Trong năm 2023 vừa qua, nhìn chung, với sự tập trung lãnh đạo của Huyện ủy, chỉ đạo điều hành toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm của Ủy ban nhân dân huyện, giám sát của Hội đồng nhân dân huyện, cùng với sự nỗ lực và đồng thuận của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong huyện đã nghiêm túc triển khai thực hiện kế hoạch hành động của tỉnh, huyện. Kết quả huyện đã hoàn thành đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, về tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất tăng 4,9% so với năm trước trong đó: Khu vực nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,45%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,02%; khu vực thương mại - dịch vụ tăng 6,15%. Cơ cấu kinh tế khu vực nông, lâm, ngư nghiệp giảm từ 60,66% năm 2022 xuống còn 60,46% năm 2023; khu vực công nghiệp, xây dựng giảm từ 17,64% năm 2022 xuống còn 17,36% năm 2023; khu vực thương mại - dịch vụ tăng từ 21,70% năm 2022 lên 22,18% năm 2023. Thu nhập bình quân đầu người đạt 69,12 triệu đồng (Kế hoạch là 67-70 triệu đồng), tăng 9,23% so với năm 2022. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 3.015 tỷ đồng, đạt 100,23% kế hoạch, tăng 13,26% so với năm 2022. Tổng thu ngân sách địa phương đến ngày 31/12/2023 là 150,773 tỷ đồng (Nghị quyết là 114 tỷ đồng) đạt 132,26 % so với kế hoạch và bằng 104,79% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương đạt 580,037 tỷ đồng trong đó chi ngân sách huyện là 458,054 tỷ đồng (Nghị quyết là 423,401 tỷ đồng), đạt 108,18% kế hoạch và bằng 106,89% so với cùng kỳ, chi ngân sách xã là 121,983 tỷ đồng.
Trong năm qua, huyện đã phát triển mới 47 doanh nghiệp (bao gồm doanh nghiệp khởi nghiệp và chuyển từ hộ kinh doanh), đạt 223,81% so với Nghị quyết HĐND huyện đề ra (Nghị quyết 21 doanh nghiệp), đạt 180,77% so với kế hoạch tỉnh giao (Kế hoạch tỉnh 26 doanh nghiệp) và đạt 151,61% so với năm 2022 (Thực hiện năm 2022 là 31 doanh nghiệp).
Bên cạnh đó, công tác an sinh xã hội được đặc biệt chú trọng, trong năm đã phối hợp giải quyết việc làm cho 1.100 lao động, đạt 110% kế hoạch và đạt 76,07% so với cùng kỳ. Trong đó xuất khẩu 49 lao động, đạt 163,33% kế hoạch (Kế hoạch: 30 lao động, cùng kỳ 33 lao động), tăng 48,48% so với cùng kỳ. Tỷ lệ lao động được đào tạo đạt 43,5% (Kế hoạch 43%; cùng kỳ 42,5%). Giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021-2025) còn 0,87% (Kế hoạch dưới 1,06%; cùng kỳ 1,09%). Duy trì: 12/12 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới; 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; huyện nông thôn mới. Đã ra mắt thêm 01 xã Vĩnh Hựu đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 99,98% (Kế hoạch 99%, cùng kỳ 99,23%). Số bác sĩ/vạn dân 5,3 bác sĩ/vạn dân (Kế hoạch 5,3 bác sĩ/vạn dân, cùng kỳ 5,1 bác sĩ/vạn dân); số giường bệnh/vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 7,00 giường bệnh/vạn dân (Kế hoạch và cùng kỳ 7,00 giường bệnh/vạn dân); tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng (cân nặng theo tuổi) xuống còn 7,84% (Kế hoạch 9,60%, cùng kỳ 8,02%), tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế 100% (Kế hoạch và cùng kỳ 100%).
Tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi: Trẻ em đi nhà trẻ 17% (Kế hoạch 17%; cùng kỳ 16,04%); tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học mẫu giáo đạt 76,4% (Kế hoạch 85%; cùng kỳ 76,1%); tỷ lệ học sinh tiểu học đi học trong độ tuổi đạt 100% (Kế hoạch và cùng kỳ là 100%); trung học cơ sở đạt 99% (Kế hoạch 99%, cùng kỳ 98%). Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia: ở bậc học mẫu giáo 100% (Kế hoạch và cùng kỳ 100%); bậc học tiểu học là 100% (Kế hoạch và cùng kỳ là 100%); bậc trung học cơ sở 83,33% (Kế hoạch 66,70%, cùng kỳ 50%).
Công tác môi trường được quan tâm thực hiện tốt: Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh 100% (Kế hoạch và cùng kỳ 100%); Tỷ lệ hộ dân đô thị sử dụng nước sạch 100% (Kế hoạch và cùng kỳ 100%). Tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom, xử lý 100% (Kế hoạch 100%, cùng kỳ 92,5%). Tỷ lệ thu gom rác thải nông thôn tại hộ gia đình 98,5% (Kế hoạch 100%, cùng kỳ 91,02%).
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả đề án “Điều chỉnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp Tiền Giang đến năm 2030” gắn với xây dựng nông thôn mới; Đề án Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông, tỉnh Tiền Giang đến năm 2025; Dự án vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025, các dự án về chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ; Chương trình số 05-CTr/HU ngày 25/01/2021 của Huyện ủy về phát triển nông nghiệp bền vững gắn với đa dạng hóa các loại hình hợp tác. Tiếp tục đổi mới tổ chức sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong trồng trọt, chăn nuôi. Thường xuyên theo dõi diễn biến hạn, mặn để có các biện pháp ứng phó kịp thời; công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được chủ động và quan tâm thực hiện; công tác khuyến nông, giống, thủy sản, bảo vệ thực vật, thú y, các chính sách hỗ trợ nông dân...được thực hiện tốt, giúp nông dân ổn định sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của nông dân.
Kết quả thực hiện Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng”: Trong năm 2023, Huyện đã thực hiện cắt vụ là 203,86 ha, chuyển đổi 363 ha đất trồng lúa sang cây trồng khác; trong đó, cây ăn trái: 61,77 ha, chuyển sang trồng cỏ: 17,04 ha, chuyển sang cây trồng khác: 6,3ha, chuyển sang trồng màu chuyên canh: 16,89 ha và chuyển sang trồng màu luân canh: 261 ha. Lũy kế: đến nay huyện thực hiện chuyển đổi cây lúa sang cây lâu năm, màu chuyên canh và màu luân canh là 13.418,63 ha.
Kết quả thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Huyện đã triển khai thực hiện Kế hoạch số 92/KH-UBND ngày 31/3/2023 của UBND huyện thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn huyện; hướng dẫn đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm theo quy định tại Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả trong năm có 9 chủ thể tham gia gồm 14 sản phẩm OCOP và đã được Hội đồng đánh giá phân hạng 14 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Lũy kế, đến nay huyện có 100% số xã trên địa bàn huyện có sản phẩm OCOP được công nhận, có 45 sản phẩm của 18 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP (22 sản phẩm đạt hạng 04 sao và 23 sản phẩm hạng 3 sao).
Kết quả thực hiện Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND: phê duyệt 05 dự án/kế hoạch liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, với tổng kinh phí 10,46 tỷ đồng (trong đó: Vốn Nhà nước hỗ trợ là 2,81 tỷ đồng và vốn đối ứng các bên tham gia liên kết là 7,65 tỷ đồng), gồm: dự án liên kết tiêu thụ lúa xã Thạnh Trị; kế hoạch liên kết tiêu thụ lúa xã Long Bình; kế hoạch chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa của xã Bình Phú; kế hoạch liên kết tiêu thụ dừa xã Vĩnh Hựu; kế hoạch liên kết tiêu thụ bưởi xã Thạnh Nhựt. Lũy kế đến cuối năm 2023, huyện thực hiện 12 dự án/kế hoạch liên kết với tổng kinh phí nhà nước hỗ trợ 6,8 tỷ đồng và phê duyệt chi phí tư vấn cho 5 dự án/kế hoạch liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (02 lúa, 01 dừa, 01 dưa hấu, 01 thanh long) cho 01 Công ty và 04 Hợp tác xã nông nghiệp.
Huyện chú trọng thực hiện tốt chuyển đổi số trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp đã cấp mã số vùng trồng (MSVT) được 17 mã số vùng trồng, trong đó: MSVT nội địa là 14 (gồm 10 mã lúa, 02 mã dừa; 01 mã thanh long, 01 mã rau màu). MSVT xuất khẩu Trung Quốc là 03 (gồm 2 mã số thanh long Đồng Sơn; dưa hấu Bình Nhì được cấp năm 2020 và 01 mã số thanh long Đồng Sơn cấp mới thuộc dự án liên kết chuỗi của tỉnh Tiền Giang). Về phát triển các mô hình khuyến nông: Trong năm 2023 trên địa bàn huyện thực hiện 10 mô hình, trong đó có 08 mô hình huyện thực hiện và 02 mô hình do Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh thực hiện
Tiếp tục duy trì thông thoáng các tuyến kênh trên địa bàn huyện theo Kế hoạch năm 2023. Thường xuyên theo dõi tình hình nguồn nước, vận hành cống điều tiết nước hợp lý, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Từ nguồn vốn hỗ trợ bảo vệ và phát triển đất lúa và nguồn vốn thủy lợi phí, huyện đã đầu tư xây dựng 13 công trình, với tổng số vốn 7,01 tỷ đồng.
Tình hình sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có tăng so với cùng kỳ, tuy nhiên cũng gặp không ít khó khăn như: giá cả nguyên vật liệu tăng cao, có thời điểm thiếu hụt về số lượng, các doanh nghiệp bị giảm đơn hàng xuất khẩu ký với các đối tác nước ngoài, dẫn đến giảm lao động, giảm quy mô sản xuất. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp còn chậm, cơ sở tiểu thủ công nghiệp còn nhỏ lẻ, một số sản phẩm truyền thống đặc trưng của địa phương chưa được phát triển ổn định; việc cơ cấu lại sản xuất, đổi mới công nghệ được các doanh nghiệp, cơ sở quan tâm nhưng quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn do thiếu vốn, doanh nghiệp chưa tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất, thị trường chưa ổn định do ảnh hưởng của dịch bệnh, tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới thời gian qua...
Công tác khuyến công: ngay từ đầu năm, huyện phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh tiến hành khảo sát các cơ sở và đăng ký 07 dự án, với tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ 2,5 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ kinh phí 300 triệu đồng cho dự án đầu tư hệ thống trích ly cô đặc nấm Đông Trùng Hạ Thảo của Công ty TNHH Đông Trùng Hạ Thảo Thiên Ân.
Nhìn chung, với những kết quả đã đạt được trên các lĩnh vực phát triển kinh tế- xã hội sẽ là nền tảng, là động lực để huyện tiếp tục phấn đấu tiếp tục trong năm 2024 và 2025 bứt phá hoàn thành các mục tiêu còn lại hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Tác giả bài viết: Kim Lan