Tham dự hội nghị có Tiến sĩ Nguyễn Quốc Nghi - Đại diện Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại thuộc Bộ Công thương; ông Lê Đức Cường- Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Gò Công Tây; đại diện lãnh đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng, cán bộ phụ trách công tác phát triển sản phẩm OCOP, các hộ kinh doanh, hợp tác xã của các đơn vị huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông, Thị xã Gò Công, Tân Phú Đông.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe hướng dẫn tìm hiểu các nội dung chủ yếu như: Kỹ năng xây dựng, quản trị và phát triển thương hiệu, kỹ năng xúc tiến thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP.
Qua thời gian thực hiện triển khai Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm OCOP và triển khai xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, với sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của Nhân dân và doanh nghiệp trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP và hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm trên địa bàn các huyện, thị xã qua đó đã tạo lượng hàng hóa đáng kể, sản phẩm ngày càng đa dạng, nâng cao giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đại diện Sở Công thương tỉnh Tiền Giang phát biểu tại hội nghị.
Theo Sở Công thương cho biết để xây dựng hiệu quả và thành công các chương trình OCOP cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh, phối hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về nguồn gốc, hàng nhập lậu, hàng giả,... tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho sản phẩm OCOP; hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh ưu tiên sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu và các yếu tố đầu vào là các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của địa phương.
Qua việc tổ chức tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ làm công tác OCOP, người dân và các chủ thể tham gia sản phẩm OCOP về vai trò, tầm quan trọng trong việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm OCOP. Từ đó tiếp tục có sự quan tâm, đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, khuyến khích cải tiến mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm, thường xuyên quảng bá sản phẩm, tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm gắn với phát triển du lịch địa phương, xây dựng các cửa hàng để giới thiệu, trưng bày và kinh doanh các sản phẩm OCOP. Ngoài ra, các địa phương sẽ có thêm nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các sản phẩm có lợi thế của địa phương, giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm được công nhận. Tập trung công tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực, rà soát, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP. Trong đó, quan tâm hướng dẫn, tư vấn nhận dạng sản phẩm, tiêu chí và tiêu chuẩn đánh giá, quy trình đánh giá, hồ sơ, thủ tục để được công nhận... từ đó hỗ trợ các chủ thể kinh tế, người dân phát triển nâng hạng sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm OCOP của các địa phương góp phần tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu…
Tác giả bài viết: Kim Lan