Huyện Gò Công Tây hiện có trên 8.000 ha lúa, hàng trăm ha bắp và đậu, sau thu hoạch để lại trên 35.000 tấn rơm rạ, hàng trăm tấn thân cây bắp và đậu, đây là nguồn thức ăn rất tốt phục vụ việc chăn nuôi bò. Những năm trước đây do tập quán sản xuất truyền thống, phần lớn lượng rơm, rạ sau khi thu hoạch lúa thường bị đốt bỏ, tạo ra lượng lớn khói, bụi gây ô nhiễm môi trường, bạc màu đất, tiêu diệt các loài thiên địch có lợi làm giảm giá trị lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp. Xuất phát từ thực tế đó, các Nhà khoa học của Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh đã nghiên cứu, ứng dụng thành công các quy trình xử lý thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp phục vụ việc chăn nuôi bò.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Gò Công Tây hướng dẫn thực hành quy trình ủ thức ăn cho bò từ rơm khô.
Nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu giống cây trồng vật nuôi, giải phóng sức lao động cho người nông dân, bảo vệ môi trường và gia tăng lợi nhuận trong quá trình sản xuất nông nghiệp, thông qua việc tổ chức lớp tập huấn, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đã giới thiệu và trực tiếp hướng dẫn cho đại biểu tham dự lớp tập huấn 03 quy trình xử lý thức ăn chăn nuôi bao gồm: Ủ chua thức ăn (cỏ tươi, rơm tươi, thân bắp, thân cây đậu); Ủ rơm khô/rơm tươi với chế phẩm EM + mật rỉ đường và muối; Ủ rơm khô/rơm tươi với chế phẩm vôi + Urê + muối. Công thức chung của các quy trình này là sử dụng túi ni lông để chứa cỏ, rơm (tươi/khô), thân cây bắp, thân cây đậu đã được băm nhuyễn, nén chặt, sau đó pha các nguyên liệu khác như: Rỉ mật (hoặc đường), vôi Càng Long, phân Urê và muối ăn với nước theo tỷ lệ nhất định, tưới đều, cột chặt miệng túi, để vào nơi thoáng mát chờ lên men, sau từ 07 đến 14 ngày sử dụng làm thức ăn cho bò. Với các loại thức ăn đã được ủ chua sẽ giúp cho bò gia tăng cảm giác thèm ăn, ăn nhiều thức ăn, thúc đẩy nhanh quá trình tiêu hóa và trao đổi chất giúp gia tăng trọng lượng, rút ngắn quy trình chăn nuôi, gia tăng lợi nhuận./.
Tác giả bài viết: Ngọc Thơ