Ủy ban nhân dân tỉnh làm việc với Ủy ban nhân dân huyện Gò Công Tây về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

Thứ sáu - 05/04/2024 01:59
Nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được trong quý 1 năm 2024, đề ra những phương hướng giải pháp trong thời gian tới cho huyện Gò Công Tây về phát triển kinh tế- xã hội, vào sáng ngày 04/4/2024, Đoàn công tác của UBND tỉnh Tiền Giang gồm: đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng chí Trần Thanh Nguyên - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, phụ trách huyện; đồng chí Phạm Văn Trọng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh; Lãnh đạo Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh và các Phòng chuyên môn. Lãnh đạo huyện Gò Công Tây có đồng chí Đinh Tấn Hoàng- Tỉnh ủy viên- Bí thư Huyện ủy- Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Huỳnh Thanh Bình- Phó Bí thư- Chủ tịch UBND huyện; các đồng chí đại diện lãnh đạo các phòng ban chuyên môn, Thường trực HĐND, UBND huyện cùng Thủ trưởng các cơ quan đơn vị.
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phát biểu chỉ đạo.
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phát biểu chỉ đạo.

Tại Hội nghị, lãnh đạo UBND huyện Gò Công Tây đã báo cáo tóm tắt về những kết quả đạt được trên các lĩnh vực trong quý 1 năm 2024. Cây lúa: Diện tích xuống giống vụ Đông xuân là 7.825,46 ha, đạt 96,61% kế hoạch năm 2024, so với cùng kỳ năm 2023 đạt 96,48 % (giảm 285,11 ha). Diện tích thu hoạch 7.825,46 ha, sản lượng 53.252,26 tấn, đạt 96,66 % kế hoạch năm 2024, so với cùng kỳ năm 2023 đạt 96,56%. Lợi nhuận bình quân trên cây lúa vụ Đông xuân 2022-2023 trên 5 triệu đồng/ha. Phát triển nông thôn và lĩnh vực xây dựng nông thôn mới được chú trọng, đã tổ chức lễ ra mắt xã nông thôn nâng cao Vĩnh Hựu vào ngày 09/01/2024. Huyện ủy, UBND huyện kiểm tra công tác xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, NTM kiểu mẫu tại Đồng Thạnh, Bình Phú, Bình Tân, Thành Công. Bên cạnh đó, huyện đã hoàn chỉnh dự thảo Đề án vận hành, khai thác hệ thống thủy lợi, điều tiết nước phân theo vùng trên địa bàn huyện. Sản phẩm OCOP của huyện tiếp tục phát triển mở rộng; huyện đăng ký 05 dự án khuyến công với tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ 1 tỷ 310 triệu đồng (đã có 02 cơ sở gửi thông tin dự án hoàn chỉnh, tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ 600 triệu đồng). Công tác quản lý xây dựng, phát triển đô thị cũng đã được quan tâm thực hiện: Quyết định phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn các xã. Thống nhất chủ trương điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Cụm công nghiệp Long Bình. Thông báo kết quả lựa chọn đơn vị thực hiện đấu giá cho thuê quyền sử dụng đất tại xã Long Bình để thực hiện dự án Nhà máy chế biến nông sản. Công tác mời gọi đầu tư: Dự án Nhà máy chế biến Nông sản, đã có kết quả trúng đấu giá cho thuê quyền sử dụng đất thực hiện dự án, diện tích 2,1 ha, tổng vốn đầu tư 99,389 tỷ đồng, đối với Công ty TNHH FANTA, nhà đầu tư đã nộp tiền thuê đất. Dự án Siêu thị huyện Gò Công Tây và dự án Thương mại dịch vụ tại đường Nguyễn Văn Côn, khu phố 3, thị trấn Vĩnh Bình đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, huyện đang rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ xác định giá khởi điểm trước khi trình Hội đồng thẩm định tỉnh. Dự án Cụm công nghiệp Long Bình đã được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. Hiện nay, huyện đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch trước khi thông báo mời chủ đầu tư tham gia xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Trong quý 1 năm 2024, huyện phát triển mới 06 doanh nghiệp, lũy kế đến nay có 220 doanh nghiệp, 53 hộ đăng ký kinh doanh mới, lũy kế hộ kinh doanh đang hoạt động trên địa bàn huyện là 37.399 hộ. Huyện cũng đã tổ chức thành lập đoàn khảo sát, định hướng về các giải pháp hỗ trợ tình hình hoạt động phát triển kinh tế tập thể. Hỗ trợ hạ tầng 03 hợp tác xã với kinh phí 4,212 tỷ đồng. Đến nay, huyện Gò Công Tây có 20 hợp tác xã. Về đầu tư công: Tổng kế hoạch vốn là 166,871 tỷ đồng, bố trí cho 68 công trình. Tổng số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện đến ngày 25/3/2024 là 30 tỷ 303 triệu đồng/125 tỷ 500 triệu đồng, đạt 24,15% dự toán pháp lệnh (87,84% quý I); tổng thu loại trừ tiền sử dụng đất còn 27 tỷ 787 triệu đồng/83 tỷ 500 triệu đồng, đạt 33,28% chỉ tiêu thi đua năm 2024 (116,7% quý I). Tổng chi ngân sách địa phương 92,418 tỷ đồng/563,681 tỷ đồng, đạt 16,40% dự toán huyện giao.
 

uy ban nhan dan tinh tien giang am viec huyen go cong tay (1)


Tại hội nghị, đại diện các Sở, Ngành tỉnh như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giáo dục và Đào tạo, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Công Ty cấp thoát nước Tiền Giang, …cũng đã có những ý kiến, kiến nghị giải đáp những vấn đề khó khăn vướng mắc trên các lĩnh vực có liên quan mà các ngành của huyện Gò Công Tây đang gặp khó khăn, từ đó gợi mở cho huyện những giải pháp thực hiện trong thời gian tới, nhanh chóng hoàn thành các chỉ tiêu, Nghị quyết, chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, NTM kiểu mẫu tại các đơn vị xã của huyện.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Văn Trọng đánh giá rất cao những kết quả huyện Gò Công Tây đạt được trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, kết quả đạt được của huyện trong quý 1 năm 2024 cho thấy huyện đã phát triển đúng định hướng của tỉnh đề ra, huyện đã có những thay đổi tích cực rõ nét về cảnh quan môi trường, thực hiện khá tốt việc phân loại, xử lý rác thải tại nguồn, đăng ký thu gom lấy rác theo lịch trình hợp lý. UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo các Sở, Ngành quan tâm tháo gỡ, hướng dẫn cho huyện giải quyết các điểm nghẽn về vốn, đầu tư công trình, dự án, huyện tiếp tục rà soát củng cố thành quả xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, Huyện đạt chuẩn NTM. Bên cạnh đó, tỉnh cũng thống nhất theo kế hoạch lộ trình xây dựng huyện Gò Công Tây đạt chuẩn huyện NTM nâng cao giai đoạn 2020-2025. Trước mắt, tỉnh chỉ đạo huyện tiếp tục rà soát kỹ tiêu chí quy hoạch của huyện trên các lĩnh vực để phát huy tiềm năng lợi thế của huyện, kiểm định lại chất lượng nước tại các cây nước của xã để cung cấp nước đảm bảo an toàn cho người dân, lãnh đạo UBND tỉnh cũng đề nghị huyện có quy trình, kế hoạch đầy đủ, chắc chắn với những quy hoạch, dự án để thực hiện tốt trong thời gian tới. Cùng với đó, huyện cần quan tâm, phát huy tiềm năng, tận dụng ưu thế riêng của huyện để khi thị xã Gò Công lên Thành phố Gò Công với đặc điểm địa bàn giáp ranh, huyện Gò Công Tây sẽ có thêm nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, du lịch.

Kết luận tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đề nghị huyện Gò Công Tây ghi nhận và tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Đoàn công tác UBND tỉnh Tiền Giang đã chỉ ra; các Sở, Ngành tỉnh tiếp tục có những hướng dẫn cụ thể hơn, để giúp huyện giải quyết các vấn đề khó khăn vướng mắc như trong cấp vốn đầu tư công, xây dựng cơ sở vật chất trường học, bổ sung nguồn nhân lực giáo dục, ngành Công an tiếp tục tấn công, triệt phá tệ nạn xã hội, kiểm soát tốt an toàn giao thông, giữ gìn an ninh trật tự, tiếp tục triển khai thực hiện hồ sơ trình lên cấp trên, hoàn chỉnh hồ sơ các bước theo quy trình xây dựng trụ sở Công an huyện tại khu vực đất đã quy hoạch giải tỏa để thực hiện tốt dự án xây dựng Trụ sở Công an huyện…Về lĩnh vực xây dựng NTM, tỉnh đề nghị huyện có sự thông cảm chia sẻ về việc hạn chế các nguồn vốn đã dự trù cho các huyện, xã theo lộ trình của tỉnh đã đề ra, huyện tiếp tục nhạy bén sáng tạo phát huy những mặt tích cực đã đạt được trong xây dựng NTM, với các tiêu chí cần vốn huyện có thể tranh thủ thêm các nguồn vốn vận động, để cùng với Nhà nước thực hiện tốt các tiêu chí cần vốn trong xây dựng nông thôn mới.

Tác giả bài viết: Kim Lan - Quốc Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây