Mô hình Cà phê- Doanh nghiệp được Ủy ban nhân dân huyện duy trì tổ chức đều đặn trung bình mỗi thứ bảy tuần đầu tiên của tháng. Đây là dịp để lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện lắng nghe, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX trên địa bàn huyện. Đây cũng là dịp để huyện tuyên truyền, phổ biến, triển khai các văn bản mới có liên quan đến các vấn đề sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp, HTX.
Tại buổi sinh hoạt Cà phê- Doanh nghiệp tháng 12 năm 2023, trong không khí ấm áp chân tình, vui vẻ của những ngày cuối năm, các doanh nghiệp đã được nghe lãnh đạo UBND huyện thông tin về tình hình phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội, an ninh trật tự, tình hình thu – chi ngân sách cơ bản trong năm, các chương trình mục tiêu kế hoạch, dự án trọng điểm của huyện trong thời gian tới, từ đó nắm bắt được tình hình phát triển chung của huyện nhà, bổ sung kiến thức vào chương trình kế hoạch, dự kiến cho các hoạt động của doanh nghiệp mình. Ngoài ra, các doanh nghiệp, Ban Giám đốc các Hợp tác xã cũng được nghe tuyên truyền giới thiệu về các nội dung của Quyết định số 2848/ QĐ-UBND của UBND tỉnh Tiền Giang (Quyết định 2848) quy định về Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021-2025. Trong đó nêu rõ các quy định về hỗ trợ kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm, cơ chế đầu tư, điều kiện hỗ trợ như HTX có tối thiểu 50 thành viên, có tổ chức liên kết sản xuất, có hợp đồng với doanh nghiệp, HTX khác, trung tâm thương mại, siêu thị để cung ứng sản phẩm, dịch vụ đầu vào, tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho HTX hoạt động ổn định. HTX có hoạt động hiệu quả trong thời gian 2 năm liền. Nội dung hỗ trợ như: Xây dựng nhà kho, xưởng phân loại và đóng gói sản phẩm, xưởng sơ chế - chế biến và mua sắm trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm mang lại lợi ích cho cộng đồng, thành viên. Nguồn vốn và mức hỗ trợ theo Quyết định 2848 tổng mức hỗ trợ dưới 3 tỷ đồng/HTX, phương thức hỗ trợ nhà nước sẽ hỗ trợ cho các Hợp tác xã thông qua cấp chính quyền địa phương theo hình thức phân cấp hoặc bổ sung có mục tiêu để xây dựng, mua sắm, bàn giao cho HTX, trường hợp HTX có đủ năng lực, UBND huyện xem xét giao cho HTX tự thực hiện Dự án, mua sắm theo khả năng hoạt động.
Ngoài ra, các Doanh nghiệp, HTX còn được nghe giới thiệu về các nội dung của Nghị quyết số 16/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Tiền Giang về quy định mức chi hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực với thành viên, người lao động của các tổ chức kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, giai đoạn 2022- 2025. Trong đó nêu rõ các mức hỗ trợ kinh phí, thời gian hỗ trợ, vấn đề tạo điều kiện đưa lao động trẻ về làm việc tại các HTX giúp các HTX có nguồn nhân lực trẻ, có trình độ, có kỹ năng công nghệ thông tin hiện đại áp dụng vào các công việc tạo thuận lợi cho các hoạt động của HTX trong tình hình phát triển ngày càng hiện đại.
Tại buổi Cà phê- Doanh nghiệp huyện Gò Công Tây, các HTX, Doanh nghiệp cũng đã đặt ra các câu hỏi, nêu lên những vấn đề băn khoăn, vướng mắc, từ đó được các ngành chức năng trả lời cụ thể.
Mô hình Cà phê- Doanh nghiệp của huyện Gò Công Tây là một mô hình sinh hoạt bổ ích, là nơi gặp gỡ giao lưu, lắng nghe, chia sẻ, cung cấp thông tin các nội dung chính sách quy định, Mô hình cũng có sự tham gia của các ngành như: Ngành Thuế, Công an huyện, Phòng Kinh tế- Hạ tầng, Phòng Tài Chính- Kế hoạch, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cầu nối gắn kết giữa các Doanh nghiệp, HTX với cơ quan Nhà nước, tạo điều kiện để các Doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, trao thêm nhiều cơ hội phát triển đầu tư giúp các Doanh nghiệp của huyện ngày càng thuận lợi trong hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết tạo việc làm cho lao động, thúc đẩy kinh tế- xã hội địa phương ngày càng phát triển.
Tác giả bài viết: Kim Lan