HUYỆN ỦY GÒ CÔNG TÂYhttps://huyenuygocongtay.vn/uploads/logocobay.gif
Thứ sáu - 16/06/2023 09:53
Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) có vai trò rất quan trọng. Thực hiện tốt nhiệm vụ này sẽ góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội phát triển ở địa phương.
Thời gian qua Ban Thường vụ Huyện ủy Gò Công Tây đã tập trung quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC. Các cấp ủy Đảng, chính quyền chủ động thực hiện nhiều giải pháp tích cực để đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng tiếp công dân, giải quyết KNTC; chú trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân thông qua công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Cụ thể, đã tuyên truyền nhiều lượt với nhiều hình thức phù hợp cho các đối tượng là cán bộ, công chức, báo cáo viên, tuyên truyền viên từ huyện đến ở cơ sở, các đồng chí là trưởng các chi, tổ, hội và nhân dân về Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân, Luật Phòng chống tham nhũng và các nghị định hướng dẫn thi hành…
Công tác kiểm tra, giám sát được chú trọng để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém, đồng thời định hướng các giải pháp tích cực, hiệu quả, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC. Từ năm 2021 đến nay đã tổ chức thanh tra 05 cuộc và tổ chức kiểm tra đột xuất 40 cuộc. Kết quả qua thanh tra, kiểm tra đã kiểm điểm rút kinh nghiệm 21 cá nhân.
HĐND huyện Gò Công Tây giám sát về công tác tiếp công dân, giải quyết các khiếu nại, tố cáo tại UBND xã Đồng Thạnh.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy tốt vai trò trong vận động, phổ biến, giáo dục pháp luật về KNTC đến cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên và nhân dân; tổ chức hoạt động đối thoại để người dân gặp gỡ, góp ý, bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng chính đáng với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp; tham gia phối hợp hòa giải các vụ việc tranh chấp xảy ra trên địa bàn, đảm bảo các mâu thuẫn trong nhân dân được giải quyết ngay từ cơ sở. Cụ thể trên toàn huyện đến nay có 66 Tổ hòa giải với 446 thành viên, từ năm 2021 đến nay đã hòa giải thành 203/242 vụ việc đạt tỷ lệ 83,9%.
Để phát huy hiệu quả tích cực trong việc tố cáo, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Thường vụ Huyện ủy cũng đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, trước hết là người đứng đầu nêu cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ người tố cáo; thường xuyên theo dõi nắm tình hình tư tưởng, không để xảy ra tình trạng người dân, cán bộ, đảng viên thuộc phạm vi phụ trách bị trả thù, trù dập khi tố cáo. Bên cạnh đó, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng quyền phản ánh, tố giác, tố cáo để bôi nhọ, vu khống, thông tin sai sự thật ảnh hưởng đến uy tín, danh dự cá nhân, tổ chức.
Nhìn chung, công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC trên địa bàn huyện Gò Công Tây đến nay đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế cần tập trung khắc phục, cụ thể là: chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân ở một số cơ quan chưa cao; việc tổ chức, theo dõi, nắm bắt, tổng hợp tình hình tiếp công dân chưa đầy đủ, chưa chính xác gây khó khăn trong công tác quản lý, chỉ đạo; cán bộ tiếp công dân tại cơ sở đa phần là kiêm nhiệm, năng lực, trình độ còn hạn chế, dẫn đến việc phân loại đơn thư, hướng dẫn công dân chưa chuẩn xác. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở một số nơi chưa làm tốt vai trò tham gia hòa giải đối với một số vụ việc tranh chấp, khiếu nại ở cơ sở; công tác giám sát việc tiếp dân, giải quyết KNTC chưa thường xuyên. Vẫn còn xảy ra trường hợp người dân khiếu nại nhiều lần, khiếu nại vượt cấp…
Nguyên nhân của những hạn chế này là do công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tiếp dân, giải quyết KNTC cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân còn hạn chế. Công tác lãnh đạo và tổ chức thực hiện của một số cấp ủy, chính quyền chưa sâu sát, thiếu quyết liệt; người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức chưa quan tâm đúng mức đối với công tác tiếp dân, giải quyết KNTC. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ; đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân và tham mưu giải quyết KNTC chưa được quan tâm, củng cố đúng mức. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế nên có những yêu cầu, đòi hỏi không đúng quy định pháp luật. Có những vụ việc đã được giải quyết nhiều lần với nhiều biện pháp khác nhau, mặc dù đã bảo đảm về chính sách, pháp luật, có lý, có tình nhưng người khiếu nại vẫn cố tình không chấp nhận kết quả giải quyết, cố chấp dẫn đến khiếu nại kéo dài, vượt cấp.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, trong thời gian tới các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung trong tâm như sau:
Một là, Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng về thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC. Trong đó trọng tâm là Chỉ thị 35-CT/TW, Chỉ thị 27-CT/TW và Quy định 11-QĐi/TW của Bộ Chính trị.
Hai là, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KNTC nói riêng trong đó trọng tâm là Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. Đồng thời giáo dục nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi chức trách, nhiệm vụ được giao.
Ba là, Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, bảo vệ người tố cáo. Duy trì thường xuyên công tác tiếp công dân theo quy định; chủ động giải quyết kịp thời các vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền; các vụ việc mới phát sinh từ cơ sở, không để kéo dài, không để xảy ra khiếu kiện đông người, vượt cấp, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động các tổ hòa giải ở cơ sở.
Bốn là, Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan trong việc thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật nhà nước về tiếp công dân, giải quyết KNTC.
Năm là, Tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban ngành, đoàn thể trong việc tiếp công dân, giải quyết KNTC, bảo vệ người tố cáo.
Sáu là, Kiện toàn đội ngũ cán bộ; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực; tăng cường vai trò, trách nhiệm của bộ phận tham mưu, giúp việc, của cán bộ công chức, đảm bảo việc tham mưu, đề xuất trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, bảo vệ người tố cáo nhanh chóng, kịp thời, đúng quy định.
Bảy là, Tăng cường công tác nắm tình hình, giải quyết tình hình có liên quan đến an ninh trật tự, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị lợi dụng tình hình khiếu kiện để kích động chống phá; kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng quyền phản ánh, tố giác, tố cáo để bôi nhọ, vu khống, thông tin sai sự thật ảnh hưởng đến uy tín, danh dự cá nhân, tổ chức.
Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ hết sức quan trọng, qua đó kịp thời nắm bắt thông tin, phản ánh, những bức xúc, những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, từ đó đưa ra hướng giải quyết thấu tình, đạt lý, góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân, hạn chế tối đa việc xảy ra khiếu kiện đông người, vượt cấp, qua đây cũng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của công dân, ngăn chặn và phòng ngừa vi phạm pháp luật. Hơn nữa, thông qua công tác này, các cấp ủy Đảng, chính quyền kịp thời thấy được kết quả của những chủ trương, chính sách đã triển khai thực hiện tại địa phương để từ đó có hướng điều chỉnh, nâng cao hiệu quả trong hoạt động lãnh đạo, quản lý./.