Hội Nông dân Thị trấn Vĩnh Bình tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm mô hình nuôi lươn không bùn

Chủ nhật - 16/06/2024 19:08
Nhằm đánh giá các mô hình sản xuất của hội viên nông dân trên địa bàn thị trấn Vĩnh Bình trong thời gian qua và giúp cho các hội viên khác trong tổ chức các Hội, đoàn thể tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ mô hình. Vào chiều ngày 14/6/2024, tại huyện Gò Công Tây, Hội Nông dân Thị trấn Vĩnh Bình vừa tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm mô hình sản xuất nuôi lươn không bùn đạt hiệu quả kinh tế ổn định của hội viên nông dân Thị trấn. Tham dự buổi tham quan đánh giá mô hình có đại diện Hội Nông dân huyện Gò Công Tây, lãnh đạo UBND Thị trấn Vĩnh Bình, đại diện Hội Nông dân Thị trấn Vĩnh Bình và 35 hội viên nông dân, hội viên phụ nữ, đoàn viên thanh niên Thị trấn.
Hội Nông dân Thị trấn Vĩnh Bình tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm mô hình nuôi lươn không bùn

Mô hình nuôi lươn không bùn trên nền gạch men được thực hiện tại hộ gia đình hội viên nông dân Phạm Tấn Triệu- sinh năm 1965, ngụ tại Khu phố 5- thị trấn Vĩnh Bình, hội viên Phạm Tấn Triệu trong năm qua thông qua sự giới thiệu của Ban Chấp hành Hội Nông dân Thị trấn Vĩnh Bình, ông đã được nhận nguồn vốn hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Tiền Giang 30 triệu đồng. Trước đó, ông đã lên mạng internet tìm tòi học hỏi kinh nghiệm nuôi lươn không bùn trên nền gạch men và được Hội Nông dân Thị trấn hướng dẫn tham quan các đợt hội thảo do ngành Nông nghiệp huyện tổ chức. Hội viên Phạm Tấn Triệu đã mạnh dạn đầu tư xây dựng 3 dãy hồ bao bọc bằng xi măng, nền lát gạch men cho sạch sẽ, không tạo nhớt, rong rêu bám và đầu tư mua 1.000 con lươn giống về nuôi. Thức ăn cho lươn chủ yếu là thức ăn có sẵn như thức ăn nuôi cá, ông cũng tận dụng thời gian rãnh bắt thêm cua, ốc để tạo nguồn thức ăn tươi sống, bổ dưỡng cho lươn mau lớn. Điểm đặc biệt của nuôi lươn không bùn, theo hội viên Triệu cho biết đó là người nuôi phải bắt buộc siêng năng thay nước mỗi ngày để đảm bảo nguồn nước cho lươn sạch sẽ, không có mùi hôi, giúp cho lươn không bị nhiễm bệnh, từ đó lươn mới mạnh khỏe. Đây là lứa lươn thứ 3 và ông Triệu đã tự tìm cách nhân giống ra để nuôi không cần phải mua con giống, quá trình nuôi lươn, ông giữ lại các con cái mạnh khỏe, thả nuôi riêng, bỏ thêm lục bình, kèo nèo vào và chút bùn để lươn có môi trường sống như tự nhiên dễ sinh sản.
 

thi tran vinh binh tham quan mo hinh nuoi luon khong bun (3)
 
thi tran vinh binh tham quan mo hinh nuoi luon khong bun (2)


Các lứa xuất bán lươn thịt vừa qua, hội viên Phạm Tấn Triệu cho biết sau 7-8 tháng nuôi, lươn đạt trọng lượng 2-3 con/ 1 kg là có thể xuất bán, với giá bán cho thương lái các nơi đến thu mua từ 90-100 ngàn đồng/ kg. Ông xuất bán được hơn 250 kg lươn thịt có lãi hơn 15 triệu đồng.

Hội viên Triệu còn cho biết thêm, đây là mô hình rất đơn giản, dễ thực hiện, tận dụng lao động nhàn rỗi trong gia đình phụ giúp ông thay nước hồ nuôi lươn, bắt ốc, cho lươn ăn ngày 2- 3 lần tùy thể trạng của lươn, lươn lại rất ít khi bị bệnh. Thịt lươn là nguồn thực phẩm dồi dào chất dinh dưỡng nên rất được thị trường ưa chuộng.

Trong thời gian tới, hội viên Phạm Tấn Triệu sẽ hoàn trả vốn vay và tiếp tục đầu tư thêm 1 dãy hồ nuôi lươn sinh sản để thử nghiệm bán lươn con cho người có nhu cầu nuôi lươn trong và ngoài thị trấn. Các thành viên trong đoàn sau khi tham tham quan mô hình đã được nghe hội viên nông dân Phạm Tấn Triệu chia sẻ về cách nuôi lươn, chế độ thức ăn cho lươn, cách chăm sóc, vệ sinh phòng bệnh cho lươn để từ đó có thêm nhiều kiến thức bổ ích về tuyên truyền áp dụng thực hiện để từ đó có thêm nhiều mô hình sản xuất hiệu quả trong các hội đoàn thể địa phương, mang lại nguồn kinh tế ổn định cho người dân. Nhất là đối với các gia đình không có đất rộng, trong khu vực thị trấn Vĩnh Bình thì mô hình nuôi lươn không bùn trong hồ gạch men là hoàn toàn có thể thực hiện được và cho hiệu quả kinh tế. Nhìn chung với sự cần cù, chịu khó, hội viên nông dân Phạm Tấn Triệu- Thị trấn Vĩnh Bình còn đạt được danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện nhiều năm liền, các mô hình chăn nuôi của ông còn là điểm tham quan chia sẻ kinh nghiệm của các hội đoàn thể trong huyện nói chung.

Tác giả bài viết: Kim Lan

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây