Trong những năm qua, công tác dân vận của huyện tiếp tục có bước phát triển. Ban Thường vụ Huyện ủy Gò Công Tây đã ban hành nhiều chủ trương lãnh đạo công tác dân vận, trong đó nổi bật là Chương trình hành động số 37-CTr/HU ngày 19/8/2013 về việc thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; Kế hoạch số 22-KH/HU ngày 10/5/2021 về thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 13/4/2021 của Tỉnh ủy về lãnh đạo nâng cao hiệu quả công tác dân vận, đẩy mạnh công tác dân vận chính quyền, phát huy dân chủ ở cơ sở, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết chuyên đề số 03-NQ/HU ngày 25/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về phát huy đồng bộ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng niềm tin trong Nhân dân, chủ động sáng tạo thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Ngoài ra, hàng năm Ban Thường vụ Huyện ủy đều ban hành kế hoạch lãnh đạo công tác dân vận, công tác dân tộc, tôn giáo, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn huyện đảm bảo sát với yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ chính trị của địa phương...
Bám sát nhiệm vụ chính trị của huyện, thời gian qua, hệ thống Dân vận, Mặt trận các cấp trong toàn huyện đã phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới; tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng gần dân, sát cơ sở; chủ động nắm bắt tình hình cơ sở, tình hình nhân dân, dân tộc, tôn giáo để tham mưu cho cấp ủy đảng, kiến nghị với chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các vấn đề phát sinh, những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở, góp phần giữ vững ổn định tình hình ở địa phương.
Công tác dân vận chính quyền đã có những chuyển biến tích cực, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chú trọng đổi mới và tăng cường lãnh đạo đối với các cơ quan hành chính nhà nước về tổ chức thực hiện công tác dân vận, gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, thủ trưởng cơ quan, đơn vị; lề lối làm việc, tác phong công tác của cán bộ, công chức, viên chức có nhiều tiến bộ; thực hiện hiệu quả cải cách hành chính, làm tốt cơ chế “một cửa liên thông" trên các lĩnh vực đất đai, nhà ở, đăng ký kinh doanh, hộ tịch... từ huyện đến xã; thường xuyên rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền bãi bỏ, điều chỉnh những thủ tục không cần thiết, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các vấn đề bức xúc của Nhân dân được thực hiện chặt chẽ, công khai dân chủ, đúng quy trình...
Từ thực tiễn quá trình lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác dân vận tại huyện Gò Công Tây, đã rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
Một là, công tác dân vận phải xuất phát từ nhiệm vụ chính trị của địa phương, từ đó làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác dân vận; lấy niềm tin, sự hài lòng, của Nhân dân là thước đo để đánh giá hiệu quả của công tác dân vận.
Hai là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công tác dân vận phải theo hướng gần dân, sát cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trên các lĩnh vực đời sống xã hội.
Ba là, phát huy vai trò của hệ thống Dân vận, Mặt trận, đoàn thể các cấp trong tham mưu thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận. Người làm công tác dân vận phải chủ động nắm bắt tình hình nhân dân, tình hình cơ sở, nội dung tham mưu phải chính xác, kịp thời, sáng tạo, không chung chung, rập khuôn, máy móc, khắc phục phương pháp làm việc hành chính hóa, thiếu thực tiễn.
Bốn là, coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm để kịp thời đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác dân vận tại địa phương.
Huyện Gò Công Tây là huyện nông nghiệp và đang phát triển theo hướng kinh tế nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, đồng thời huyện đang quyết liệt thực hiện các giải pháp kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ... bảo đảm tăng trưởng nhanh, bền vững, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân. Để thực hiện nhiệm vụ này cần có sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đặt biệt là sự đồng thuận của Nhân dân, vì vậy công tác dân vận phải luôn được chú trọng. Để thực hiện được mục tiêu lớn lao đó, trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể từ huyện đến cơ sở tiếp tục bám sát các chủ trương công tác dân vận của Đảng gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, trong đó trọng tâm là thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Một là, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, Huyện ủy về công tác dân vận nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới. Đưa công tác dân vận trở thành nhiệm vụ thường xuyên gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và của cán bộ, đảng viên.
Hai là, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tích cực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, coi trọng công tác tập hợp các tầng lớp Nhân dân, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng, pháp luật cho đoàn viên, hội viên, các tầng lớp Nhân dân; Mỗi tổ chức đảng, mỗi cơ quan, đơn vị xây dựng thành công một mô hình điển hình về công tác dân vận khéo. Làm tốt công tác tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường sự đồng thuận về chính trị và tư tưởng trong xã hội; thực hiện tốt vai trò dân chủ đại diện và phản biện xã hội, vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; tham gia giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở.
Ba là, Hệ thống Dân vận, Mặt trận, đoàn thể từ huyện đến cơ sở phối hợp tốt với các cơ quan liên quan, đảm bảo thực hiện đồng bộ, thống nhất nhiệm vụ theo nội dung Quy chế đã đề ra; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác dân vận.
Bốn là, chăm lo, xây dựng, kiện toàn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận từ huyện đến cơ sở đảm bảo chất lượng, đảm bảo vững về chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu thực tiễn, gần dân, sâu sát cơ sở, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới./.
Tác giả bài viết: Trần Vũ Thanh Huy