Cây mai vàng là loại cây đã gắn bó với làng quê Việt Nam từ lúc người dân biết khai hoang, lập làng để sinh sống. Dù đất có khô cằn, thiếu dinh dưỡng thì rể mai vẫn bám và đi sâu vào lòng đất mẹ, lấy nước từ nguồn để nuôi thân cây cũng như người Việt Nam yêu đất Việt và luôn gìn giữ đạo lý, cội nguồn văn hóa đẹp của dân tộc. Cây mai vàng phải chịu nhiều nắng, gió, mưa, bão.... nhưng vẫn vững vàng theo năm tháng, vươn sức sống để đâm chồi nảy lộc, là nét tượng trưng cho phẩm chất nhẫn nại, kiên trì và can đảm trước mọi khó khăn thử thách, phấn đấu xây dựng cuộc sống mới. Hình ảnh cây mai vàng chịu thời tiết khắc nghiệt, để đến cuối đông trút hết những chiếc lá trên cành cho chồi non nảy lộc và những nụ hoa nở vào đầu xuân, nói lên đức tính hy sinh cao cả của cha ông ta cho tương lai thế hệ mai sau. Nhánh mai vàng ngày Tết còn giúp ta giữ gìn nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc về tri ân, báo hiếu ông bà tổ tiên. Mỗi độ xuân về, hoa mai vàng chớm nụ chuẩn bị khoe sắc thì cũng là lúc những thành viên trong gia đình đi làm ăn, sinh sống xa quê lại nao nức trở về quê sum họp, thăm ông bà, cha mẹ... Chính những tính chất đặc biệt nổi bật, tượng trưng cho những đức tính, phẩm chất đẹp của con người Việt Nam, cây mai đã được xếp vào hàng: Mai, Lan, Cúc, Trúc là bốn loài cây tứ quý có những tính chất đặc biệt nổi bật, thể hiện một sức sống mãnh liệt, nhưng bình dị, thanh tao... Hoa Mai không ngạt ngào sắc hương như những loài hoa khác nhưng đặc tính sống của loài mai biểu trưng cho những đức tính tốt đẹp của con người. Cành mai ngày Tết là hình ảnh mang ý nghĩa hàm chứa cho sức sống và trí tuệ của con người Việt Nam. Tên gọi của loài hoa này cũng chính là biểu tượng của sự may mắn, tốt đẹp, một sự khởi đầu hoàn hảo và thịnh vượng cho một năm mới. Hoa mai còn có ý nghĩa xua đuổi những điều xấu xa, không tốt đẹp và cầu cho một năm mới luôn được bình an, hạnh phúc và phát đạt. Và có lẽ vì thế mà hoa mai vàng là một trong những sự lựa chọn hàng đầu của người dân Việt, đặc biệt là người miền Nam, chọn để thờ cúng và trang trí trong nhà vào dịp Tết Nguyên đán. Mỗi độ xuân về, mai vàng làm sắc xuân trở nên tươi đẹp đến lạ kỳ đối với mỗi con người Việt Nam.
Thời gian qua, cây mai vàng được trồng nhiều tại khắp các xã trên địa bàn huyện Gò Công Tây mang về nguồn kinh tế khá ổn định cho người dân, cây mai vàng tùy kích thước lớn nhỏ, mà có giá tiền khác nhau, trung bình từ 1 triệu đồng đến vài ba triệu đồng là có được 1 gốc mai tán tròn đều để trang trí trong dịp Tết. Trên địa bàn huyện cây mai vàng trồng nhiều tại các xã Đồng Sơn, Bình Phú, Thành Công, Thị trấn Vĩnh Bình, Long Vĩnh, Thạnh Nhựt. Người dân trồng mai vàng thường là người có kinh nghiệm lâu năm, biết cách trồng, xử lý sâu đục thân, tạo tán tròn đều, canh lấy nụ đúng dịp Tết trổ bông sẽ có giá cao. Anh Nguyễn Văn Tuấn- nhà vườn trồng mai vàng lâu năm tại ấp Bình Hưng, xã Thành Công cho biết: Tết này anh xuất đi hơn 300 cây mai vàng cỡ vừa đi bán tại chợ Hoa Xuân Thị xã Gò Công, với giá trung bình từ 1 triệu đến 3 triệu 1 gốc, cây mai vàng của anh là loại mai cánh lớn, bông nhiều, gốc đẹp nên mọi năm anh đều bán hết hàng và có lãi, năm nay anh đi bán từ 20 âm lịch, hy vọng một mùa mai vàng Tết thuận lợi có nguồn thu nhập ổn định để tiếp tục đầu tư tiếp cho vụ mai vàng năm sau.
Nhìn chung, nghề trồng cây mai vàng không quá khó, với những người dân siêng năng cần cù, chịu khó học hỏi, thì họ đã nắm bắt và quen thuộc với nghề, đam mê loại hoa này, vừa trồng mai vàng mang đến sự may mắn vừa có thêm nguồn kinh tế cho gia đình vừa tạo cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp. Cây mai vàng trên đất huyện Gò Công Tây thật sự là một loại cây có ý nghĩa và giá trị kinh tế trong mỗi dịp xuân về tết đến.
Tác giả bài viết: Kim Lan