Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Bình Quý hiện nay có 106 thành viên với gần 20 ha trồng cây dược liệu. Hiện tại, Hợp tác xã đang thực hiện theo quy trình sản xuất an toàn, cung cấp giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật và liên kết với Công ty Thiên Ân tiến hành bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho thành viên sản xuất các mặt hàng dược liệu như: Canh rau dược liệu, cháo dược liệu, rượu dược liệu, nước uống đóng chai dược liệu... đảm bảo đúng quy trình theo tiêu chuẩn an toàn, được các siêu thị và thị trường miền Trung và miền Bắc ưa chuộng. Theo định hướng phát triển của huyện, các HTX nông nghiệp phải củng cố hoạt động, ngày càng phát huy hiệu quả tích cực, trở thành cầu nối liên kết nông dân với Doanh nghiệp, kết nối nông dân với nông dân, là động lực quan trọng để thúc đẩy và phát triển kinh tế nông nghiệp, hướng tới một nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững. Theo đánh giá chung của ngành Nông nghiệp huyện thì một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy kinh tế Hợp tác xã phát triển bền vững đó là vận động người dân nhận thức được vai trò trong việc liên kết, hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Qua đó từng bước thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất từ sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống sang phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; làm thay đổi cách nghĩ, cách làm từ cá thể sang tập thể, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Đồng thời, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, giảm giá thành giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm gắn với chuỗi giá trị và phát triển bền vững.
Trong thời gian tới đây, ngành Nông nghiệp huyện Gò Công Tây tiếp tục đề xuất giải pháp quan trọng là tiếp tục thu hút các Hợp tác xã cùng tham gia liên kết với Doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ nông sản; thúc đẩy thực hiện các chính sách hỗ trợ các HTX nông nghiệp đang đóng trên địa bàn về đất đai, tín dụng. Các cơ sở cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho HTX; khuyến khích các HTX đầu tư xây dựng các dự án liên kết theo mô hình chuỗi giá trị; tăng cường tổ chức các hội thảo, hội chợ xúc tiến thương mại nhằm tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp triển lãm, quảng bá, giới thiệu sản phẩm... để thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Ngoài ra, cần hỗ trợ tư vấn liên kết, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trong sản xuất hàng nông sản; hỗ trợ về hạ tầng, hỗ trợ cán bộ trẻ, đào tạo, bồi dưỡng cho các HTX; hỗ trợ về giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm; truy xuất nguồn gốc, chuyển giao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất... Bên cạnh đó là tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm cho các sản phẩm có tham gia liên kết như: Trưng bày, quảng bá sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm OCOP; hỗ trợ tham gia hoạt động số hóa, chống hàng giả và quảng bá sản phẩm OCOP trên hệ thống Blockchain để gia tăng giá trị, mở rộng tính kết nối, quảng bá rộng rãi sản phẩm ra thị trường bên ngoài không chỉ trong nước mà còn mở rộng xuất khẩu ra khu vực và thế giới.
Tác giả bài viết: Kim Lan