Mang trong người thương tích sau chiến tranh, thế nhưng ông Thủ luôn lạc quan, hăng hái tích cực tham gia vào các phong trào phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương. Nhờ vậy ông Thủ đã xây dựng được nhà cửa rộng rãi khang trang, nuôi dạy con cái ăn học nên người. Tận dụng diện tích đất trống trong vườn nhà, ông Thủ và vợ chọn lựa mô hình chăn nuôi dê hỗn hợp để tạo nguồn kinh tế ổn định cho gia đình. Ông đầu tư 4 dãy chuồng trại đóng vững chắc để chăn nuôi trung bình trong chuồng có trên 40 con dê. Chủ yếu là các giống dê được thị trường ưa chuộng như Dê Bor, Dê Bắc thảo, Dê lai…toàn bộ nguồn thức ăn cho dê chủ yếu là các loại rau, cỏ trồng trong vườn nhà. Nhờ siêng năng, chịu khó học hỏi kinh nghiệm của bạn bè chăn nuôi xung quanh, ông Thủ có kiến thức chăn nuôi nên ông liên tục xuất bán ra thị trường hết lứa dê này đến lứa dê khác. Có những lúc dê bị tuột giá, thế nhưng ông Thủ vẫn kiên trì, bền bỉ với nghề nuôi dê, nhờ vậy, qua các thời điểm khó khăn giá dê lại ổn định như thời điểm hiện nay, ông Thủ cho biết ông vừa xuất chuồng bán 6 con dê thịt với giá 125.000 đồng/ kg, với giá bán này, trung bình cứ sau một đợt xuất chuồng ông thu được trên 12 triệu đồng từ tiền bán dê.
Theo ông Thủ cho biết, mô hình nuôi dê của ông thời gian qua đang được nhiều người trong xã đến tham quan học tập bởi hiệu quả kinh tế khá ổn định. Đầu tư chi phí thấp, nhẹ công chăm sóc, mô hình đang chứng tỏ ưu thế dê là loài vật nuôi phù hợp với người dân của xã Bình Tân. Thực tế cho thấy việc nuôi dê rất đơn giản, không đòi hỏi kỹ thuật cao, trong thời gian tới ông Thủ sẽ tiếp tục mở rộng chuồng trại, phát triển mô hình nuôi dê sinh sản. “Tôi quyết định giữ lại dê cái để nuôi sinh sản, còn dê đực bán thịt. Nhờ cách làm trên, tôi đã tăng số lượng dê sinh sản và thu nhập khấm khá”. Ông Thủ chia sẻ.
Mỗi năm, từ mô hình nuôi dê này, gia đình ông Thủ có thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Ông Thủ còn cho biết: Dê là con vật dễ nuôi, thức ăn chủ yếu từ cây cỏ tự nhiên như rau muống, rau lang và các loại lá cây… Tuy nhiên, để đạt hiệu quả từ mô hình này, đầu tiên người nuôi phải xác định được con giống tốt và chuồng trại phải đảm bảo độ thông thoáng, vệ sinh sạch sẽ phòng ngừa dịch bệnh. Nhờ tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi dê do Hội Nông dân xã tổ chức, nghiên cứu học hỏi từ trên mạng internet ông Thủ thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật chăm sóc đàn dê, sử dụng đúng thuốc, vắc-xin... nên đàn dê khỏe mạnh, không ngừng tăng số lượng. Với ưu điểm ít vốn, đầu ra ổn định, mô hình nuôi dê đang dần trở thành mô hình cho hiệu quả kinh tế ổn định. Đồng thời, khi thực hiện chăn nuôi mô hình này, nhiều nông dân sẽ tận dụng được nguồn thức ăn là phụ phẩm nông nghiệp như thân cây bắp và lấy công làm lời. Hiện tại dê thương phẩm đang có thị trường tiêu thụ rộng lớn, được đánh giá khá cao nên khi được nhân rộng tại địa phương sẽ tạo ra một hướng phát triển kinh tế mới, mang lại thu nhập cao cho người dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Ông Huỳnh Văn Trí- Bí thư Đảng ủy xã Bình Tân nhận xét “Ông Ngô Văn Thủ là một thương binh, là gia đình chính sách người có công nhưng ông cũng là hội viên nông dân, hội viên Cựu chiến binh tiêu biểu của xã Bình Tân, luôn phát huy tinh thần cách mạng, ông rất siêng năng, nhiệt tình làm kinh tế, vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, đi đầu trong phong trào nuôi dê nên mang lại thu nhập ổn định. Ông Thủ quả thật là một tấm gương sáng cho mọi người học tập noi theo".
Tác giả bài viết: Kim Lan