đến trưa tranh thủ về nhà lo cơm nước, chăm sóc con cái, thu nhập tuy không nhiều như đi làm Công ty, nhưng tiện lợi là được gần nhà. Có thu nhập đều đặn trung bình 1 ngày được khoảng 150 ngàn đồng.

Trên địa bàn xã Vĩnh Hựu hiện có khoảng 625 ha dừa, cùng với các xã giáp ranh như Tân Thới, Thạnh Nhựt, Bình Ninh…nên nguồn nguyên liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất của làng nghề rất phong phú. Trung bình mỗi tháng làng nghề sử dụng khoảng 05 tấn nguyên liệu que dừa do thương lái thu mua khắp nơi với giá trung bình 1 kg que dừa loại que khô là 6.000- 7.000 đồng/ 1 kg, que dừa tươi có giá cao hơn từ 12.000-13.000 đồng / 1 kg. Theo thống kê chung, trung bình hàng tháng Làng nghề bó chổi truyền thống xã Vĩnh Hựu cung cấp cho thị trường 72.000 cây, nếu tính cả sản lượng ngoài làng nghề thì khả năng cung cấp cho thị trường khoảng 74.000 cây/tháng. Thị trường tiêu thụ chủ yếu của chổi que dừa của xã Vĩnh Hựu tại Thành phố HCM, Đồng Nai, Bình Dương.... Hiện nay có 7 điểm thu mua tập trung do người dân trong làng nghề tự tổ chức thu mua. Theo ông Trần Đăng Khoa- Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hựu cho biết: Để làng nghề phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng, góp phần nâng cao thu nhập cho lao động trong làng nghề thì việc thành lập tổ hợp tác hoặc khuyến khích người dân thành lập doanh nghiệp để làm đầu mối thu mua sản phẩm của làng nghề là nhu cầu rất cần thiết. Thông qua các đơn vị này sẽ giảm được việc sản phẩm của làng nghề phải bán qua nhiều thương lái trung gian, có tư cách pháp nhân trong việc mua, bán sản phẩm…từ đó sẽ nâng cao được giá thành của sản phẩm. Hiện tại, Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Hựu đã xây dựng Phương án bảo vệ môi trường làng nghề bó chổi Vĩnh Hựu được Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt tại Quyết định số 813/QĐ-UBND ngày 22/7/2021 của Ủy ban nhân dân huyện Gò Công Tây. Về xử lý chất thải rắn sinh hoạt xã vận động từng hộ gia đình trong làng nghề sẽ thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt, trang bị thùng chứa rác có nắp đậy kín và lưu trữ cẩn thận tại nhà; ký hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý theo quy định. Chất thải rắn sản xuất chủ yếu là que dừa được thu gom và tái sử dụng làm chất đốt đun nấu thức ăn nên không có ảnh hưởng đến môi trường. Với các loại chất thải nguy hại: phát sinh rất ít được thu gom, phân loại, lưu trữ hợp lý tại từng hộ gia đình và được đem đi xử lý theo quy định. Ngoài ra, UBND xã Vĩnh Hựu cũng đã xây dựng Dự án số 01/DA-UBND ngày 15/01/2016 về việc hỗ trợ đầu tư thiết bị sản xuất trong làng nghề. Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh có công văn số 626/ SNN&PTNT-CCPTNT ngày 11/4/2016 về việc thống nhất với dự án của xã. Được biết, tổng kinh phí Dự án gần 175 triệu đồng, hiện đã có 4 hộ đăng ký thực hiện dự án, với 8 máy gồm 4 máy cắt cáng và 4 máy tề que. Hiện UBND xã đã bàn giao cho 4 hộ sử dụng, mỗi hộ 1 máy cắt cáng và 1 máy cắt que máy đang hoạt động tốt. Làm việc với Ngân hàng CSXH huyện đăng ký cho vay vốn có 22 hộ, nhu cầu vay là 410 triệu đồng, hiện đã giải ngân cho các hộ trong làng nghề có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất.

Nhìn chung, Đảng ủy, UBND và các ngành đoàn thể xã Vĩnh Hựu luôn quan tâm tạo điều kiện cho làng nghề bó chổi xã Vĩnh Hựu phát triển ổn định bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân trên địa bàn. Ghi nhận chung về cơ sở vật chất và hạ tầng phục vụ cho làng nghề được đầu tư đảm bảo. Lao động địa phương có tay nghề cao, có khả năng cung cấp sản phẩm theo nhu cầu của thị trường. Nguồn nguyên liệu que dừa luôn dồi dào, sẵn có tại địa phương, lao động giản đơn không đòi hỏi kỹ thuật cao, giải quyết được lượng lao động nhàn rỗi tại chỗ ở mọi lứa tuổi. Đây là loại chổi chuyên dùng trong lĩnh vực vệ sinh công cộng, sân vườn và khuôn viên nên ít có sản phẩm cùng loại thay thế, thị trường tiêu thụ rộng lớn và đầy tiềm năng. Chính vì vậy sản phẩm chổi que dừa làm ra của xã đều được tiêu thụ hết 100% tạo thuận lợi cho làng nghề duy trì hoạt động ổn định. Tuy nhiên, theo ghi nhận chung, làng nghề vẫn còn một số khó khăn như: Người dân sản xuất, hoạt động kinh doanh còn mang tính nhỏ lẻ. Thiếu một tổ chức làm đầu mối thu mua, chủ động lựa chọn thị trường tiêu thụ, tập hợp sức mạnh tạo ra sản phẩm cạnh tranh trên thị trường nhằm ổn định giá cả sản phẩm. Vốn đầu tư của các cơ sở sản xuất, Tổ hợp tác còn hạn chế nên không thể dự trữ nguyên liệu để sản xuất lâu dài. Và vấn đề quan trọng là tuy sản phẩm làm ra dễ dàng xuất bán nhưng về giá cả đầu ra của sản phẩm còn thấp, trung bình chỉ khoảng từ 12.000-15.000 đồng/ 1 cây, chưa mang lại thu nhập cao cho người lao động. Chính vì vậy, lao động trong làng nghề có xu hướng giảm qua các năm do người dân chuyển qua nghề khác có thu nhập cao hơn. Đây là những khó khăn chung của làng nghề bó chổi que dừa xã Vĩnh Hựu cần được ngành chức năng quan tâm, xem xét, hỗ trợ tìm ra thêm các giải pháp để làng nghề phát triển ổn định hơn trong tương lai.

Tác giả bài viết: Kim Lan


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn