Để quản lý môi trường hiệu quả trong khai thác đất mặt, cần thực hiện các giải pháp sau:
- Tăng cường công tác quản lý, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Ban hành các văn bản quy định chặt chẽ về hoạt động khai thác đất mặt, bao gồm các quy định về đánh giá tác động môi trường, cấp phép khai thác, quy trình khai thác và phục hồi môi trường. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
- Nâng cao ý thức và trách nhiệm của các bên liên quan: Cần tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về tác động môi trường của hoạt động khai thác đất mặt, cũng như trách nhiệm của họ trong việc bảo vệ môi trường. Khuyến khích sử dụng vật liệu tái chế như sử dụng vật liệu tái chế thay cho đất mặt trong các công trình xây dựng nhằm giảm thiểu nhu cầu khai thác.
- Áp dụng các biện pháp kỹ thuật: Khai thác theo quy trình khoa học tiên tiến, hạn chế tối đa tác động đến môi trường. Phục hồi môi trường sau khai thác như trồng cây xanh, cải tạo đất để đảm bảo môi trường được phục hồi sau khi khai thác. Quản lý môi trường trong khai thác đất mặt là trách nhiệm chung của cộng đồng mỗi cá nhân, tổ chức cần nâng cao ý thức và trách nhiệm của mình để bảo vệ môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững.
Mọi trường hợp khai thác đất mặt cần phải được đăng ký và xin phép. Nếu khai thác trái phép thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo Khoản 1, Điều 64, Luật Khoáng sản năm 2010 quy định: Đất làm vật liệu san lấp là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Do đó, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác đất để san lấp, xây dựng công trình thì phải lập hồ sơ khai thác khoáng sản theo quy định.
Khai thác khoáng sản bao gồm 02 trường hợp: Trường hợp không phải đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản và trường hợp phải đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản.
- Trường hợp không phải đề nghị cấp giấy phép:
Khai thác trong diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó (quy định tại Khoản 2, Điều 64, Luật Khoáng sản năm 2010).
- Trường hợp phải đề nghị cấp giấy phép:
Các trường hợp khác phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép mới được khai thác (quy định tại Khoản 1, Điều 65, Luật Khoáng sản năm 2010).
- Thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản
Theo Khoản 2, Điều 82, Luật Khoáng sản năm 2010: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản. Như vậy, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký khai thác đất mặt thì liên hệ Phòng Tài nguyên Nước khoáng sản và Biển của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tiền Giang để được hướng dẫn lập thủ tục xin khai thác khoáng sản.
- Xử lý vi phạm theo Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.
Vi phạm quy định về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không phải đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản (quy định tại Khoản 1, Điều 43, Nghị định số 36/2020/NĐ-CP):
- Đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích đất thuộc quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân mà không sử dụng để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó thì xử phạt như sau:
+ Phạt cảnh cáo đối với trường hợp sử dụng khoáng sản sau khai thác để cho, tặng người khác;
+ Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với trường hợp đem bán khoáng sản sau khai thác cho tổ chức, cá nhân khác.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp lĩnh vực khoáng sản có được do thực hiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định đối với hành vi vi phạm trên.
Vi phạm về khai thác khoáng sản (trừ cát, sỏi lòng sông, suối, hồ) mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (quy định tại Khoản 1, Điều 47 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP):
- Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, cụ thể như sau:
+ Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm đến dưới 10 m3;
+ Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 10 m3 đến dưới 20 m3;
+ Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 20 m3 đến dưới 30 m3;
+ Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác từ 30 m3 đến dưới 40 m3;
+ Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 40 m3 đến dưới 50 m3;
+ Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 50 m3 trở lên.
- Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu toàn bộ khoáng sản được quy đổi bằng tiền; tịch thu phương tiện sử dụng vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định trên.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn;
+ Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và xác minh trong trường hợp có hành vi vi phạm quy định trên.
Đối với hành vi khai thác khoáng sản không có giấy phép khai thác khoáng sản tại khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản thì áp dụng mức phạt tiền cao nhất của khung phạt tương ứng với từng mức phạt quy định trên.
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính:
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền (quy định tại Khoản 1, Điều 64, Nghị định số 36/2020/NĐ-CP):
+ Phạt cảnh cáo;
+ Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;
+ Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 5.000.000 đồng;
+ Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, g, h, k, m và o khoản 3 Điều 4 Nghị định 36/2020/NĐ-CP 24/3/2020 của Chính phủ.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền (quy định tại Khoản 2, Điều 64, Nghị định số 36/2020/NĐ-CP):
+ Phạt cảnh cáo;
+ Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;
+ Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 50.000.000 đồng;
+ Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020.
- Chiến sĩ công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền (quy định tại Khoản 1, Điều 66 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP):
+ Phạt cảnh cáo;
+ Phạt tiền đến 500.000 đồng.
- Trưởng Công an cấp xã có quyền (quy định tại Khoản 3, Điều 66 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP):
+ Phạt cảnh cáo;
+ Phạt tiền đến 2.500.000 đồng;
+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt 2.500.000 đồng.
- Trưởng Công an cấp huyện có quyền (quy định tại Khoản 4, Điều 66 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP):
+ Phạt cảnh cáo;
+ Phạt tiền đến 25.000.000 đồng;
+ Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
+ Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 25.000.000 đồng;
+ Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định các điểm khoản 3, Điều 4 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020.
Tác giả bài viết: Ngô Thị Tuyên Huyền