Trong suốt thời gian qua, chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã và đang được huyện Gò Công Tây và xã Long Vĩnh nói riêng thực hiện có hiệu quả, mang lại những kết quả thiết thực. Lợi ích từ xây dựng nông thôn mới làm thay da đổi thịt diện mạo nông thôn của xã Long Vĩnh. Đường xá được nâng cấp, mở rộng, nhiều tuyến đường mới được thi công; đường điện lưới quốc gia, mạng viễn thông được phủ khắp; cơ sở vật chất, trường học, trạm xá, các thiết chế văn hóa được xây dựng khang trang; chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi được áp dụng hiệu quả, nhiều mô hình mang lại nguồn thu nhập ổn định, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao... Từ những hiệu ứng tích cực của nông thôn mới mang lại, xã Long Vĩnh dần xuất hiện những mô hình nổi bật, rất có tiềm năng mở rộng, phát triển và nâng lên tầm cao mới, đặc biệt là khai thác về du lịch.
Phát huy giá trị văn hóa - lịch sử
Xã Long Vĩnh hiện nay có 2 điểm đến nổi bật về văn hóa - lịch sử, đây là những địa chỉ quen thuộc tổ chức về nguồn của đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên khi đến với xã Long Vĩnh.
Đài Chiến sĩ
Đài Chiến sĩ tọa lạc tại ấp Thới An A, xã Long Vĩnh, được xây dựng vào năm 1962 khi phong trào Đồng Khởi đang dâng cao tại địa phương, lúc bấy giờ là xã Vĩnh Viễn. Đây là nơi mà lực lượng của ta tổ chức mít tinh, văn nghệ, tổ chức lễ tuyên thệ trước giờ xuất quân, là nơi xử án những tên ác ôn đàn áp cách mạng.
Tổ chức về nguồn tại Đài Chiến sĩ xã Long Vĩnh
Trong suốt 02 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã có hàng trăm người con của xã Long Vĩnh anh dũng ngã xuống. Đài Chiến sĩ xã Long Vĩnh là một minh chứng cho cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của vùng đất Gò Công nói chung và của xã Long Vĩnh nói riêng.
Đài Chiến sĩ xã Long Vĩnh đã được UBND tỉnh Tiền Giang quyết định công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh vào ngày 15/02/2000. Đến năm 2015 được tu sửa khang trang sạch đẹp.
Nhà thờ nữ anh hùng Nguyễn Thị Bảy
Nhà thờ tọa lạc tại ấp Hưng Hòa, xã Long Vĩnh, huyện Gò Công Tây. Đây là nơi tưởng nhớ đến Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Liệt sĩ Nguyễn Thị Bảy.
Nhà thờ nữ anh hùng Nguyễn Thị Bảy
Đồng chí Nguyễn Thị Bảy sinh năm 1908, tại chợ Cả Chốt, nay thuộc ấp An Ninh, xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây, là Bí thư Quận ủy đầu tiên quận Cần Giuộc, tỉnh Long An. Ngày 23/11/1940, dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Nguyễn Thị Bảy, lực lượng đảng viên ở các cơ sở tiến hành tập hợp quần chúng nhân dân, mở ra cuộc Khởi Nghĩa Nam Kỳ. Đây được xem là phong trào cách mạng nổi trội của quê hương Cần Giuộc lúc bấy giờ. Sau khi sa vào tay địch, đồng chí vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng trong tù. Ngày 16/5/1941, tại sân banh Cần Giuộc, thực dân Pháp đã lập pháp trường xử bắn đồng chí Nguyễn Thị Bảy và các chiến sĩ cách mạng. Trước lúc hy sinh đồng chí còn kêu gọi nhân dân tiếp tục đấu tranh đánh đuổi thực dân Pháp.
Nhà thờ nữ anh hùng Nguyễn Thị Bảy hiện là điểm đến quen thuộc của các hoạt động về nguồn, hành trình về địa chỉ đỏ cho học sinh, đoàn viên, thanh niên trong và ngoài huyện.
Các mô hình kinh tế tiêu biểu
Mai nu Chiếu thủy
Trong những mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả của xã Long Vĩnh phải kể đến nghề trồng cây Mai nu Chiếu thủy, đây là loại cây kiểng đặc trưng của xứ Gò Công, đặc biệt là cây Mai nu Chiếu thủy chỉ phát triển tốt, cho hình dáng, nu sần đẹp nhất khi trồng ở đất Gò Công Tây, điều mà những nơi khác không có được.
Lễ Công bố và trao nhãn hiệu chứng nhận "Mai chiếu thủy nu Gò Công"
Ngày 21/12/2021, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang phối hợp Trung tâm nghiên cứu công nghệ và sở hữu trí tuệ CIPTEK trao chứng nhận nhãn hiệu “Mai Chiếu thủy nu Gò Công” cho UBND huyện Gò Công Tây, qua đó nâng tầm giá trị cây Mai nu Chiếu thủy Gò Công. Tại ấp Thới An A, xã Long Vĩnh, huyện Gò Công Tây có 02 nhà vườn tiêu biểu đạt chuẩn chứng nhận “Mai Chiếu thủy nu Gò Công” là hộ anh Trần Trọng Tân và anh Nguyễn Văn Thiện.
Nhà vườn đạt chuẩn chứng nhận “Mai Chiếu thủy nu Gò Công” - Trần Trọng Tân
Cây Mai nu phát triển tốt, cho hình dáng, nu sần đẹp chỉ có trồng tại vùng đất Gò Công Tây
Các tác phẩm kiểng Mai nu được trưng bày đẹp mắt
Đến với vườn cây kiểng của hai anh sẽ được chiêm ngưỡng các tác phẩm kiểng Mai nu được bố trí đẹp mắt không thua kém các khu trưng bày cây kiểng nổi tiếng. Mai nu Chiếu thủy có giá trị cao, được người chơi kiểng ưa chuộng. Với đặc trưng về yếu tố địa phương và giá trị nghệ thuật cao, cây Mai nu rất có tiềm năng để phát triển du lịch. Cần tiếp tục định hướng vùng trồng Mai nu tại xã Long Vĩnh để phát triển, mở rộng thành khu triển lãm hoa kiểng với cây Mai nu Chiếu thủy làm chủ đạo.
Vườn cây ăn trái
Qua thời gian đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ năm 2019 đến nay, có hơn 20ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả được nông dân xã Long Vĩnh chuyển sang các loại cây ăn trái có giá trị cao như bưởi da xanh, dừa xiêm, bơ... Các vườn cây ăn trái hiện đang cho thu hoạch ổn định.
Những vườn cây ăn trái xanh mát, xum xuê là điều thường thấy ở những khu du lịch miệt vườn tại miền Tây. Tại xã Long Vĩnh, các vườn cây ăn trái tập trung nhiều ở các ấp Thới An A, Thới An B, Hưng Hòa, đây đều là những ấp có tuyến kênh lớn đi qua, cặp các kênh đều có đường giao thông thuận lợi.
Mô hình nuôi cá sấu mới lạ tại ấp Thới An A
Tuy nhiên hiện nay diện tích chuyển đổi vườn cây ăn trái còn ít, các hộ trồng còn rời rạc, vì vậy để phát huy tiềm năng du lịch từ vườn cây ăn trái, trong thời gian tới cần tập trung định hướng vùng sản xuất, liên kết các nhà vườn, chú trọng xây dựng hạ tầng giao thông, đồng thời đẩy mạnh quảng bá, thu hút đầu tư du lịch... có như vậy thì bức tranh du lịch nông thôn sẽ rõ ràng hơn. Nếu thành công thì đây sẽ là địa điểm du lịch nông thôn gần nhất với cửa ngõ TP Hồ Chí Minh theo Quốc lộ 50.
Có thể nói, phát triển du lịch dựa vào nông nghiệp, nông thôn là một hướng đi mới mở ra nhiều cơ hội và thách thức. Đây là sự kết hợp giữa làm kinh tế nông nghiệp và phát triển văn hóa, dịch vụ đòi hỏi phải có sự thay đổi về cách thức và tư duy sản xuất thuần nông nghiệp trước đây. Cũng như các loại hình du lịch khác, du lịch sinh thái nông thôn mang lại nguồn thu lớn, hơn nữa du lịch sinh thái nông thôn hiện đang là loại hình du lịch mà du khách ở các khu vực đô thị, thành phố lớn ưa chuộng. Thông qua du lịch có thể quảng bá hình ảnh con người, văn hóa, các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương ra mọi miền đất nước, tạo nên sự thay đổi cảnh quan môi trường nông thôn ngày càng tươi đẹp, đáng sống.
Xã Long Vĩnh, huyện Gò Công Tây về cơ bản đã có một số điều kiện nhất định ban đầu, cho thấy tiềm năng phát triển du lịch nông thôn ở nơi đây. Xây dựng nông thôn mới là một quá trình liên tục không có điểm dừng, với những thành tựu nổi bật mà huyện Gò Công Tây và xã Long Vĩnh nói riêng đã đạt được, tin rằng trong tương lai không xa, huyện sẽ có những bước đột phá, sáng tạo, hình thành và phát triển loại hình du lịch nông thôn độc đáo trên chính mảnh đất Gò Công Tây.
Nguồn ảnh: Trang thông tin điện tử xã Long Vĩnh
Tác giả bài viết: Trần Vũ Thanh Huy