Hiện nay, trên địa của xã Đồng Thạnh có 01 HTX Nông nghiệp Lợi An và 04 Tổ hợp tác, trên địa bàn xã Đồng Sơn có 02 HTX và 07 Tổ hợp tác. Tại hội nghị, các HTX và Tổ hợp tác đã trình bày những khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị phương hướng giải pháp hỗ trợ cụ thể trong năm 2024 để các đơn vị khắc phục hạn chế. Đại diện các Phòng, Ban chuyên môn của huyện cũng đã có các đánh giá, nhận xét, hướng dẫn cho các đơn vị kinh tế tập thể tại các xã triển khai thực hiện. Theo đó, các HTX trên địa bàn huyện đã được triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết 07 về liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với nông dân, khi tham gia mô hình giúp người nông dân ổn định sản phẩm đầu ra (lúa, thanh long), ngoài ra, người dân cũng tuân thủ quy trình và hướng dẫn kỹ thuật, giảm lượng thuốc trong quá trình sản xuất, tạo ra những sản phẩm nông sản chất lượng cao. Khi tham gia vào làm thành viên của các HTX, HTX vận động thành viên hiểu, đồng lòng tuân thủ quy trình tham gia vào sản xuất mô hình cánh đồng lớn, mô hình sản xuất lúa hữu cơ và bảo đảm thị trường đầu ra cao hơn từ đó giúp các thành viên gia tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Phương hướng trong thời gian tới đây, UBND huyện đề nghị, các HTX, Tổ hợp tác tiếp tục thống kê, rà soát kỹ lại về doanh thu, lợi nhuận, có kế hoạch tuyên truyền vận động nông dân tiếp tục tham gia thực hiện duy trì các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo hướng có lợi cho nông dân. Ngoài ra, các Phòng, ban chuyên môn của huyện cũng có nhiệm vụ hướng dẫn, hỗ trợ cho các HTX, Tổ Hợp tác đi vào hoạt động ngày càng ổn định, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình kinh tế tập thể nói chung.
Thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện luôn xác định việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) đã có tác động rất lớn đến quá trình đổi mới, phát triển KTTT trên toàn địa bàn huyện. Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân về vai trò, vị trí của KTTT, HTX đã có những chuyển biến rõ nét. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về KTTT được quan tâm xây dựng và hoàn thiện. Tổ chức bộ máy và công tác quản lý Nhà nước từng bước được củng cố. KTTT trên địa bàn huyện Gò Công Tây có bước phát triển khá mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng, cơ bản khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài. Xuất hiện nhiều mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả, hình thành các chuỗi liên kết trong nông nghiệp, cùng với các loại hình doanh nghiệp tạo ra diện mạo nông thôn mới, góp phần phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, công tác tổ chức, triển khai thi hành Luật HTX năm 2012 được các cấp, các ngành chủ động thực hiện. Các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước đối với KTTT, HTX được tập trung triển khai. Hoạt động chuyển đổi các HTX theo Luật HTX năm 2012 cơ bản hoàn thành. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX ngày càng mở rộng, phát triển và đạt hiệu quả tốt. Số lượng các HTX áp dụng khoa học, công nghệ mới, hiện đại vào sản xuất, kinh doanh ngày càng nhiều. Chất lượng nguồn nhân lực của HTX không ngừng được nâng lên. Các chỉ tiêu về giá trị kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động tăng trưởng hàng năm. KTTT của huyện Gò Công Tây đã từng bước khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị cơ sở và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện.
Tác giả bài viết: Kim Lan