Trong xã hội phong kiến, người thầy có một vị trí rất quan trọng. Học trò ngày xưa phải thấm nhuần và tuân theo luân lý ấy. Quyền uy của người Thầy là rất lớn, có khi còn lớn hơn cả cha mẹ. Điều đó cũng nói lên quan niệm về chữ “hiếu” và chữ “đạo” của cha ông ta ngày xưa rất rõ. Ngày xưa, trước khi cho con đi học, cha mẹ sắm một mâm lễ bái lạy tổ tiên, mong con học hành sáng dạ, đỗ đạt. Tỏ lòng thành kính tôn sư trọng đạo, nhiều gia đình còn gửi gắm con ở luôn bên nhà thầy. Đạo trò xưa không chỉ tôn kính người thầy của mình, mà còn có trách nhiệm, nghĩa vụ lớn đối với thầy. Khi ra đường, gặp thầy, học trò phải ngả nón mũ vòng tay chào lễ phép. Lúc thầy già yếu, các đồng môn thường lo sắm cỗ thọ đường (áo quan). Thầy qua đời, trò chung nhau lo việc ma chay và có trách nhiệm với gia đình thầy, với ngày giỗ thầy... Tất cả những việc làm đó hoàn toàn xuất phát từ lẽ tự nhiên mà không hề vụ lợi, ép buộc. Mối quan hệ thầy - trò tượng trưng cho nét đẹp văn hóa ứng xử của người Việt.
Người thầy luôn là tấm gương sáng cho học trò noi theo, ngoài việc có kiến thức uyên bác thì người thầy phải có đạo đức, lối sống mẫu mực, có lòng yêu thương học trò, yêu nghề, sống nhân ái nghĩa tình, trọng đạo lý. Tìm trong lịch sử dân tộc ta có biết bao bậc thầy vĩ đại, cả đời tận trung vì dân, vì nước. Cuộc sống của họ thanh bần mà được người dân ca tụng, lưu danh muôn thuở. Ví như thầy giáo Chu Văn An (thời Trần), là người thầy tài cao, đức trọng, ngay thẳng, cương trực, ông có công dạy dỗ nhiều người thành đạt nhưng không màng danh lợi. Hay nhân cách cứng cỏi, bản lĩnh của cụ Tư đồ Trần Nguyên Đán; nhà giáo Lương Đắc Bằng nghiêm khắc dạy bảo, truyền kinh lý cho Nguyễn Bỉnh Khiêm thi đỗ trạng nguyên…
Ngày nay, khi đất nước đang chuyển mình với những chủ trương đổi mới trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội, truyền thống “tôn sư trọng đạo” vẫn được tiếp nối và phát huy. Vị trí người thầy không ngừng được nâng lên, ơn nghĩa đối với người thầy vẫn là một trong những đạo lý được coi trọng. Đảng và Nhà nước cũng như toàn xã hội luôn quan tâm đến giáo dục và đời sống vật chất, tinh thần của người thầy; đề ra nhiều chính sách nhằm ưu tiên cho phát triển giáo dục. Đặc biệt, trong xã hội học tập, mọi người được học tập suốt đời như hiện nay thì vai trò của người thầy lại càng trở nên quan trọng. Những cuộc vận động của ngành giáo dục trong thời gian qua đã nâng vị thế của nhà giáo lên tầm cao mới. Đó là “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương tự học và sáng tạo”... Cùng với giáo dục cả nước, ngành giáo dục huyện Gò Công Tây đã có biết bao thầy, cô giáo vì sự nghiệp “trồng người”, vì thế hệ tương lai của đất nước đã vượt qua khó khăn, biết bao tấm gương thầy, cô luôn tận tâm truyền lửa đam mê giúp học sinh mang lại vinh quang cho quê hương, đất nước trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế. Tất cả điều đó là niềm tự hào của mỗi người dân huyện Gò Công Tây tự hào về một truyền thống “tôn sư trọng đạo”.
Đạo lý thầy - trò, “tôn sư trọng đạo” không chỉ là vấn đề đạo đức mà còn là một truyền thống văn hóa vô cùng tốt đẹp của Nhân dân ta. Đó cũng là yếu tố quan trọng làm nên nền tảng đạo đức của xã hội văn minh. Vì lẽ đó, trên khắp đất nước, ở đâu cũng vậy, từ thành thị đến nông thôn, người dân Việt Nam đều yêu quý, tôn trọng người thầy, đều dành cho thầy những tình cảm và lòng biết ơn sâu sắc. Người thầy được tôn vinh thì nghề dạy học cũng được coi trọng. Không phải ngẫu nhiên mà giáo dục đào tạo lại được coi là quốc sách hàng đầu và ngày 20/11 hằng năm trở thành ngày hội lớn để tôn vinh người thầy và nghề dạy học cao quý.
Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, truyền thống “tôn sư trọng đạo” ngày nay đã có nhiều điều đáng phải bàn. Dưới tác động của mặt trái cơ chế thị trường và những tiêu cực của đời sống xã hội, một bộ phận nhà giáo thiếu tâm huyết với nghề, đánh mất lòng tự trọng nghề nghiệp, xu hướng thương mại hóa giáo dục đã tạo ra vòng xoáy cuốn một bộ phận giáo viên rời xa truyền thống và tôn chỉ của nghề sư phạm. Thậm chí có những thầy, cô giáo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật trong ứng xử học đường... Tất cả đã và đang làm phương hại đến truyền thống “tôn sư trọng đạo”, làm tổn thương đến những nhà giáo chân chính. Đối với học sinh, bên cạnh những em chăm chỉ ngoan ngoãn, thực hiện đúng đạo làm trò, kính yêu và tôn trọng thầy, cô giáo, đã có không ít bạn quên đi đạo nghĩa thầy - trò. Có những học sinh vô tình hoặc cố ý vi phạm đạo làm trò, xúc phạm thầy cô giáo, vô lễ với những người đang ngày đêm dạy bảo mình những điều hay lẽ phải, truyền đạt cho mình những tinh hoa tri thức nhân loại...
Người xưa thường nói “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, nghĩa là một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy. Hàm ý muốn nhắc nhở chúng ta về đạo thầy - trò. Rằng phải tôn kính, biết ơn người dạy dỗ, dìu dắt mình, dù chỉ là điều nhỏ nhặt nhất. Hiện nay, chúng ta đang tiến hành đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà theo nghị quyết của Đảng. Đội ngũ nhà giáo huyện nhà cần xác định sứ mệnh và trách nhiệm của mình trước xã hội như lời Bác Hồ - người thầy vĩ đại của dân tộc đã dạy: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Đối với các thế hệ học sinh phải biết giữ gìn và phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo”, đạo lý thầy - trò để đưa sự nghiệp “trồng người” của huyện nhà không ngừng phát triển đi lên.
Tác giả bài viết: Kim Lan