Gò Công Tây: Đánh giá 05 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của BCH Trung ương về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ

Thứ năm - 29/06/2023 00:06
Sau 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đội ngũ cán bộ của huyện Gò Công Tây ngày càng trưởng thành, phát triển, chất lượng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao.
Đ/c Trần Chí Hiền - UVBTV, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy phát biểu tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ 2020-2025
Đ/c Trần Chí Hiền - UVBTV, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy phát biểu tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ 2020-2025

Xác định công tác cán bộ là vấn đề “then chốt của then chốt” trong công tác xây dựng Đảng, ngay sau khi Nghị quyết 26-NQ/TW được ban hành, căn cứ các văn bản chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Huyện uỷ đã tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết (hình thức trực tuyến) cho trên 3.000 cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong toàn huyện (trong đó, cán bộ đảng viên tham dự đạt trên 95%). Đồng thời Huyện ủy ban hành Chương trình hành động số 34-CTr/HU, ngày 16/11/2018 để triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW theo hướng cụ thể, rõ các đầu việc, phân công trách nhiệm cho tập thể các cấp, các ngành, cá nhân, nhất là người đứng đầu hướng đến thực chất và hiệu quả.

Để xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp nói chung và cán bộ cấp chiến lược nói riêng ngang tầm nhiệm vụ, Ban Thường vụ Huyện ủy luôn chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác cán bộ. Chủ động thực hiện công tác bố trí, bổ nhiệm, điều động và luân chuyển cán bộ. Từ năm 2018 đến nay, huyện đã  phân công, điều động 41 đồng chí, luân chuyển 07 đồng chí, Hiệp y với các ngành tỉnh đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch 21 cán bộ lãnh đạo, quản lý; bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý 111 đồng chí (trong đó bổ nhiệm mới 82 đồng chí, bổ nhiệm lại 29 đồng chí. Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành 02 kế hoạch về công tác luân chuyển, điều động cán bộ (KH số 24 ngày 10/6/2021; KH số 72 ngày 17/3/2023) và thực hiện luân chuyển từ huyện về xã đối với 07 đồng chí để giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp xã. Đã thực hiện Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân ở 6/13 xã, thị trấn, Bí thư kiêm chủ tịch UBND xã, thị trấn 3/13 (hiện nay còn 01 xã), Bí thư Đảng ủy không phải là người địa phương 6/13 xã, thị trấn (có 02 nữ), Chủ tịch UBND xã không phải là người địa phương 5/13 xã, thị trấn (có 01 nữ); Tổ chức sắp xếp lại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng, nhiệm vụ tương đồng:

+ Khối Đảng, MTTQ, đoàn thể: Trên cơ sở thực hiện theo Đề án 05-ĐA/HU đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt, Ban Thường vụ Huyện ủy quyết định bố trí kiêm nhiệm 4 chức danh cấp huyện từ ngày 01/8/2018, gồm Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy - Trưởng phòng Nội vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra - Chánh Thanh tra, Trưởng Ban Tuyên giáo - Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy - Chủ tịch MTTQ. Thực hiện Thông báo kết luận số 16-TB/TW ngày 07/7/2022 của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII: từ 01/12/2022, Ban Thường vụ Huyện ủy quyết định cho thôi kiêm nhiệm đối với 02 chức danh (Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy - Trưởng phòng Nội vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra - Chánh Thanh tra). Thực hiện sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tính đến nay đã giảm 02 chức danh cấp trưởng (Trung tâm Chính trị, MTTQ huyện); giảm 04 chức danh cấp phó (Trung tâm Chính trị huyện, Liên đoàn Lao động, Phụ nữ, Cựu chiến binh) và trong năm 2023 sẽ giảm thêm 01 chức danh cấp phó (Hội Nông dân huyện).

+ Khối Nhà nước: Qua sắp xếp tổ chức bộ máy, tính đến nay đã giảm 01 phòng ban huyện (Phòng Y tế). Giảm 11 tổ chức cấp huyện (gồm Phòng Y tế, Đài Truyền thanh -Truyền hình; Trung tâm phát triển Quỹ đất; Mầm non Thạnh Trị 2; Tiểu học Thạnh Trị 2; Tiểu học Bình Nhì 2; Tiểu học Bình Tân 2; Tiểu học Vĩnh Hựu 2; Tiểu học Thạnh Nhựt 2; THCS Phú Thành và THCS Long Bình); giảm 03 lãnh đạo cấp phòng ban huyện (gồm Trưởng phòng Y tế; Trưởng phòng Nội vụ và Chánh Thanh tra huyện).Thực hiện thông báo Kết luận số 16 của Trung ương, ngày 21/11/2022 Ủy ban nhân dân huyện ban hành Quyết định số 1117/QĐ-UBND bổ nhiệm Chánh Thanh tra huyện và Quyết định số 1129/QĐ-UBND bổ nhiệm trưởng Phòng Nội vụ huyện.

+ Đối với cấp xã, thị trấn: Giảm 13 cán bộ, công chức cấp xã; giảm 86 người hoạt động không chuyên trách cấp xã; giảm 66 người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu phố.

Bên cạnh đó, Huyện ủy đã quan tâm, ban hành nhiều văn bản để hướng dẫn, chỉ đạo các cấp uỷ, tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý đảm bảo đúng quy định, có tầm nhìn, có tính mở, đủ số lượng, cơ cấu và đảm bảo sự chuyển tiếp các thế hệ. Kết quả trong 05 năm qua, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã phê duyệt quy hoạch đối với 1.701 lượt cán bộ. Trên cơ sở đó, đã cử 603 lượt cán bộ trong diện quy hoạch đưa đi đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo đủ tiêu chuẩn, trong đó: đào tạo trung cấp chính trị 340 cán bộ; cao cấp chính trị cho 41 cán bộ; bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp huyện cho 03 cán bộ; bồi dưỡng lãnh đạo cấp phòng cho 58 cán bộ; bồi dưỡng lãnh đạo quản lý cấp xã cho 29 cán bộ; đào tạo chuyên môn nghiệp vụ xây dựng Đảng và chính quyền (Văn bằng 2) cho 11 cán bộ, cao học 02 cán bộ; Bồi dưỡng ngạch chuyên viên cao cấp 01 cán bộ, ngạch chuyên viên chính 29 cán bộ, ngạch chuyên viên 89 cán bộ.

Về công tác đánh giá cán bộ, có nhiều đổi mới về nhận thức và cách làm. Hàng năm, trên cơ sở văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy và hướng dẫn của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Huyện ủy Gò Công Tây đều ban hành hướng dẫn về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp sát với tình hình thực tế trên địa bàn huyện. Các tiêu chí đánh giá được xây dựng cụ thể, được minh chứng bằng sản phẩm, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao làm thước đo để đánh giá cán bộ. Việc phân cấp, phân quyền trong công tác quản lý cán bộ và quy trình, tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử từng bước được cụ thể hoá bằng các quy định rõ ràng, chặt chẽ, đồng bộ, từng bước nâng cao được tính chủ động, tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền trong quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát về công tác cán bộ và quản lý cán bộ; giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập cá nhân. Từ năm 2018 đến nay, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy đã kiểm tra, giám sát 07 tổ chức đảng và 09 cá nhân trong việc thực hiện các quy định về công tác cán bộ; giám sát việc kê khai tài sản, xác minh tài sản thu nhập đối với 06 tổ chức đảng và 24 đảng viên là cán bộ chủ chốt thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý. Việc kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức chạy quyền theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW, gắn với thực hiện Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị được triển khai thực hiện nghiêm túc, đảm bảo dân chủ, khách quan, đúng quy định. Đẩy mạnh việc đấu tranh, ngăn chặn, phản bác, xử lý nghiêm, kịp thời, hiệu quả những quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc, những thông tin bịa đặt của các thế lực thù địch,… để phá hoại, chia rẽ, gây mất đoàn kết nội bộ, bôi xấu hình ảnh, hạ thấp uy tín lãnh đạo, cản trở việc thực hiện Nghị quyết. Phát huy vai trò của Mặt trận, các đoàn thể và Nhân dân thực hiện việc giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là giám sát về đạo đức, lối sống và việc theo dõi, quản lý đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và Nhân dân nơi cư trú theo Quy định số 213-QĐ/TW chặt chẽ. Từ đó tạo được sự chuyển biến rõ nét, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế nhất định, đó là: năng lực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa đồng đều, có mặt còn hạn chế; một ít cán bộ lãnh đạo, quản lý thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ; Khả năng cụ thể hóa một số chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên vào thực tế tại địa phương, cơ quan, đơn vị có mặt còn bị động, lúng túng, thiếu chủ động, sáng tạo và quyết liệt. Công tác đánh giá, nhận xét cán bộ lãnh đạo, quản lý vẫn còn hạn chế; công tác tự phê bình và phê bình có lúc, có nơi vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể. Chưa kiên quyết thay thế kịp thời những cán bộ yếu kém, uy tín thấp, không đủ sức khoẻ…

Phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế nêu trên, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, các cấp ủy Đảng tăng cường hơn nữa công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức, tinh thần trách nhiệm, đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu.

Hai là, tập trung củng cố kiện toàn và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống tốt, tận tụy với nhiệm vụ được giao. Thực hiện tốt công tác điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị để rèn luyện qua thực tiễn ở các cấp, các lĩnh vực.

Ba là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định 143/2020/NĐ-CP, ngày 10/12/2020 và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP, ngày 31/8/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108- 2014/NĐCP, ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.

Bốn là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác kiểm điểm, nhận xét, đánh giá cán bộ gắn với quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh; thực hiện tốt việc cho từ chức, miễn nhiệm, cách chức, cho thôi giữ chức vụ đối với cán bộ bị thi hành kỷ luật, uy tín thấp theo quy định.

Năm là, mở rộng dân chủ, phát huy vai trò giám sát của Mặt trận, đoàn thể và Nhân dân tham gia xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, tồn tại, đồng thời kiên quyết, kịp thời xử lý nghiêm minh khi tổ chức, cá nhân có vi phạm trong công tác cán bộ.

Tác giả bài viết: Phạm Chí Trung - Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây