Tham dự buổi giám sát có ông Nguyễn Hữu Lợi- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, bà Nguyễn Thị Kim Nhung- Trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh – Trưởng Đoàn, cùng các thành viên trong Đoàn Giám sát. Về phía huyện Gò Công Tây có ông Huỳnh Thanh Bình- Phó Bí thư- Chủ tịch UBND huyện, bà Lê Nhất Nam- Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy- Phó Chủ tịch HĐND huyện, bà Phan Thị Tiếm- Phó Ban Pháp chế, Hội đồng nhân dân huyện, cùng đại diện các phòng, ban có liên quan.
Tại buổi giám sát, thay mặt UBND huyện, Phòng Tư pháp huyện đã báo cáo tóm tắt về tình hình xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn huyện trong thời gian qua. Nhìn chung, công tác xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn huyện ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là tăng cường tuần tra kiểm soát, phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hành chính, đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.
Công tác xử phạt vi phạm hành chính được các cơ quan, các ngành, UBND các xã, thị trấn thực hiện quyết liệt, kịp thời, xử phạt đúng đối tượng, đúng hành vi vi phạm và đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước trên địa bàn. Các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đều được thi hành kịp thời, đảm bảo thời hạn theo quy định, các biện pháp xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả được xem xét đúng quy định. Trong giai đoạn từ năm 2022-2023, toàn huyện đã tăng cường tổ chức được gần 300 cuộc tuyên truyền cho trên 8.000 lượt người dân tham gia, thông qua hệ thống loa, đài phát thanh tuyên truyền trên 590 cuộc với hơn 1.200 lượt phát thanh để tuyên truyền các quy định pháp luật nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
Kết quả thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong thời gian qua, huyện đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 3.162 quyết định đối với 2.622 trường hợp vi phạm, số quyết định đã thi hành đến nay là 3.016 quyết định, số quyết định chưa thi hành là 112 quyết định, nguyên nhân do không có tài sản thi hành, người vi phạm bỏ địa phương, số quyết định hết hiệu lực thi hành 34 quyết định, nguyên nhân xuất phát từ quyết định chưa thi hành xong, chưa đủ điều kiện để thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính dẫn đến hết hiệu lực thi hành quyết định. Tổng số tiền thu được từ xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật là 7 tỷ 914 triệu đồng.
Trong thời gian qua, công tác thi hành xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn huyện đã được cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến xã quan tâm chỉ đạo quyết liệt, cùng với ý thức, tinh thần trách nhiệm cao của đội ngũ thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính nên đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giữ vững an ninh trật tự, tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn huyện. Tại buổi giám sát, đại diện các cơ quan chức năng như Phòng Tư pháp, các Đội nghiệp vụ Công an huyện cũng đã nêu lên các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi nhiệm vụ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, từ đó đề xuất với HĐND tỉnh xem xét có hướng giải quyết tháo gỡ trong thời gian tới.
Cũng tại buổi giám sát, các thành viên trong Đoàn Giám sát tỉnh như Sở Tư pháp, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát cũng đã chỉ ra các vấn đề còn hạn chế trong công tác giải quyết xử phạt vi phạm hành chính của huyện, để huyện nắm bắt và rút kinh nghiệm thực hiện tốt hơn trong thời gian tới. Mặc dù, công tác thi hành xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn huyện trong suốt thời gian qua được đặt dưới sự lãnh, chỉ đạo, điều hành của UBND huyện, tuy nhiên vẫn vướng phải một số khó khăn như quy định thời hạn 24 giờ phải chuyển biên bản vi phạm hành chính cho người có thẩm quyền xử phạt gây khó khăn do có 01 số trường hợp hành vi vi phạm phát hiện vào các ngày nghỉ cuối tuần gây khó khăn khi xử lý vi phạm hành chính, ngoài ra đối với các quy định trả lại phương tiện, tang vật khai thác khoáng sản trái phép cho chủ sở hữu, các chủ sở hữu dựa vào điều này thuê mướn người lao động, cho người lao động hợp đồng thuê mướn phương tiện nên không biết người lao động có hành vi khai thác cát trái phép nên rất khó xử lý…Ngoài ra còn một số khó khăn khác trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính.
Tại buổi làm việc, Đoàn Giám sát HĐND tỉnh Tiền Giang đã ghi nhận và đánh giá cao về những kết quả huyện Gò Công Tây đã quyết tâm phấn đấu thực hiện tốt công tác xử lý vi phạm hành chính và đề nghị ngành chức năng huyện tiếp tục thống kê, rà soát, tổng số liệu báo cáo chính thức để hoàn thiện báo cáo kết quả chung về công tác xử lý vi phạm hành chính gửi về Thường trực HĐND tỉnh, đoàn cũng ghi nhận các ý kiến, kiến nghị khó khăn của các cơ quan, ban ngành huyện trong giải quyết các vấn đề liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính. Ngoài ra, đoàn cũng lưu ý các vấn đề liên quan đến việc xử phạt hành chính, cưỡng chế thi hành, hạn chế tình trạng ra quyết định kéo dài chưa thi hành được dẫn đến quyết định hết hiệu lực thi hành.
Tác giả bài viết: Kim Lan - Quốc Nam