Diện tích trồng bắp tại huyện Gò Công Tây tập trung nhiều tại các xã Bình Nhì, Đồng Sơn, Đồng Thạnh, Long Vĩnh, Vĩnh Hựu, Yên Luông và Bình Tân. Mô hình trồng cây bắp dưới chân ruộng đã đạt được kết quả khả quan, giúp nâng cao thu nhập cho các hộ nông dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất. Được biết, vụ Thu Đông năm nay, nông dân trồng bắp huyện Gò Công Tây rất phấn khởi vì trúng mùa được giá, hiện tại thương lái thu mua bắp tại ruộng có giá từ 5.200 đồng đến 5.500 đồng/1 trái. Với giá này, trên 1 công đất trồng bắp sau khi trừ các chi phí người trồng bắp có lãi khoảng từ 4 đến 5 triệu đồng. Bắp sau khi thu hoạch nhanh chóng được thương lái đến thu mua, vận chuyển đi các nơi tiêu thụ để đảm bảo trái bắp tươi xanh và giữ được độ ngọt.
Đáng chú ý, mô hình trồng bắp hiện nay được gắn liền với tiêu thụ sản phẩm giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm. Cụ thể, người nông dân trồng bắp được thương lái bao tiêu sản phẩm và cung cấp hạt giống, hướng dẫn quy trình canh tác, liều lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo an toàn thực phẩm. Từ đó thúc đẩy xây dựng các vùng canh tác tập trung, an toàn, mang tính hàng hóa hướng tới xây dựng cánh đồng lớn trong sản xuất bắp gắn với tiêu thụ sản phẩm. Góp phần thực hiện quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ổn định sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống kinh tế cho nông dân.
Tác giả bài viết: Kim Lan - Quốc Nam