Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp được triển khai thực hiện Vụ hè thu năm 2024 tại xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây. Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên đồng ruộng từ lâu đã được ngành Nông nghiệp huyện triển khai rất hiệu quả và được sự đồng tình ủng hộ của người dân. Gần đây nhất là mô hình sản xuất lúa thông minh, tiết kiệm phân bón, cánh đồng lớn giảm chi phí, cánh đồng lớn lúa hữu cơ. Mục tiêu của huyện phấn đấu đạt 100% hecta diện tích sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp vào năm 2030. Tại lớp tập huấn, các đại biểu đã được tìm hiểu và hướng dẫn về quy trình sản xuất lúa chất lượng cao gắn với phát thải thấp, tăng trưởng xanh. Cụ thể bao gồm các nội dung: canh tác áp dụng cơ giới hóa đồng bộ và chuyển đổi số trong nông nghiệp để cải tiến phương thức canh tác, giảm lao động thủ công, giảm vật tư đầu vào, tăng hiệu quả sử dụng đất, nước, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, cần chú ý thực hiện quản lý sau thu hoạch rơm rạ theo hướng áp dụng cơ giới hóa và công nghệ sinh học trong thu gom rơm, xử lý và chế biến thành các sản phẩm có giá trị cao như nấm rơm, thức ăn cho gia súc, đệm lót sinh học, phân hữu cơ…tăng thu nhập cho nông dân, giảm ô nhiễm môi trường.
Theo ông Mai Đức Tấn- Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Gò Công Tây cho biết hiệu quả chung của Đề án 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp là nâng cao giá trị toàn chuỗi thêm 40%, tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%. Đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long và hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, bảo đảm chất lượng canh tác bền vững và hiệu quả. Đề án đưa ra mục tiêu giảm 30% chi phí đầu vào, góp phần giảm chi phí sản xuất lúa cho các hộ nông dân khoảng 9.500 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%; góp phần giảm 10% lượng khí nhà kính phát thải. Trong quá trình triển khai Đề án, sẽ có một số chính sách mới, phù hợp với xu hướng toàn cầu được thực hiện thí điểm như chi trả tín chỉ carbon dựa vào kết quả cho 1 triệu hecta lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, sản xuất tuần hoàn, khai thác đa giá trị trong sản xuất lúa với các chính sách cơ chế về đầu tư hoặc tín dụng với mục tiêu thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến lúa gạo.
gmaĐặc biệt khi nông dân tham gia thực hiện Đề án sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp sẽ được tập huấn kiến thức và tham quan các mô hình trình diễn các phương tiện, thiết bị máy móc, công nghệ trong sản xuất lúa và trao đổi một số biện pháp kỹ thuật gieo sạ, chăm sóc đồng lúa để mang lại năng suất cao.
Tác giả bài viết: Kim Lan