Tham dự hội thảo đánh giá kết quả thực hiện mô hình có ông Lê Văn Nê- Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy- Phó Chủ tịch UBND huyện, ông Mai Đức Tấn- Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã Thạnh Nhựt và gần 50 hộ nông dân tiêu biểu trong và ngoài xã cùng tham quan mô hình.
Nhằm định hướng nông dân áp dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất, nhất là quy trình 1 phải, 5 giảm, hạn chế tối đa phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, gia tăng phân bón vi sinh tan chậm. Theo đánh giá chung, khi tham gia mô hình sản xuất lúa hữu cơ, người dân ban đầu còn e dè, lo ngại bị sụt giảm năng suất, tuy nhiên, nhờ tuân thủ quy trình bón phân cân đối, sạ thưa, cho thấy cây lúa phát triển khỏe, tăng khả năng quang hợp, tăng số nhánh hữu hiệu, hạn chế sâu bệnh, việc áp dụng mô hình sản xuất lúa hữu cơ không những giúp giảm đáng kể chi phí đầu tư cho sản xuất, mà năng suất còn đạt khá cao so với sản xuất đơn thuần như trước đây. Được biết, xã Thạnh Nhựt là xã nằm ở phía Tây của huyện Gò Công Tây có diện tích canh tác lúa khoảng 500 ha, đây là một trong những địa phương đi đầu trong toàn huyện ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào trong sản xuất nông nghiệp. Nhằm hướng đến nền nông nghiệp sạch bền vững, có giá trị kinh tế cao, ngành Nông nghiệp huyện đã triển khai thực hiện nhiều mô hình canh tác theo hướng hữu cơ trong đó có cây lúa và đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét. Mô hình sản xuất lúa hữu cơ vụ Đông Xuân 2023-2024 được ngành Nông nghiệp huyện triển khai tại ấp Thạnh Lạc Đông với quy mô 20 ha, 24 hộ nông dân tham gia, mật độ gieo sạ 100kg/ ha, giảm phân bón vô cơ tăng cường sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh, áp dụng xuyên suốt quy trình sản xuất sử dụng giống chất lượng cao cấp xác nhận, áp dụng IPM trong quản lý dịch hại,…Quá trình theo dõi tình hình sinh trưởng và phát triển của cây lúa trong mô hình cho thấy giống lúa VD 20 nảy mầm tốt, sinh trưởng đạt yêu cầu, phân bón đảm bảo chất lượng, cây lúa hấp thụ phân bón tan chậm từ từ dẫn đến màu lúa không quá xanh nhưng vẫn phát triển tốt, đủ số chồi, số bông/ đơn vị diện tích, cây cứng lá nên hạn chế được dịch hại trong điều kiện thời tiết mưa nhiều vào đầu vụ cũng như nắng nóng vào cuối vụ. Lúa cứng cây, trổ tập trung, vào gạo nhanh nên đạt năng suất cao, toàn bộ các hộ tham gia vào mô hình đều ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hơn so với các hộ ngoài mô hình từ 1- 2 lần. Điều này làm tiết kiệm chi phí sản xuất vừa đảm bảo an toàn an toàn cho môi trường và cho ra đời sản phẩm nông sản sạch, an toàn với sức khỏe con người. Theo ghi nhận chung, năng suất lúa trong mô hình sản xuất lúa hữu cơ đạt từ 8-8,5 tấn/ ha. Đây là mô hình được ngành nông nghiệp huyện và bà con nông dân đánh giá cao về tính hiệu quả, thị trường thương lái thu mua ưa chuộng, giá cả ổn định. Việc áp dụng quy trình sản xuất lúa hữu cơ còn giúp tăng chất lượng hạt gạo, nâng cao sức cạnh tranh của ngành hàng lúa gạo trên thị trường. Ngoài ra đây còn là mô hình thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo của huyện Gò Công Tây ngày càng phát triển ổn định.
Tác giả bài viết: Kim Lan - Nguyễn Quyền