Kết quả thực hiện việc phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn huyện Gò Công Tây và giải pháp thực hiện trong thời gian tới

Thứ sáu - 21/07/2023 03:13
Rác thải đang là một trong những vấn đề đang được đông đảo mọi người quan tâm cùng với thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa như hiện nay thì khối lượng rác sinh ra mỗi ngày càng tăng. Tuy nhiên, công tác quản lý chất thải rắn còn gặp nhiều khó khăn như chưa tiến hành phân loại rác tại nguồn, còn sử dụng phương pháp đốt chất thải rắn tại nhà, thu gom chưa triệt để… Đó là vấn đề cấp thiết cần được chú trọng và nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường.
Thu gom rác sau khi phân loại.
Thu gom rác sau khi phân loại.

Phân loại rác đã được phổ biến đến người dân bằng những buổi tuyên truyền, các phương tiện truyền thông, các poster, tờ bướm... Một phần người dân chưa phân loại đạt và đúng theo yêu cầu phân loại mặc dù đã được tuyên truyền. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân vẫn còn giữ thói quen đựng rác thải chung lại một bao vì người dân cảm thấy việc phân loại sẽ tốn thời gian, diện tích để phân loại.

Một vài người vì để không tốn chi phí thu gom họ mang những bao rác này vứt bừa bãi ra đường, để chung rác với những hộ khác. Hơn thế nữa, họ còn vứt thẳng xuống những ao, hồ, kênh, rạch… thậm chí là vứt cả những vật nuôi đã chết thay vì xử lý chúng bằng những biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường. Một số khác thì mang chúng đi đốt vì họ nghĩ rằng họ có diện tích để đốt những rác thải này tại sao họ phải tốn chi phí cho việc thu gom.

Ảnh hưởng của việc đốt rác thải trong thời gian dài sẽ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân xung quanh. Các chất độc hại sản sinh ra trong quá trình đốt sẽ đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của người dân gây khó thở, viêm đường hô hấp.

Bên cạnh đó, vẫn có trường hợp người dân trộn lẫn các rác thải khác vào trong rác thải sinh hoạt để thu gom như bao, bì thuốc bảo vệ thực vật, chai, lọ thủy tinh, bóng đèn,…gây khó khăn trong vấn đề lựa chọn phương pháp xử lý khi quá trình phân loại chưa nghiêm túc.

Ngoài ra, hiện trạng thu gom chưa triệt để vẫn còn người dân không đăng ký thu gom hoặc người dân ở vùng sâu chỉ vài ba hộ dân xe chuyên dụng không thể vào và họ không thể chở rác đến bãi tập kết như yêu cầu. Đồng thời, lịch trình thu gom không đúng như thông báo khiến những bao rác thải gây mùi khó chịu gây ô nhiễm môi trường. Đội ngũ thu gom cần phải tiến hành theo đúng lịch trình như đã thông báo để rác thải được thu gom đúng ngày, kịp thời xử lý để tránh gây mùi hôi thối khó chịu làm mất mỹ quan đô thị.

 

Hội LHPN xã Yên Luông sinh hoạt truyền thông và tham quan học tập mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn.


Trong những năm qua, cùng với việc tập trung phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã rất quan tâm đến việc lãnh, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường, nhất là thực hiện các nội dung tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới nên công tác xây dựng cảnh quan, thu gom rác thải được quan tâm thực hiện, các nội dung trên đã góp phần làm cho công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến tích cực. Việc xây dựng và giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp được Ủy ban nhân dân huyện, xã tập trung thực hiện thường xuyên, có sự tham gia của cả hệ thống chính trị và nhân dân trên toàn địa bàn.
 

Hỗ trợ đào hố xử lý rác hữu cơ tại nhà hộ dân tại xã Long Vĩnh.
 

Cán bộ xã cùng người dân xã Đồng Sơn thực hiện thu gom rác tại các điểm ven đường.


Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về lối sống thân thiện với môi trường, từng bước làm thay đổi hành vi và hình thành thói quen tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và thải bỏ chất thải đúng quy định, hướng tới việc tăng cường tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng và giảm chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, góp phần cải thiện chất lượng môi trường, chất lượng sống đảm bảo sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững.
 

Họp Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch phân loại xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn giai đoạn 2022-2025.


Năm 2022, Ủy ban nhân dân huyện phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện ban hành Kế hoạch số 102/KH-UBND-MTTQ ngày 07/6/2022 về thực hiện phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn huyện, giai đoạn 2022-2025, tổ chức hội nghị triển khai Kế hoạch này đến Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Thủ trưởng các cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện, Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, nhằm đưa hoạt động này dần đi vào nề nếp. Chất thải rắn sinh hoạt được phân loại thành 03 loại: Rác tái chế, tái sử dụng (người dân bán cho cơ sở thu mua phế liệu); Rác hữu cơ (người dân chôn lấp tại hố rác trong vườn nhà); Rác vô cơ không tái chế (người dân đem ra trước nhà theo lịch thông báo, có Tổ thu gom đến lấy).

Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện, cấp ủy, Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ kiểm tra, Tổ thu gom đồng loạt đi vào thực hiện. Triển khai rộng khắp và hướng dẫn chi tiết đến từng hộ dân cách phân loại, cách xử lý và lịch trình thu gom rác của Ban Quản lý công trình công cộng để mọi người cùng phối hợp thực hiện. Thủ trưởng các cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện chịu trách nhiệm về việc tổ chức triển khai và hướng dẫn thực hiện công tác phân loại, xử lý rác tại cơ quan mình và vận động toàn thể cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại đơn vị nghiêm túc thực hiện tốt việc phân loại và xử lý rác tại hộ gia đình nơi mình sinh sống.

Từ sự vào cuộc quyết liệt trên, việc thực hiện phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn đến nay đã được những kết quả tích cực, cụ thể như sau:

- Số hộ dân đã ký cam kết thực hiện đúng quy trình phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình trên địa bàn huyện là 34.762/34.892= 99,63%. Số hộ đã thực hiện phân loại là 32.032/34.892 = 92,15%. Số hộ dân có đất để xử lý rác hữu cơ trên địa bàn huyện là 28.410/34.892 hộ, chiếm 81,42%. Số hộ dân không có đất để đào hố xử lý rác là 6.482/34.892 hộ, chiếm 18,58%. Số hộ dân đã lập bộ là 34.892 hộ với tổng số tiền dự kiến thu được là 3.280.755.000 đồng, với mức thu là 10.000 đồng và 20.000 đồng/tháng/hộ. Đến ngày 31/5/2023 các xã, thị trấn đã thu được 1.659.877.000 đồng/ 3.280.755.000 đồng, đạt 50,59%.

- Ban Quản lý công trình công cộng (BQL.CTCC) huyện ký hợp đồng với 10 xã (03 xã tự tổ chức thu gom). Đến nay, có 27.999 hộ dân thu gom rác, đạt 80,24%. Khối lượng thu gom trung bình 01 ngày/ 40,5 tấn rác sinh hoạt (23,5 tấn rác vô cơ và 17 tấn rác hữu cơ).

Việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 102/KH-UBND-MTTQ ngày 07/6/2022 bước đầu làm cho người dân dần hình thành thói quen xử lý rác tại nguồn, bỏ rác đúng ngày đúng loại, đúng nơi quy định, không vứt rác ra đường, nhất là người dân biết tận dụng nguồn lợi từ các loại rác tái chế, tái sử dụng. Việc nâng cao nhận thức và sự quan tâm của chính quyền các cấp với việc quản lý, phân loại và xử lý rác ngày được nâng lên. Công tác phối hợp với các ngành huyện và BQL.CTCC trong thu gom, vận chuyển rác thải dần đi vào nề nếp. Đưa công tác quản lý môi trường rác thải và quản lý việc thu phí rác ngày càng nề nếp, từ đó nắm được thực tế tình hình thu gom và xử lý rác thải của người dân trong xã mình, hàng tháng để có giải pháp chấn chỉnh, kiện toàn kịp thời.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, vẫn còn những hạn chế, tồn tại như:

Vẫn còn một số hộ dân đã đăng ký phân loại, xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình nhưng không làm mà đem hết ra để trước nhà cho xe thu gom; vẫn còn một số hộ dân đem rác ra không đúng lịch thu gom, làm cho các tuyến đường luôn tồn đọng rác, gây mất mỹ quan; hộ dân đem rác ra không đúng vị trí nên đơn vị thu gom không thu gom được; một số ít hộ dân chưa phân loại vẫn đem rác ra cho xe thu gom; một số hộ dân chưa tự giác đóng phí rác thải ...

Đối với Tổ thu gom thì vẫn còn nhận rác chưa phân loại mà không báo cáo về Ủy ban nhân dân xã để làm việc với những hộ dân chưa phân loại; thu gom rác không hết số tuyến đường và chiều dài tuyến đường trên địa bàn; xe thu gom rác của các đơn vị thu gom chưa được che chắn kín đáo.

Đối với UBND các xã, thị trấn thì công tác tuyên truyền về thu gom, phân loại và xử lý rác thải ở một số xã, thị trấn vẫn còn có những hạn chế, chưa thường xuyên, chưa thật sự sâu rộng; công tác kiểm tra việc phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn của hộ dân và kiểm tra việc thu gom rác thải của đơn vị thu gom, tổ thu gom chưa thường xuyên; chưa rà soát, thống kê được hết số hộ dân trên các tuyến đường trên địa bản quản lý; chưa vận động hộ dân nằm trong sâu đem rác ra ngoài; công tác thu phí còn chậm, chưa đạt yêu cầu; chưa xác định được khối lượng rác trên địa bàn thu gom chủ yếu lấy số liệu từ BQL.CTCC để báo cáo.

Thời gian tới cần thực hiện tốt hơn các giải pháp:

Đối với Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về thu gom, phân loại và xử lý rác thải; công tác tuyên truyền phải đi vào thực chất, nội dung ngắn gọn, dễ hiểu bằng nhiều hình thức; tiếp tục vận động người dân thay đổi thói quen, thực hiện phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn theo đúng Kế hoạch số 102/KH-UBND-MTTQ; tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt của hộ dân trên địa bàn quản lý; tiến hành lập biên bản vi phạm đối với những hộ chưa thực hiện phân loại; thường xuyên kiểm tra việc thu gom rác thải của đơn vị thu gom, tổ thu gom; kiểm tra các điểm tập kết rác trên địa bàn quản lý tránh trường hợp rác rơi vãi ra đường.

Tiếp tục tuyên truyền, vận động hộ dân đóng phí thu gom rác thải; thông báo lịch thu gom đến từng ấp, khu phố trên địa bàn quản lý biết để thực hiện theo đúng lịch; phối hợp khảo sát và đôn đốc BQL.CTCC thực hiện thu gom có hiệu quả hơn; xác định hộ thu gom rác hữu cơ bằng chấm đỏ; tổ chức rà soát, thống kê đầy đủ các tuyến đường trên địa bàn quản lý; tiếp tục vận động hộ dân nằm trong sâu đem rác ra ngoài cho xe thu gom.

Đối với BQL.CTCC thì không thu gom rác đối với hộ dân chưa thực hiện phân loại và không thu gom rác hữu cơ đối với hộ dân đã đăng ký xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình, nhưng lại đem rác ra ngoài (báo về Ủy ban nhân dân xã để làm việc với hộ dân); tổ chức thu gom đúng theo lịch đã thông báo, thu gom hết các tuyến đường trên địa bàn, hạn chế để rác ở các điểm tập kết quá 24 giờ.

Tóm lại, cần phải nâng cao công tác quản lý chất thải rắn ở mỗi địa phương, nhất là khuyến khích người dân thực hiện phân loại rác đạt theo yêu cầu phân loại, điều này góp phần làm cho việc lựa chọn phương pháp xử lý phù hợp diễn ra dễ dàng hơn. Tiếp theo là, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền lồng ghép những bài giảng về bảo vệ môi trường trong giáo dục, đối tượng đặc biệt góp phần quan trọng trong quá trình phân loại rác là các chị em phụ nữ vì hầu hết phụ nữ đóng vai trò chính trong việc phân loại này. Có làm tốt công tác quản lý này thì mới giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải như hiện nay.

Tác giả bài viết: Châu Anh Vũ - Trưởng Phòng TN và MT huyện

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây