Tham dự hội nghị có ông Phan Thanh Vân và bà Nguyễn Thị Kiều Loan- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang, đại diện các phòng chuyên môn của Sở Lao động- Thương binh và xã hội tỉnh Tiền Giang, đại diện các cán bộ, lãnh đạo của Phòng Lao động- Thương binh và xã hội của 11 đơn vị huyện, thành, thị trong toàn tỉnh, về phía lãnh đạo huyện Gò Công Tây có ông Nguyễn Thanh Tuấn- Huyện ủy viên- Phó Chủ tịch UBND huyện.
Thời gian qua, cùng với sự phát triển của kinh tế- xã hội, các chủ trương chính sách về ưu đãi người có công đã được ban hành và ngày càng hoàn thiện. Hệ thống chính sách luôn được bổ sung, sửa đổi nhằm từng bước cải thiện đời sống của những người có công với cách mạng, phù hợp với sự phát triển của đất nước và đời sống của Nhân dân. Ngoài ra, công tác tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trực tuyến trên phần mềm một cửa điện tử, công tác hỗ trợ giải quyết trợ cấp mai táng phí khi người có công từ trần theo Đề án 06 của Chính phủ, công tác chi trả không dùng tiền mặt theo Chỉ thị số 21 của Chính phủ cũng ngày càng được các địa phương quan tâm, lãnh chỉ đạo triển khai thực hiện từng bước phù hợp mang lại nhiều tiện lợi hiệu quả.
Kết quả, trong năm 2023, toàn tỉnh đã giải quyết chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là 13 trường hợp, giải quyết chế độ cho người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế bị địch bắt tù đày 8 trường hợp, giải quyết chế độ hưởng trợ cấp một lần cho người có công giúp đỡ cách mạng, người hoạt động kháng chiến 15 trường hợp, giải quyết trợ cấp tuất hàng tháng khi người có công từ trần 65 trường hợp, giải quyết chế độ con liệt sĩ tàn tật, khuyết tật sau khi đủ 18 tuổi cho 22 trường hợp, vợ liệt sĩ tái giá 4 trường hợp, bổ sung tình hình thân nhân liệt sĩ 4 trường hợp, giải quyết trợ cấp thờ cúng liệt sĩ 379 trường hợp, chuyển trợ cấp thờ cúng 454 trường hợp, quyết định trợ cấp 03 tháng lương và mai táng phí cho thân nhân người có công từ trần 1.293 trường hợp, chuyển hồ sơ người có công đi tỉnh khác và tiếp nhận hồ sơ người có công do tỉnh khác chuyển đến là 114 trường hợp, thực hiện điều chỉnh và cấp lại 156 giấy chứng nhận liệt sĩ do sai lệch thông tin.
Ngoài ra, công tác điều dưỡng người có công cũng được quan tâm thực hiện tốt theo đúng quy định, điều dưỡng tại nhà 7.801 người với tổng số tiền gần 12 tỷ đồng, điều dưỡng tập trung 14 đợt số lượng 960 người với tổng số tiền hơn 3,2 tỷ đồng. Công tác hỗ trợ nhà ở người có công và thân nhân liệt sĩ được triển khai thực hiện đúng theo định mức hỗ trợ quy định. Tính đến thời điểm năm 2023, toàn tỉnh đã hoàn thành hỗ trợ nhà ở được 339/365 căn trong đó xây dựng mới 77 căn, sửa chữa 262 căn với tổng kinh phí là 15,100 tỷ đồng, số còn lại của năm 2023 là 26 căn đang được các địa phương triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, công tác thăm tặng quà, trợ cấp nhân dịp tết Nguyên đán cũng đã được các đơn vị huyện, thành, thị được triển khai thực hiện theo đúng định mức quy định, về mức quà tặng tết Giáp Thìn 2024 kế hoạch như sau: đoàn lãnh đạo Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng quà tỉnh sẽ tổ chức 15 đoàn, số lượng 80 suất Người có công, mỗi phần quà tiền mặt là 2 triệu đồng và kèm phần quà theo trị giá 1 triệu đồng, về mức quà tặng của Chủ tịch nước cho người có công: mức 600 ngàn đồng/ người và mức 300 ngàn đồng/ người; trợ cấp của địa phương: 300 ngàn đồng/ người cho tất cả các đối tượng nhận quà của Chủ tịch nước, mức trợ cấp 500 ngàn đồng / người hoặc hộ cho các đối tượng còn lại chưa được Chủ tịch nước tặng quà, mức trợ cấp 1 triệu đồng/ người cho quân nhân bị bệnh tâm thần.
Tại hội nghị, các đơn vị huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng đã nêu lên các vấn đề khó khăn vướng mắc tại địa phương mình gặp phải, từ đó cấp trên đề ra định hướng giải pháp thực hiện trong thời gian tới đây để thực hiện tốt công tác giải quyết chế độ chính sách người có công. Trong đó tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền việc chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt đối với người có công trên địa bàn mình quản lý, phân loại từng nhóm đối tượng để thuận lợi trong công tác thu thập thông tin phục vụ chi trả không dùng tiền mặt, Phòng Lao động- Thương binh và xã hội các huyện, thành, thị phối hợp chặt chẽ với Bưu điện hướng dẫn, hỗ trợ người có công trong công tác chi trả không dùng tiền mặt đặc biệt là đối với các xã vùng sâu, vùng xa, cơ sở hạ tầng còn thiếu. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công theo đúng đối tượng, đảm bảo tính đầy đủ, chính xác.
Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang cũng đã đề nghị tất cả các địa phương tiếp tục rà soát, báo cáo số liệu thống kê hoàn thiện về kết quả thực hiện công tác chăm lo các chính sách cho người có công trên các lĩnh vực, cán bộ, nhân viên ngành lao động, thương binh và xã hội tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, tận tụy, trung thực, khách quan phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ đã được phân công phụ trách, đảm bảo tất cả các chương trình, chế độ chính sách đều được triển khai thực hiện đến với người có công kịp thời, đúng người, đúng đối tượng, thể hiện được ý nghĩa nhân văn, lòng biết ơn, tinh thần đền ơn đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước trong thực hiện các chính sách chăm lo người có công nói chung.
Tác giả bài viết: Kim Lan - Quốc Nam