Trong hội thảo ông Nguyễn Văn Chiểu – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Gò Công Tây hướng dẫn hộ chăn nuôi cách nhận biết bệnh, chủ động phòng tránh bệnh Dịch tả heo Châu Phi, bằng tiêm ngừa vắc xin, các biện pháp sinh học và các chủ trương, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi thú y.
Trước tình hình bệnh Dịch tả heo Châu Phi đang diễn biến phức tạp, đã xảy ra trên địa bàn xã Vĩnh Hựu và xã Long Vĩnh. Tiêu hủy 40 con heo với khối lượng 510 kg. Việc trang bị kiến thức cho hộ chăn nuôi biện pháp phòng bệnh Dịch tả heo Châu Phi là rất cần thiết để hộ chăn nuôi heo chủ động phòng tránh.
Để chủ động phòng bệnh Dịch tả heo Châu Phi, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Gò Công Tây khuyến cáo chủ chăn nuôi nhận biết và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sau:
1. Đặc điểm bệnh dịch tả heo Châu Phi (DTHCP): Bệnh dịch tả heo Châu Phi là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm do vi rút gây ra, gây chết heo với tỷ lệ lên đến 100% gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi.
2. Dấu hiệu nhận biết bệnh DTHCP: Heo bỏ ăn, ít vận động, ủ rũ, nằm chồng đống, có biểu hiện đau vùng bụng, cong lưng, tiêu chảy ra máu; Da từ trắng chuyển sang màu đỏ, có xuất huyết vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng có màu sẫm, xanh tím do xuất huyết. Heo chết hàng loạt.
3. Đường lây truyền bệnh DTHCP: Bệnh lây nhiễm chủ yếu thông qua đường tiêu hóa. Heo khỏe mạnh có thể bị nhiễm bệnh khi ăn thức ăn thừa của con người có vi rút gây bệnh ( từ nhà hàng, khách sạn, khu công nghiệp…) chưa được xử lý nhiệt, nấu chín.. Heo có thể bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc với phương tiện, dụng cụ chăn nuôi, bao bì đựng cám, quần áo của người chăn nuôi, nguồn nước có mang mầm bệnh…
4. Các biện pháp phòng bệnh DTHCP: Thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi cụ thể: Kiểm soát nghiêm ngặt, khử trùng tiêu độc triệt để tất cả các phương tiện vận chuyển ra vào trại chuồng, không mang thực phẩm từ heo vào trại; Không dùng thức ăn thừa để nuôi heo. Không sử dụng nước mặt ( nước sông, mương ao…) chưa qua khử trùng để chăn nuôi heo; Kiểm soát tốt côn trùng, chuột. Tuyệt đối mua heo giống và sử dụng tinh heo phải từ vùng, cơ sở an toàn đối với bệnh DTHCP. Trước khi vào khu vực chăn nuôi, người chăm sóc heo cần phải thay đổi quần áo, giày dép ( ủng) của trại; toàn bộ xe, vật dụng chăn nuôi, bao thức ăn đều phải khử trùng, tiêu độc triệt để. Cần phát hiện sớm heo mắt bệnh qua dấu hiệu đầu tiên là heo “ ho” từ số lượng ít đến số lượng nhiều, cách ly để theo dõi và thông báo ngay. Nếu có kết quả dương tính với vi rút DTHCP thì phải hợp tác với chính quyền địa phương tiêu hủy nhanh heo có dấu hiệu bệnh để kịp thời loại bỏ vi rút DTHCP trong trại nhằm giữ lại số heo khỏe mạnh. Khi heo mắc bệnh, bà con chăn nuôi lập tức khai báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện ( số điện thoại 02733.838.399 hoặc 0919.035.514) để được hướng dẫn và can thiệp kịp thời.
Tiêm vắc xin phòng bệnh DTHCP: hiện nay thị trường Việt Nam có 02 loại vắc xin phòng bệnh là: (NAVET ASF VAC và AVAC ASF LIVE) được cấp Giấy phép chứng nhận lưu hành theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và đang được triển khai sử dụng rộng rãi trên phạm vi cả nước. Trước áp lực của bệnh DTHCP, chủ nuôi cần chủ động tự mua vắc xin phòng bệnh để tiêm cho đàn heo thịt ( đảm bảo đúng lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất).
Người người, nhà nhà hãy chung tay phòng chống dịch bệnh Dịch tả heo Châu Phi, góp phần phát triển ngành chăn nuôi heo tại địa phương.
Tác giả bài viết: Thanh Xuân