Hội thi được tổ chức trong học kì II của năm học 2022 – 2023. Nội dung của Hội thi xoay quanh một số kiến thức pháp luật về: Luật an toàn giao thông, Luật phòng chống bạo lực học đường, Luật phòng chống ma túy. Hội thi được tổ chức thành hai vòng thi. Vòng thi thứ nhất: Vòng bán kết - thi trực tuyến, tổ chức trong ba tuần: 3, 4, 5. Học sinh sẽ tham gia dự thi tại phòng Tin học của Trường THPT Vĩnh Bình, học sinh trả lời 20 câu hỏi trắc nghiệm. Mỗi câu 1 điểm. Thứ hạng, số điểm của tập thể được tính dựa trên tỉ lệ học sinh tham gia và tổng điểm. Với tinh thần đoàn kết, tích cực tham gia vòng thi trực tuyến, 6 tập thể xuất sắc đã vào vòng thi thứ hai: Vòng chung kết – thi trực tiếp: 10D3, 10A2, 10A7, 11A4, 11D1, 11A5. Trong vòng thi chung kết, mỗi lớp sẽ cử một đội dự thi gồm 5 học sinh. Các em sẽ dự thi đối kháng với những cặp thi đấu: 10A7 và 11D1 – Luật an toàn giao thông; 10A2 và 11A5 – Luật phòng chống bạo lực học đường; 10D3 và 11A4 – Luật phòng chống ma túy.
Học sinh tham gia các vòng thi trực tiếp
Đội dự thi bắt buộc phải tham gia đầy đủ ba phần thi. Phần thi 1: Thi trắc nghiệm 10 câu hỏi. Mỗi câu 3 điểm. Các đội trả lời bằng cách giơ bảng đáp án A, B, C, D do Ban tổ chức chuẩn bị sẵn. Phần thi 2: Hiểu ý đồng đội. Mỗi đội có hai thành viên, một thành viên gợi ý và một thành viên trả lời. Điểm cho mỗi từ khóa trả lời đúng 5 điểm. Phần thi 3: Thi tình huống. Mỗi đội sẽ thực hiện một tiểu phẩm ngắn đã chuẩn bị trước trong thời gian từ 3 – 5 phút. Đội thi sẽ dừng lại tại tình huống cần giải quyết và đặt câu hỏi cho đội bạn trả lời. Đội xây dựng tình huống sẽ công bố đáp án ngay sau câu trả lời của đội bạn. Tổng điểm của phần thi này 45 điểm. Sau một buổi tham gia dự thi trực tiếp, bằng sự nỗ lực hết mình, giải nhất chung cuộc thuộc về lớp 10A2, giải nhì 10D3, 11A4 và giải ba 11D1, 10A7, 11A5.
Hội thi “Tìm hiểu kiến thức pháp luật” là sân chơi bổ ích học sinh để giao lưu, chia sẻ, trau dồi kiến thức pháp luật, hiểu rõ hơn ý nghĩa các quy định pháp luật; giúp việc tuyên truyền các quy định pháp luật gần gũi hơn. Từ đó, góp phần nâng cao kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật của học sinh trong nhà trường. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các em học sinh rèn luyện kĩ năng sống, xem việc thực hiện các quy định của pháp luật như một thói quen cần phải có.
Tác giả bài viết: Bùi Thị Kiều Ngân