Có thể nói, buổi ban đầu tái lập huyện, điều kiện kinh tế - xã hội của huyện vô cùng khó khăn, cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn; đội ngũ cán bộ hầu hết đều mới; lực lượng đảng viên toàn huyện chỉ có 285 đồng chí. Cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế tuy có một số công trình được đầu tư xây dựng nhưng còn nhỏ bé, phân tán; mạng lưới điện chế độ cũ để lại chỉ nằm gọn trong công sở huyện và một số hộ dân khu vực chợ thị trấn Vĩnh Bình. Hệ thống cấp nước, hạ tầng giao thông chưa hoàn chỉnh, khó khăn nhất lúc này là một bộ phận nhân dân bị thiếu đói sau 2 năm mất mùa liên tiếp do thiên tai gây ra năm 1978-1979.
Khi mới thành lập huyện với xuất phát điểm thấp về kinh tế - xã hội nên tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm; đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhiều hộ thiếu đói, nông nghiệp là ngành sản xuất chính, chủ yếu là lúa một vụ, bấp bênh, năng suất thấp; ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp còn ít, nhỏ về quy mô, hạn chế về trình độ kỹ thuật nên giá trị sản lượng đạt thấp, chất lượng kém; hoạt động thương mại, dịch vụ chưa phát triển, chủ yếu là mạng lưới thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán, phân phối theo tem phiếu và thu mua một số mặt hàng nông sản trong nhân dân.
Với tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu vươn lên để xây dựng và phát triển; sau 45 năm tái lập, huyện đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: Đã duy trì được tốc độ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, kinh tế phát triển ổn định; công tác kêu gọi đầu tư tiếp tục được chú trọng; công tác duy trì, nâng chất nông thôn mới được tập trung thực hiện; công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân được quan tâm thực hiện tốt… Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; an sinh xã hội được đảm bảo; đời sống của nhân dân tiếp tục được nâng lên; tình hình an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, công tác quốc phòng được tăng cường; Đảng bộ không ngừng lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng; phương thức lãnh đạo có nhiều đổi mới, năng lực lãnh đạo của đội ngũ cán bộ ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tính đến thời điểm cuối năm 2023 huyện Gò Công Tây đã đạt được một số kết quả khá quan trọng, cụ thể như sau: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) tăng 4,9% so với năm 2022, trong đó: Khu vực nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,45%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,02%; khu vực thương mại - dịch vụ tăng 6,15%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 69,12 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 3.015 tỷ đồng, đạt 100,23% kế hoạch. Tổng thu ngân sách địa phương là 150,773 tỷ đồng, đạt 132,26% so với kế hoạch. Phát triển mới 47 doanh nghiệp, đạt 223,81% so với Nghị quyết HĐND huyện đề ra. Giải quyết việc làm cho 1.100 lao động, đạt 110% kế hoạch. Tỷ lệ lao động được đào tạo đạt 43,5%. Giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021-2025) còn 0,87% . Có 12/12 xã duy trì đạt chuẩn xã nông thôn mới; 04 xã duy trì đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (Thạnh Nhựt, Bình Nhì, Thành Công, Vĩnh Hựu); 01 xã duy trì đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (Long Vĩnh); huyện duy trì huyện nông thôn mới và tiếp tục phấn đấu xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 99,98%. Bình quân có 5,3 bác sĩ/vạn dân và 7,00 giường bệnh/vạn dân. Các chỉ tiêu về giáo dục và đào tạo đều đạt, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia: ở bậc học mẫu giáo 100%; bậc tiểu học là 100%; bậc trung học cơ sở 83,33%. Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh 100%; Tỷ lệ hộ dân đô thị sử dụng nước sạch 100%. Tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom, xử lý 100%. Tỷ lệ thu gom rác thải nông thôn tại hộ gia đình 98,5%. Huyện đã triển khai có hiệu quả Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp” gắn với xây dựng nông thôn mới; Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng”. Đã sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao, thực hiện các dự án về chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, giúp nông dân ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập. Hiện nay, có 04 dự án đầu tư trên địa bàn đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư: Nhà máy chế biến Nông sản; Siêu thị huyện Gò Công Tây; dự án Thương mại, dịch vụ tại đường Nguyễn Văn Côn; dự án Cụm công nghiệp Long Bình. Ngoài ra, dự án Nhà máy xử lý rác tại bãi rác Bình Tân đang trong quá trình triển khai. Hoạt động thương mại dịch vụ đã có bước phát triển, ổn định và đạt mức tăng trưởng khá; hàng hóa dồi dào, đa dạng về chủng loại, mẫu mã, đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được nhân dân tích cực hưởng ứng; công tác an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa luôn được sự quan tâm của các cấp chính quyền, MTTQ và các đoàn thể; các hoạt động vui chơi, giải trí phục vụ nhân dân trong các dịp lễ, Tết và kỷ niệm các ngày lễ lớn tiếp tục được duy trì, đổi mới với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, lực lượng vũ trang được xây dựng, củng cố ngày càng vững mạnh. Hệ thống Dân vận, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội đã được quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt được nhiều kết quả quan trọng; đội ngũ cán bộ, công chức các cấp đều đạt trình độ chuẩn theo quy định. Công tác cải cách hành chính được triển khai thực hiện đồng bộ, phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết TW 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng có sự chuyển biến tích cực. Công tác phát triển đảng viên được quan tâm cao, đến nay toàn Đảng bộ huyện có 3.615 đảng viên, với 54 tổ chức cơ sở đảng.
Với những thành tích đạt được, sau 45 năm thành lập và phát triển, Đảng bộ và Nhân dân huyện Gò Công Tây vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng 2, Hạng 3; hàng trăm tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân, Huy chương các loại cùng Bằng khen của Chính phủ và UBND tỉnh.
Chặng đường 45 năm qua, mang lại cho chúng ta nhiều niềm vui trong sự phát triển, nhưng cũng còn nhiều điều trăn trở. Trong đó sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển chậm; phương thức sản xuất của nông dân vẫn còn mang tính manh mún, tự phát, sản lượng và giá cả đầu ra còn bấp bênh, thiếu ổn định. Việc thu hút đầu tư còn nhiều khó khăn, các cụm công nghiệp và các dự án triển khai rất chậm; chưa có Đề án thủy lợi thích ứng với biến đổi khí hậu; đội ngũ cán bộ trình độ tuy được nâng lên nhưng vẫn chưa ngang tầm với yêu cầu trong tình hình mới. Với ý thức trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Nhân dân huyện nhà, thời gian tới Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội huyện Gò Công Tây quyết tâm thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; triển khai thực hiện tốt công tác duy tu; tiếp tục xúc tiến, mời gọi đầu tư vào các dự án, cụm công nghiệp trên địa bàn; lãnh đạo tốt công tác thu ngân sách đạt chỉ tiêu được giao.
Hai là, tiếp tục tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả về phát triển nông nghiệp bền vững gắn với đa dạng hóa các loại hình hợp tác; tập trung xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Củng cố, nâng chất các xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, duy trì 04 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 01 xã nông thôn mới kiểu mẫu; duy trì huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Phấn đấu năm 2024, huyện có thêm 03 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 01 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Tăng cường năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ba là, triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch phát triển KT - XH huyện Gò Công Tây giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong định hướng phát triển để làm căn cứ lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm cho giai đoạn tiếp theo. Xúc tiến công tác xây dựng Thị trấn Vĩnh Bình đạt chuẩn đô thị văn minh và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để Long Bình, Đồng Sơn lên đô thị loại V vào năm 2025.
Bốn là, triển khai thực hiện tốt kế hoạch sử dụng đất hàng năm, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện thống kê đất đai; tăng cường công tác quản lý đất công. Thực hiện tốt các chính sách, quy định về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Năm là, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo giai đoạn 2020-2025; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục; bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên.
Sáu là, tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội. Nâng cao chất lượng tư vấn việc làm, xuất khẩu lao động và đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 .
Bảy là, Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; cải thiện chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động mạng lưới y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu, phát triển y tế chuyên sâu và y tế dự phòng.
Tám là, thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Nâng chất các danh hiệu gia đình văn hóa, con đường văn hóa, công viên văn hóa. Nâng cao chất lượng hoạt động truyền thanh, các dịch vụ bưu chính, viễn thông. Kết hợp chặt chẽ việc triển khai kế hoạch phát triển công nghệ thông tin, truyền thông với việc thực hiện chương trình cải cách hành chính.
Chín là, Tăng cường công tác quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, chủ động tấn công, trấn áp các loại tội phạm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm an toàn giao thông và phòng chống cháy nổ..
Mười là, lãnh đạo thực hiện tốt Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05- CT/TW về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI, XII); Kết luận 21-KL/TW (khóa XIII) về xây dựng Đảng; Quy định 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm. Thực hiện nghiêm Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”; tổ chức sinh hoạt các tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để nâng cao nhận thức tư tưởng, củng cố niềm tin, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Tác giả bài viết: Kim Lan